Đường dẫn truy cập

Những sự kiện trong làng bóng đá thu hút được nhiều sự chú ý nhất năm 2009


<!-- IMAGE -->

Cuộc đua tranh suất dự World Cup khép lại trong năm 2009 với một số vé đến Nam Phi gây nhiều tranh cãi; Thủ quân Thierry Henry của Pháp trở thành đầu đề trên báo chí trong vụ chơi bóng bằng tay ở trận đấu với Ireland; trận 'playoff' giữa Algeria và Ai Cập chìm đắm trong không khí bạo động; Barcelona đoạt 6 chiếc cúp trong năm; Mỹ đạt thành tích đáng ngạc nhiên tại Confederations Cup; và giấc mơ vô địch Đông Nam Á của bóng đá Việt Nam bị Malaysia chận đứng có lẽ những sự kiện thu hút được nhiều sự chú ý nhất trong làng bóng đá của năm vừa qua.

Trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại tranh vé dự World Cup giữa đội tuyển Pháp và Ireland đã kết thúc gây nhiều tranh cãi bằng một bàn thắng có sự tham gia chơi bóng bằng tay của thủ quân Thierry Henry để giành về cho Pháp suất đi Nam Phi mùa hè năm tới.

Pha phạm lỗi mà trọng tài không 'bắt được' này đã làm bùng lên một vụ tranh cãi lớn khiến cả lãnh đạo của hai nước phải nhảy vào cuộc, và Ireland đã khiếu nại với FIFA đòi tổ chức lại trận đấu, hoặc cho thêm đội tuyển thứ 33 dự tranh World Cup 2010.

FIFA nói rằng quyết định của trọng tài trên sân là chung cuộc. Việc trọng tài không bắt được lỗi chơi tay của Henry làm gia tăng đòi hỏi phải có thêm trọng tài điều khiển trận đấu. Tuy nhiên FIFA đã bác bỏ đòi hỏi đó

Chủ tịch Sepp Blatter của FIFA nói rằng: "Tại World Cup 2010 vẫn chỉ có một trọng tài chính và hai trợ lý trên sân để điều khiển trận đấu, và đó là điều dứt khoát, không bàn luận thêm. Vấn đề này chỉ có thể được xem xét sau World Cup."

Giới hâm mộ bóng đá cũng đồng ý rằng nếu thay đổi kết quả trận đấu này sẽ làm đảo lộn nhiều chuyện khác trong làng bóng đá.

Anh Nhiên Phạm, một người hâm mộ bóng đá ở Washington hiểu rành về môn thể thao này và các giải đấu quốc tế: "Ngay lúc đó mà trọng tài không bắt được thì kết quả ra sao đâu thể đòi đá lại được. Cũng giống như 4 năm về trước khi Materazzi của Ý chọc tức Zidan, để cầu thủ này dùng đầu đánh Materazzi và rồi bị trọng tài đuổi ra khỏi sân. Pháp thua trận [chung kết] đó và không đòi đấu lại trận đó. Mục đích là tranh vé vào World Cup. Henry không cố ý."

Người Pháp bênh vực cho thủ quân của họ rằng đó là lỗi của trọng tài chứ không phải của Henry, thế nhưng họ cũng không cảm thấy tự hào khi các tuyển thủ của họ cầm một chiếc vé tranh cãi như vậy đi Nam Phi.

Ông Hoài Phan, một người Pháp gốc Việt: "Cái đó không phải lỗi của Thierry. Nếu phạm lỗi thì trọng tài phải thổi [phạt]. Trọng tài không thổi nên Thierry phải tiếp tục công việc của anh, là phải tiếp tục đá [bóng]. Không lẽ Thierry đụng tay rồi chạy đến giơ tay cho trọng tài và hô lên 'tui đụng tay, tui đụng tay rồi'.

Đa số dân Pháp bây giờ thấy [đội tuyển] Pháp được vô World Cup thì cũng hài lòng, nhưng thấy hình ảnh đó thì cũng không đẹp đẽ gì. Được vô, nhưng vô với cái bàn tay."

Trên đường dẫn đến Nam Phi không chỉ có Pháp và Ireland gây ra tranh cãi như vậy. Trận 'playoff' giữa Ai Cập và Algeria bị bao trùm bởi không khí bạo động, tranh chấp ngoại giao và những va chạm mang tính dân tộc.

Vào tháng 11, Ai Cập cần phải thắng Algeria với ít nhất là 3 bàn trong khuôn khổ của Bảng C, khu vực châu Phi để tranh được chiếc vé đi Nam Phi. Trước trận 'thư hùng' tại Cairo, cổ động viên Ai Cập đã ném đá vào xe chở đoàn tuyển thủ Algeria trên đường tới khách sạn. An ninh đã được xiết chặt trong trận đấu với kết quả là Ai Cập thắng Algeria 2-0.

Kết quả đó buộc hai đội phải tiến hành một trận 'nốc ao' trên sân trung lập tại Omdurman, Sudan. Trận đấu diễn ra trong vòng an ninh nghiêm nhặt, và kết quả là Algeria thắng Ai Cập 1-0, để lần đầu tiên được góp mặt trở lại tại vòng chung kết World Cup kể từ năm 1986.

Ai Cập sau đó đã triệu hồi đại sứ tại Algeria để phản đối chuyện cổ động viên và doanh nghiệp của Ai Cập bị tấn công ở Khartoum.

Còn tại Cairo thì cảnh sát đã va chạm với các cổ động viên giận dữ tìm cách tấn công đại sứ quán Algeria.

Quan hệ giữa Ai Cập và Sudan trở nên căng thẳng trong lúc có nhiều cáo buộc cho rằng Sudan đã không làm tốt công tác bảo vệ an ninh cho trận đấu.

Thậm chí trong một bài phát biểu trước trước quốc hội, Tổng thống Hosni Mubarak nói Ai Cập sẽ không tha thứ việc người Ai Cập bị tấn công.

Tuy nhiên giới hâm mộ hiện nay tập trung sự chú ý vào Nam Phi, nước sẽ đăng cai vòng chung kết cúp bóng đá thế giới với sự tham dự của 32 đổi tuyển, sẽ khởi tranh vào ngày 11 tháng 6.

<!-- IMAGE -->

Cơn sốt World Cup đã được khởi động bằng lễ bốc thăm hoành tráng diễn ra tại Cape Town hồi đầu tháng này, với kết quả là người khồng lồ 5 lần vô địch thế giới Brazil bị xếp vào 'bảng tử thần', còn đội hạt giống Anh được xem là may mắn ở trong bảng 'nhẹ ký.

Anh Huy Hoàng, một cựu biên tập viên thể thao: "Thực ra kết quả bốc thăm lần này xem ra khá cân bằng, không có sự chênh lệch quá lớn. Tuy nhiên Bảng G có thể được xem là 'bảng tử thần'. Ngoại trừ Bắc Triều Tiên, dù là một bất ngờ của châu Á, vẫn chỉ là đội lót đường của cuộc chơi lần này mà thôi. Ba đội còn lài là Brazil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà đều có cơ hội sẽ đi tiếp. Theo tôi Bờ Biển Ngà là đội sẽ gây khó dễ cho Brazil và Bồ Đào Nha."

Cựu Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi đã hãnh diện phát biểu trước ông kính truyền hình thế giới tại lễ bốc thăm rằng nước ông đang hân hoan hướng đến ngày được làm chủ nhà của đại hội bóng đá lớn nhất hành tinh, lần đầu tiên diễn ra trên lục địa Phi châu.

Danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới được FIFA trao cho Lionel Messi. Tiền đạo người Argentina này cũng đoạt luôn danh hiệu Quả bóng Vàng châu Âu sau khi đã góp công lớn đưa câu lạc bộ Barcelona đến 6 danh hiệu vô địch trong năm 2009.

Messi đã giúp Barcelona hạ Manchester United 2-0 trong trận chung kết Champions League, và ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết với Estudiantes của Argentina để đoạt Cúp các Câu lạc bộ Thế giới.

Một ngôi sao bóng đá Nam Mỹ khác là Ronaldinho của Brazil đã vượt qua Messi để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thập niên của Tạp chí Bóng đá Thế giới (Soccer World Magazine). Ronaldinho đã từng hai lần đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trong năm của FIFA, và Quả bóng Vàng châu Âu năm 2005. Ronaldinho đã vượt qua Messi và Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha trong vòng biểu quyết chung cuộc của cuộc bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất thập niên.

Đội tuyển quốc gia có nhiều thành tích vang dội trong năm 2009 có lẽ là Tây Ban Nha với 15 trận thắng trong tổng số 16 trận quốc tế. Tuy nhiên đội tuyển Mỹ đã lập được một thành tích khá ngạc nhiên khi chấm dứt được chuỗi trận bất bại của Tây Ban Nha bằng một chiến thắng tại bán kết Confederations Cup. Thế nhưng đội Mỹ đã không lập lại được thành tích đó khi gặp Brazil trong trận chung kết.

Và sự kiện gần đây nhất đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải là việc đội tuyển U-23 của nước này đã không vượt qua được Malaysia trong trận chung kết bóng đá SEA-Games để hoàn thành giấc mơ đã ấp ủ nửa thế kỷ qua.

Người hâm mộ Việt Nam tưởng chừng Việt Nam đã cầm chắc chiến thắng trong tay khi các tuyển thủ U-23 của họ mới vài ngày trước đó đã thắng Malaysia khá dễ dàng ở vòng đấu bảng, trong khi nỗi ám ảnh truyền kiếp 'Thái Lan' không còn xuất hiện trại trận chung kết nữa.

Thế nhưng bóng đá Việt Nam một lần nữa lại để mất cơ hội hiếm hoi vào tay các cầu thủ Malaysia, và không biết giấc mơ vô địch Đông Nam Á sẽ được tiếp tục ấp ủ thêm bao lâu nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG