<!-- IMAGE -->
Trong tạp chí Khoa Học và Đời Sống hôm nay, chúng tôi xin đề cập đến: (1) một phúc trình kêu gọi nên thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt tác động của ngành nuôi trồng thủy sản đối với các loài cá biển được dùng làm lương thực cho cá nuôi, (2) một giống cây đậu thử nghiệm có tác dụng giúp giới nông dân đối phó với một chứng bệnh chủ yếu tác động đến công nghệ nuôi gà, và (3) các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một chất kích thích tố tự nhiên để giảm bớt số lượng thuốc trừ sâu tích tụ trong một số loại cây lương thực. Mời quý vị theo dõi các chi tiết sau đây trong bài tường trình do thông tín viên Steve Baragona của đài VOA biên soạn.
1. Phân nửa số lượng cá được tiêu thụ trên khắp thế giới trong năm nay xuất phát từ các trại nuôi cá. Đây là lần đầu tiên công nghệ nuôi trồng thủy sản đạt đến bước ngoặt này. Tuy nhiên sự phát triển của ngành này đang gây sức ép đối với các loài cá biển được dùng để làm lương thực cho cá nuôi. Một phúc trình mới kêu gọi nên thực hiện một số thay đổi để giảm bớt tác động của ngành nuôi trồng thủy sản.
Các chuyên gia nói rằng có một số yếu tố đang đẩy mạnh nhu cầu về cá trên toàn cầu, kể cả dân số tăng, mức thu nhập của mỗi hộ gia đình tăng tại Châu Á, và nhận thức cho rằng cá là một phần trong một chế độ dinh dưỡng tốt.
Các nhà bảo vệ môi trường đã nêu một số quan tâm về ngành nuôi trồng thủy sản, một phần vì số lượng quá lớn các loại cá biển như xạc-din và cá mòi dầu (menhaden) được khai thác để làm lương thực cho cá nuôi tại các trại thủy sản. Theo khoa học gia Roz Naylor của trường Đại học Stanford, thì ngay cả cá chép và tilapia vốn bình thường không ăn cá, cũng được nuôi với lương thực làm bằng cá để giúp chúng phát triển tốt hơn.
Bà Naylor cho biết: "Mặc dù mỗi con cá chỉ ăn một ít cá thiên nhiên mà thôi, nhưng tích tiểu thành đại, một số lượng cá vô cùng lớn hiện đang được sử dụng trong công nghệ nuôi trồng thủy sản."
Các đồng nghiệp của bà Naylor gồm các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản và các nhà khoa học môi trường, không phải lúc nào là cũng đồng ý với nhau về vấn đề này. Mặc dù vậy họ đã hợp tác để thực hiện bản phúc trình vừa được đăng trong Biên bản lưu của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia. Phúc trình này nhấn mạnh rằng so với năm 1995, các nhà nuôi trồng thủy sản ngày nay sản xuất ra nhiều cá hơn tính theo từng kg cá biển được dùng làm lương thực. Tuy nhiên, năng xuất được cải thiện như vừa kể đã bị làm lu mờ vì sự phát triển nói chung của ngành nuôi trồng thủy sản. Trong khi đà khai thác thủy sản thiên nhiên chưa đến mức quá đáng, bà Naylor nói rằng rõ rệt các loại cá thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ bị tận dụng.
Baf Naylor nói thêm: "Trong khi phúc trình cho thấy là giữa lúc ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, và tiêu thụ một số lượng cá thiên nhiên ngày càng lớn, cứ theo đà này thì tại một thời điểm nào đó, áp lực sẽ tăng đối với các loài thủy sản thiên nhiên, trừ phi người ta kiếm ra được nguồn lương thực thay thế để nuôi cá trong các trại nuôi trồng thủy sản."
Phúc trình mới xem xét những biện pháp thay thế, từ các nguồn công nghệ cao như các loài cây trồng được biến đổi gene, hoặc các loài rong biển được sử dụng làm nhiên liệu sinh học, cho tới các tài nguyên thường tình hơn như phụ phẩm biến chế từ rác do các công nghệ khai thác cá khác cung cấp. Ngay trong lúc này, thì không có biện pháp thay thế nào có đủ hiệu năng kinh tế.
Thế nhưng bà Naylor nói rằng các nhà làm chính sách có thể giúp lèo lái thị trường qua các biện pháp khích lệ và các luật lệ quy định hoạt động của ngành này. Các nhà nuôi cá có thể được khuyến khích nên nuôi trồng các loại cá không đòi hỏi nhiều cá biển trong lương thực. Bà Naylor nói thêm rằng một số các quốc gia ven biển cần hạn chế số lượng cá được đánh bắt để làm lương thực trong các vùng biển của họ để tránh gây áp lực quá lớn đối với các tài nguyên hải sản, vốn đã bị khai thác đến mức tối đa, đôi khi quá mức.
<!-- IMAGE -->
2. Các nhà khoa học đã chế ra một loại cây đậu có thể giúp đối phó với một chứng bệnh chủ yếu tác động đến công nghiệp nuôi gà.
Công nghiệp nuôi gà trên toàn cầu thua lỗ ước lượng 2,4 tỉ đôla mỗi năm vì một chứng bệnh do ký sinh trùng gây ra, có tên gọi là coccidiosis. Các loại thuốc chống bệnh này ngày càng mất hiệu quả vì hiện tượng kháng thuốc, và do việc cho thêm thuốc vào lương thực dành cho gia súc đang trở nên ít phổ biến hơn, đặc biệt tại các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Những người nuôi gà đã sử dụng vắc-xin chống bệnh coccidiosis trong suốt 50 năm qua, nhưng chích ngừa các đàn gà là một công tác tốn kém và tốn sức lao động.
Nhưng nếu thay vì chích thuốc từ bên ngoài để phòng bệnh cho gà, nông dân có thể tìm ra một giải pháp khác cũng hữu hiệu không kém? Một chuyên gia về gen, ông Sergey Kipriyanov đề nghị giải pháp: "Chúng ta có thể dùng các giống cây được chuyển đổi gene như cỏ khô để cho súc vật ăn."
Ông và các đồng nghiệp đã tạo ra một giống cây đậu được chuyển đổi gene tại một công ty công nghệ sinh học của Đức tên là Novoplant. Giống đậu này sản xuất những kháng thể chống ký sinh trùng coccidiosis. Các nhà nghiên cứu thái đậu ra để cho thêm vào lương thực nuôi gà.
Ông Kipriyanov nói rằng cách này rất có hiệu quả. Ông cho biết là trong một cuộc nghiên cứu sơ khởi, mức độ vi trùng coccidiosis trong ruột các con gà được cho ăn đậu biến đổi gen có thể thấp hơn 70% so với các con gà được cho ăn loại đậu không tạo ra kháng thể. Riêng đối với các con gà, thì được cho ăn loại đậu biến đổi gene hay không cũng thế, không thành vấn đề.
Ông Kipriyanov nhấn mạnh rằng còn rất nhiều điều cần phải làm, tuy nhiên, ông nói cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng các loại đậu biến đổi gen có thể là một cách thức mới để tăng sức kháng cự của gà chống chứng bệnh về đường ruột đang khiến cho giới nông dân tốn kém hàng tỉ đôla. Kết quả cuộc nghiên cứu vừa rồi được đăng trên tạp chí Công nghệ Sinh học BMC.
3. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chất kích thích tố tự nhiên có thể làm giảm mức độ thuốc trừ sâu tích tụ trong một số cây lương thực.
Để ngăn ngừa sâu bọ hay côn trùng phá hoại mùa màng, giới nông dân trên khắp thế giới thường sử dụng khoảng 2,25 triệu mét khối thuốc trừ sâu mỗi năm để bảo vệ mùa màng.
Một số chất hóa học ấy có thể phương hại đến sức khỏe con người. Do đó các chuyên gia đang tìm tòi những phương thức nhằm giảm lượng thuốc trừ sâu tích tụ lại trong các loại cây lương thực sau khi được thu hoạch.
Theo tiến trình phát triển tự nhiên, các giống cây thường sản xuất ra một nhóm hormone được gọi là brassinosteroids, để giúp bảo vệ cây chống các hóa chất độc hại.
Giáo sư Jing Quan Yu và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Triết Giang đã phát hiện ra rằng áp dụng một trong các loại hormone đó cho cây dưa leo có thể giảm độ thuốc trừ sâu tích đọng trong trái dưa khi được thu hoạch.
Giáo sư Yu cho biết: "Tùy theo liều lượng được sử dụng, lượng thuốc trừ sâu có thể giảm từ 30 đến 70%."
Giáo sư Yu và các đồng nghiệp cũng tìm thấy rằng hormone có hiệu quả giảm lượng thuốc trừ sâu tích đọng bằng cách khởi động cách vận hành tự nhiên của cây, để tống xuất các hóa chất độc hại, như thuốc trừ sâu.
Theo các cuộc nghiên cứu hiện nay, thì chất hormone Brassinosteroids không gây ra tác động xấu nào đối với sức khỏe con người. Một số cuộc nghiên cứu còn cho thấy là chúng có thể giảm đà phát triển của các tế bào ung thư. Kết quả nghiên cứu vừa kể được đăng trong Tạp Chí Nông Nghiệp và Hóa Học Thực Phẩm.