Một cơ quan quốc tế nghiên cứu về lương thực nói rằng các chính sách bảo hộ mậu dịch và trợ cấp cho ngành nông nghiệp tại các quốc gia phát triển gây thiệt hại cho nền kinh tế của các nước nghèo. Thông tín viên Mwamoyo Hamza gửi về các chi tiết sau đây:
Học viện Quốc tế Nghiên Cứu về các Chính sách Lương Thực đặt trụ sở tại Washington cho hay chính sách bảo hộ mậu dịch và trợ cấp cho khu vực canh nông được các quốc gia tiền tiến cho áp dụng gây thiệt hại cho lợi tức trong ngành nông nghiệp và công nghiệp biến chế nông phẩm của các quốc gia đang phát triển gần 24 tỉ đô la mỗi năm.
Bản phúc trình được công bố hôm thứ Ba tại Washington, nói rằng các chính sách mậu dịch tại các quốc gia công nghiệp khiến cho các nước Châu Mỹ Latin và vùng biển Caribê thiệt hại chừng 8 tỉ 300 ngàn đô la lợi tức hàng năm trong ngành nông nghiệp. Các nước Châu Á bị thiệt hại chừng 6 tỉ 600 triệu, trong lúc khu vực dưới sa mạc Sahara mất gần 2 tỉ đô la mỗi năm.
Bản phúc trình còn nói là các chính sách bảo hộ mậu dịch tại các quốc gia đã công nghiệp hóa gây hậu quả tai hại cho nền mậu dịch thế giới, khiến cho các nước nghèo thiệt mất 40 tỉ đô la hàng xuất khẩu các nông sản của họ mỗi năm.
Đồng tác giả bản phúc trình, ông Eugene Diaz Bonilla, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Học Viện Quốc Tế Nghiên Cứu các chính Sách Lương thực, phát biểu như sau:
Khi nông phẩm được tài trợ và bảo hộ tại các quốc gia công nghiệp hóa thì điều này có nghĩa là một lượng nông phẩm ở một nơi nào khác sẽ không bán được và thường thì kẻ yếu là những nguời phải chịu thiệt. Tại Liên hiệp Âu Châu nếu nông gia được chính phủ trợ cấp để sản xuất thêm 1 tấn đường, hay tại Hoa Kỳ, nông gia được trợ cấp để sản xuất thêm 1 tấn bông vải, hoặc thêm 1 tấn gạo tại Nhật Bản theo chính sách này, thì điều này có nghĩa là Guatemala sẽ mất đi 1 tấn đường xuất khẩu, Benin mất 1 tấn bông vải và Thái Lan 1 tấn gạo.
Ông Diaz Bonilla cũng nêu lên cho thấy rằng các nhà tiểu nông tại những nước đang phát triển hết sức vất vả khi phải cạnh tranh với các sản phẩm được chính phủ các nước công nghiệp tài trợ rồi xuất khẩu đem bán với giá rẻ trên thị trường nước họ. Ông cho rằng việc chấm dứt các chính sách mậu dịch bị sai lệch vì được trợ cấp của các chính phủ sẽ giúp tăng gấp 3 lợi tức do nông phẩm đem về cho các quốc gia đang phát triển.
Bản phúc trình còn ghi nhận thêm rằng các chính sách mậu dịch và trợ cấp của liên hiệp Châu Âu làm mất đi hơn một nửa số sản phẩm xuất khẩu của các nước nghèo. Phúc trình nói rằng các chính sách của liên hiệp châu Âu gây hệ quả lớn hơn cho các nước Châu Phi vì các mối liên hệ mật thiết về mậu dịch trong vùng và các quan hệ thuộc địa, trong lúc chính sách của Hoa Kỳ và Canada có ảnh hưởng nhiều hơn tới các nền kinh tế của Mehico và Colombia.
Ông Diaz Bonilla cho biết bản phúc trình cũng qui lỗi cho các quốc gia đang phát triển không chịu đầu tư đầy đủ vào ngành nông nghiệp, đường sá, các hạ tầng cơ sở ở thôn quê và không chịu thực thi công cuộc cải cách ruộng đất. Ông nói tiếp:
Dĩ nhiên là về phần các quốc gia đang phát triển thì họ cũng cần phải cố gắng thêm rất nhiều để đầu tư vào khu vực nông nghiệp, đảm bảo rằng họ đầu tư đủ vào nguồn vốn nhân lực để có được sự quản trị đúng đắn.
Học Viện quốc Tế Nghiên Cứu chính sách Lương Thực đã sử dụng một khuôn mẫu điện toán của nền kinh tế thế giới để ước tính những thiệt hại ngay tức thời cho các nước nghèo bằng cách dùng khuôn mẫu này thử bôi xóa các chính sách trợ cấp nông nghiệp và bảo hộ mậu dịch của các nước giàu.
Tháng tới các bộ trưởng thuộc tổ chức Thương Mại Thế Giới sẽ họp với nhau ở Cancun, thành phố nghỉ mát của Mehico. Trong cuộc họp này vấn đề cải tổ công cuộc buôn bán nông phẩm thế giới có phần chắc sẽ được đưa lên hàng đầu trên nghị trình.