Bệnh sốt Đăng-gơ, hay còn gọi là bệnh sốt đập lưng, là một chứng bệnh nguy hiểm ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh ở Việt Nam. Vừa qua Bộ Y tế Việt Nam loan báo đã có trên 9000 người bị mắc chứng bệnh này trong 6 tháng đầu năm nay, tức là tăng 63% so với cùng thời gian này năm ngoái. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện “Khoa học và đời sống” hôm nay để trình bày với quý thính giả một số dữ kiện đáng chú ý về dịch bệnh này.
Bệnh sốt Đăng-gơ và các loại vi-rút gây ra bệnh này được truyền sang cho con người qua vết chích của con muỗi cái thuộc giống muỗi Aedes. Có nhiều loại bệnh Đăng-gơ khác nhau do 4 loại vi-rút gây ra, trong đó loại sốt xuất huyết Đăng-gơ là nguy hiểm nhất vì nó có thể đưa đến tử vong.
Một trận đại dịch sốt Đăng-gơ lần đầu tiên nổ ra tại Đông Nam Á sau Thế Chiến Thứ Hai, và tiếp tục gia tăng cường độ trong vòng 15 năm qua. Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ xuất hiện lần đầu tiên tại Đông Nam Á trong thập niên 1950, nhưng đến năm 1975 thì nó đã trở thành một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trong trẻ em tại nhiều nước ở khu vực này.
Trong thập niên 1980, bệnh sốt xuất huyết Đang-gơ bắt đầu đợt phát triển thứ nhì vào Châu Á, khi Sri Lanka, Ấn Độ, và quần đảo Maldives bị nạn dịch sốt xuất huyết Đăng-gơ lớn đầu tiên. Sau khi vắng bóng trong 35 năm, dịch sốt Đăng-gơ tái xuất hiện ở cả Đài Loan lẫn Trung Quốc trong thập niên 1980. Trung Quốc bị một loạt dịch bệnh gây ra bởi cả 4 loại sốt Đăng-gơ, nhưng trận dịch bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ lớn đầu tiên ở nước này nổ ra trên Đảo Hải Nam vào năm 1985. Tại các nước khác ở Đông Nam Á, nơi mà sốt xuất huyết Đăng-gơ đã trở thành một bệnh dịch địa phương, các trận dịch Đăng-gơ càng ngày càng lan rộng hơn trong 15 năm qua.
Trong khu vực Thái Bình Dương, các vi-rút gây bệnh sốt Đăng-gơ tái xuất hiện trong những năm đầu của thập niên 1970 sau một thời gian vắng bóng trên 25 năm. Các trận dịch gây nên bởi tất cả bốn loại bệnh Đăng-gơ trong những năm vừa qua đã gia tăng cường độ, kể cả việc bộc phát một số trận dịch bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ lớn trên nhiều hải đảo.
Năm 1997, Đăng-gơ là chứng bệnh do muỗi truyền đi nguy hiểm có ảnh hưởng đến con người. Sự lan tràn của nó trên thế giới có thể so sánh được với bệnh sốt rét. Hiện nay có khoảng 2 tỷ rưỡi người sống trong các vùng bị đe dọa bởi sự lan truyền của dịch bệnh sốt Đăng-gơ. Mỗi nằm có hàng chục triệu ca bệnh sốt Đăng-gơ xảy ra, và tùy theo năm, có đến hàng trăm ngàn ca bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ tại hầu hết các nước là vào khoảng 5%, phần lớn trong các trẻ em và thanh thiếu niên.
Bệnh sốt Đăng-gơ thường xảy ra 3 hay 5 năm một lần, và hiện nay đang diễn ra một trận dịch sốt Đăng-gơ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngoài Việt Nam, những nước bị ảnh hương nặng nhất là Ấn Độ, Indonesia, Miến Điện, Thái Lan, và vùng Caribê. Riêng tại Lào, một trận dịch sốt Đăng-gơ đang bắt đầu bộc phát, đặc biệt trong 12 huyện thuộc tỉnh Savannakhet. Theo tờ Thời báo Vientiane, có 20 bệnh nhân trong số 2100 ca bệnh đã thiệt mạng.
Bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, vì đa số bệnh nhân thường là trẻ em, và trẻ em cũng chiếm phần lớn những trường hợp tử vong liên quan đến bệnh này.
Bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ được phát hiện lần đầu tiên trong thập niên 1950 trong trận dịch sốt Đăng-gơ tại Philippines và Thái Lan. Ngày nay, dịch bệnh này ảnh hưởng đến hầu hết các nước Á châu và đã trở thành một nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều trẻ em trong một số lớn các nước này phải vào bệnh viện hay bị thiệt mạng.
Đa số các ca bệnh sốt Đăng-gơ không thuộc loại hiểm nghèo, thường chỉ kéo dài độ vài ngày, ít khi lâu đến 1 tuần lễ. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này gồm một cơn sốt bất thần với thân nhiệt tăng nhanh, nhức đầu nghiêm trọng, buồn nôn, ói mửa, biếng ăn, phát ban, và đau nhức xương cốt và bắp thịt. Ban thường xuất hiện khoảng 3 hay 4 ngày sau khi có những triệu chứng bệnh đầu tiên, bắt đầu ở phần thân trên, rồi lan dần đến mặt và tay chân. Bệnh có thể tạm thuyên giảm trong vài ngày, nhưng thường thì sốt và ban sẽ xuất hiện lại sau đó.
Việc chữa trị thận trọng do các y sĩ và y tá thựïc hiện thường cứu sống được các nạn nhân của bệnh sốt xuất huyết Đăng-gơ. Với một liệu pháp khẩn trương và thích hợp, tỷ lệ tử vong thường được giảm xuống dưới 1%.
Mới đây, một số loại thuộc chủng vi-rút gây bệnh Đăng-gơ đang được nghiên cứu tại Thái Lan. Số thuốc chủng này an toàn khi được tiêm theo nhiều phuong thức khác nhau. Tuy nhiên, việc thử nghiệm đối với những người tình nguyện chưa được thực hiện. Do đó, một loại thuốc chủng hữu hiệu cho quảng đại quần chúng để ngừa bệnh sốt Đăng-gơ cũng phải mất nhiều năm nữa mới được bán ra thị trường.
Vì thế mà hiện nay phòng ngừa vẫn là biện pháp hợp lý nhất.
Muỗi Aedes mang vi-rút gây bệnh sốt Đăng-gơ là giống muỗi thích cắn người vào ban ngày, phần nhiều vào buổi sáng và buổi chiều, và thường ở trong nhà và những nơi có bóng râm.
Ở Châu Á, muỗi Aedes sinh sản chủ yếu trong những đồ chứa do người làm ra như lu sành, thùng kim loại, và bể xi-măng dùng để chứa nước mưa, cũng như trong các thùng plastic chứa thực phẩm phế thải, vỏ bánh xe hơi cũ, và những vật dụng khác có đọng nước mưa. Người ta đã khám phá ra rằng chính hoạt động buôn bán vỏ bánh xe hơi cũ quốc tế là nguyên nhân làm bệnh sốt Đăng-gơ lan đến Châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có vào khoảng 50 triệu ca nhiễm bệnh sốt Đăng-gơ mỗi năm trên toàn thế giới.