Các giới chức đại học Mỹ đang ra sức làm việc để hoàn tất công tác đăng ký với chính phủ liên bang tất cả các sinh viên người nước ngoài trước thời hạn chót là ngày mồng 1 tháng 8 tới đây, dựa theo những luật lệ mới về an ninh sau biến cố 11 tháng 9. Nhiều người đã than phiền về những trở ngại mà họ gặp phải trong công tác này.
Phát biểu hôm thứ Hai vừa qua tại Học viện Chautauqua ở tiểu bang New York, bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, ông Tom Ridge nói rằng giới hữu trách đang thực hiện nhiều nỗ lực nhằm tăng cường an ninh mà không gây phương hại đến quyền hạn và tự do của mọi người, kể cả những người nước ngoài đến Hoa kỳ để du lịch hay học tập.
Bộ trưởng Ridge cũng nói thêm rằng đối với những học sinh sinh viên nước ngoài đến nước Mỹ, chính phủ Hoa kỳ cần biết rõ họ là ai và muốn biết chắc là họ đã rời khỏi nước Mỹ sau khi thị thực đáo hạn. Theo lời ông Tom Ridge, chính phủ Mỹ không hề có ý định giảm thiểu tính chất khai phóng của xã hội Hoa kỳ, nhưng giới hữu trách cần có thêm thông tin về những người đến thăm nước Mỹ.
Trong khuôn khổ của nỗ lực và ý định vừa kể, một hệ thống đặt cơ sở trên mạng lưới máy vi tính để nhà chức trách có thể theo dõi tình trạng sinh viên quốc tế ở Mỹ một cách hữu hiệu hơn đã được thiết lập. Đó là hệ thống Sevis, viết tắt từ tên tiếng Anh là “Student and Exchange Visitor Information Service”, hay dịch vụ thông tin về sinh viên và học giả giao lưu.
Kế hoạch thiết lập hệ thống Sevis thật ra đã được đề xuất từ nhiều năm trước, nhưng vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã góp phần gia tốc việc thực hiện kế hoạch này. Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã chỉ thị cho các cơ sở giáo dục có thu nhận học sinh sinh viên quốc tế phải gia nhập chương trình Sevis trước ngày 30 tháng giêng năm 2003 và hoàn tất công tác đăng ký sinh viên quốc tế trước ngày mồng 1 tháng 8. Ngoài ra, các trường tham gia chương trình Sevis còn phải hoàn tất một quá trình duyệt xét trước ngày 14 tháng 5 năm 2004 mới có thể tiếp tục được quyền thu nhận sinh viên nước ngoài. Theo chương trình này, các trường đại học phải thông qua hệ thống Sevis để cung cấp thông tin của các sinh viên nước ngoài mà họ quyết định thu nhận và phải thường xuyên cập nhật hóa thông tin liên quan đến công việc học tập và nơi cư trú của các sinh viên quốc tế đang theo học tại trường của mình. Các giới chức chính phủ, bao gồm nhân viên lãnh sự quán, nhân viên sở di trú, và nhân viên an ninh, có thể dựa vào thông tin trong hệ thống Sevis để thi hành phận sự của mình.
Một bài tường thuật của hãng thông tấn AP đề ngày 21 tháng 7 cho biết trong thời gian gần đây, nhiều văn phòng sinh viên quốc tế ở các đại học Mỹ đã phải giảm thiểu những dịch vụ thường nhật và phải làm việc 14 giờ mỗi ngày để đưa thông tin vào hệ thống Sevis. Nhiều giới chức đại học đã than phiền về những khiếm khuyết của hệ thống này, và họ tỏ ý lo ngại là sẽ có một số sinh viên nước ngoài không được cấp phát hoặc gia hạn thị thực; thậm chí còn có những sinh viên đang ở Mỹ có thể sẽ bị bắt và bị trục xuất; chỉ vì hệ thống Sevis không có thông tin của họ hoặc có nhưng không đầy đủ.
Bà Gail Szenes, giám đốc phòng sinh viên quốc tế của Đại học New York, nói với hãng AP rằng: kho dữ liệu của hệ thống Sevis có quá nhiều khiếm khuyết. Một trong những khiếm khuyết lớn mà các giới chức đại học nêu lên là lập trình điện toán của hệ thống Sevis có thiếu sót, khiến cho thông tin của các sinh viên không chuyển được tới những lãnh sự quán ở nước ngoài một cách suông sẻ và vì thế, việc xét đơn xin thị thực du học đã gặp nhiều khó khăn và bị chậm trễ.
Giám đốc phòng sinh viên quốc tế của Đại học Perdue ở tiểu bang Indiana, ông Michael Brzezinski cho biết: mỗi ngày, văn phòng của ông nhận được khoảng 15 e-mails từ các sinh viên nước ngoài than phiền là việc xin thị thực của họ đã gặp trở ngại vì hồ sơ trong Sevis không đầy đủ. Bà Rosemary Max, phó giám đốc phòng sinh viên quốc tế của Đại học Tiểu bang Michigan cũng nói rằng trong hai tháng nay, ngày nào văn phòng của bà cũng nhận được vô số những cú điện thoại của các sinh viên gặp phải những khó khăn tương tự. Bà Max cho biết một vài sinh viên nước ngoài được đại học của bà thu nhận nhưng không được cấp thị thực du học. Bà nói thêm rằng có một số sinh viên đang suy tính đến việc chuyển sang du học ở những nước khác, như Canada, Australia và Anh quốc. Theo ông Brzezinski và một số giới chức đại học, hệ thống Sevis cần phải được nhanh chóng sửa chữa cho có hiệu quả, bằng không, sẽ có nhiều sinh viên nước ngoài bị buộc phải chuyển sang nước khác để theo đuổi công việc học tập; và như thế, nước Mỹ sẽ mất đi những cơ hội để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với những người trẻ ở các nước khác, là những người có nhiều triển vọng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo ở nước họ trong tương lai.