Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Một năm nhìn lại - Chính trị


Việt Nam: Một năm nhìn lại - Chính trị
Việt Nam: Một năm nhìn lại - Chính trị

Kỳ 2- Chính trị

Thay đổi đường lối đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc: Năm 2009 đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam. Điểm dễ thấy là Việt Nam đang tích cực tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương với Hoa Kỳ. Trong những tháng cuối năm, lịch thăm viếng của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Mỹ có thể nói là dày đặc: Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ vào tháng 9, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm thăm Mỹ vào tháng 10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm vào tháng 11 còn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thì thăm Mỹ vào tháng 12. Phía Hoa Kỳ thì một mặt đang cân nhắc việc bán vũ khí cho Việt Nam, mặt khác đang tìm cách lôi kéo Việt Nam tham gia vào một tổ chức mậu dịch có tên là Hiệp định Đối tác Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tỏ ra cứng cỏi hơn và công khai hơn trong cách ứng xử với Trung Quốc ở Biển Đông. Từ đầu năm trở lại đây, báo chí trong nước liên tục đăng tải các sự kiện có liên quan tới Biển Đông. Các kênh truyền hình cũng làm các chuyên đề về Biển Đông trong khi các trường Đại học và các nhóm nghiên cứu thì tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, như hồi năm 2005, khi sự kiện hải quân Trung Quốc thảm sát dân thường Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, việc đưa tin và thảo luận công khai về các vấn đề này vẫn bị coi là hết sức nhạy cảm.

Nỗ lực bang giao với Vatican chưa thành công: Trong nỗ lực đặt quan hệ ngoại giao với Vatican, Chủ tịch Triết đã hội kiến với Ðức giáo hoàng Bennedict XVI tại Vatican hồi giữa tháng 12 vừa rồi. Ngay trước buổi hội kiến này, Chủ tịch Triết đã trả lời báo Corriere della Sera rằng “chúng tôi đang xúc tiến để thiết lập bang giao chính thức với Vatican.” Cuộc gặp với Ðức giáo hoàng đã kéo dài tới 40 phút, gấp đôi thời lượng dự tính ban đầu. Thế nhưng kết cuộc thì hai bên vẫn chưa đi tới được thỏa thuận cuối cùng về việc thiết lập bang giao.

Theo các hãng tin nước ngoài, một trong những khúc mắc hai phía cần tập trung giải quyết là tài sản của Giáo hội bị chính phủ tịch thu sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau 1975 ở miền Nam. Một vấn đề khác có lẽ cũng quan trọng không kém là việc Việt Nam từ trước tới nay vẫn dành quyền phủ quyết các quyết định bổ nhiệm nhân sự của Vatican trên lãnh thổ Việt Nam.

Nếu như Vatican chịu nhượng bộ Việt Nam trên vấn đề tranh chấp đất đai thì có lẽ sẽ là dấu chấm hết cho các cuộc đấu tranh đòi đất của các nhà thờ công giáo từ Bắc vào Nam.

Quản lý blog và hạn chế phản biện: Năm 2009 cũng đánh dấu bước chuyển biến mới trong chính sách của Việt Nam đối với giới bloggers và những người làm công tác phản biện. Tháng 8 năm qua được đánh dấu bởi một loạt các vụ bắt giữ những bloggers có tên tuổi ở Việt Nam như Bùi Thanh HiếuPhạm Đoan Trang. Từ phía chính quyền, bà Nguyễn Thanh Nga của Bộ Ngoại giao chỉ khẳng định họ bị bắt giữ vì “có những dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia.” Tuy nhiên bà Nga không nói rõ đó là các dấu hiệu gì, và những dấu hiệu này sau đó cũng không thấy được nhắc tới nữa.

Gần đây, từ đầu tháng 11 vừa qua, trang mạng Facebook – là trang được những người trẻ tuổi ở Việt Nam ưa chuộng - đã bị hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISPs) ở Việt Nam ngăn chặn. Facebook tuy không phải là một trang cung cấp dịch vụ blogging nhưng là một mạng lưới xã hội cực mạnh giúp người dùng nhanh chóng phổ biến các thông tin cho bạn bè và những người trong mạng lưới của mình. Theo VOA, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) của Việt Nam khẳng định họ không có liên hệ gì đến việc giới sử dụng Internet ở trong nước hiện không truy cập được trang mạng Facebook. Nếu VOA đưa tin đúng, thì tuyên bố này của Bộ TT&TT không có nghĩa facebook không bị chặn, mà chỉ có nghĩa việc chặn này không phải do Bộ TT&TT làm.

Liên quan tới phản biện, Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg do Thủ tướng Dũng ký hồi tháng 7 vừa rồi đã yêu cầu các tổ chức nghiên cứu “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.” Việc này đã gây ra một số phản ứng trong giới nghiên cứu và phản biện chính sách. Điển hình nhất là sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tuyên bố đóng cửa vào ngày 14 tháng 9 vừa qua. IDS là một think tank tư nhân có uy tín vào bậc nhất ở Việt Nam do các nhà khoa học có tên tuổi thành lập. Sự kiện IDS giải thể để phản đối quyết định này đã gây ra chấn động khá lớn trong giới trí thức Việt Nam.

Vụ án xâm phạm an ninh quốc gia Lê Công Định: Năm 2009 cũng được đánh dấu bởi vụ án xâm phạm an ninh quốc gia liên quan tới luật sư Lê Công Định và các đồng sự của ông. Vụ án này gây chấn động lớn trong dư luận không phải vì tính nghiêm trọng của nó mà vì sự nổi tiếng cá nhân của những người bị bắt trong vụ án như Luật sư Định hay ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức cùng với việc nhà nước Việt Nam nhanh chóng công bố các video có ghi hình ảnh họ đọc biên bản nhận tội.

Khác với các vụ án của các thế hệ đi trước như Lê Chí Quang hay Nguyễn Khắc Toàn, vụ án liên quan đến nhóm của LS Định đã được giới trí thức, sinh viên, và các chuyên viên cổ cồn trắng nói chung đặc biệt quan tâm. Lý do như đã nói ở trên là vì sự nổi tiếng cá nhân của họ. Thí dụ như LS Định có vợ là một cựu hoa hậu, còn ông Nguyễn Tiến Trung thì đã từng hội kiến với nhiều chính khách lớn của nước ngoài. Tuổi tác, học vấn và sự thành đạt của họ cũng khiến họ được ngưỡng mộ và đồng cảm. Ngoài ra, nhận thức của công chúng thành thị ở Việt Nam cũng đã có những bước chuyển biến khá rõ nét so với hồi năm 2001.

Theo báo chí Việt Nam, nhóm của LS Định đã cấu kết với một số người Việt phản động ở nước ngoài nhằm thành lập ra các tổ chức đảng với mục tiêu lâu dài là cạnh tranh quyền lực với ĐCS. Nhà nước Việt Nam coi hoạt động này là vi phạm pháp luật (hiến pháp Việt Nam quy định ĐCS là đảng duy nhất có độc quyền lãnh đạo đất nước). Việt Nam trước đây từng có các đảng anh em bên cạnh ĐCS. Tuy nhiên, những người anh em này sau đó được cho là không cần thiết nữa nên đã tự nguyện giải thể.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG