Đường dẫn truy cập

Jacqueline Nguyễn, nữ thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên


Hôm 1/12 Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng loạt bỏ phiếu chấp thuận việc bổ nhiệm nữ thẩm phán người Mỹ gốc Việt, bà Jacqueline Nguyễn, vào vị trí thẩm phán liên bang của tòa sơ thẩm khu vực trung, bang California. Thẩm phán Jacqueline Nguyễn là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng trong hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ. Dưới đây là một số nhận định của giáo sư luật Dương Như Nguyện về sự kiện này.

Thẩm phán Jacqueline Nguyễn sinh ra tại Đà Lạt, và là con gái của một cựu thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình bà rời khỏi Việt Nam sau khi cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975 khi bà lên 10 tuổi.

Bà tốt nghiệp đại học Occidental College ở Los Angeles vào năm 1987 và sau đó theo học ngành luật tại trường University of California, Los Angeles – gọi tắt là UCLA.

Sau khi tốt nghiệp đại học UCLA bà bắt đầu sự nghiệp tại hãng luật Musick, Peeler & Garrett ở Los Angeles vào năm 1991. Vào năm 1995 bà chuyển qua làm việc tại văn phòng Biện Lý Liên Bang khu vực trung California, nơi sau đó bà trở thành Phó Trưởng Ban Hình Sự (General Crimes Section), với nhiệm vụ đào tạo các công tố viên mới. Tháng 8 năm 2002, thẩm phán Nguyễn được thống đốc bang California, khi đó là ông Gray Davis, bổ nhiệm vào Tòa thượng thẩm Hạt Los Angeles.

Cuối tháng 7 năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm bà vào vị trí thẩm phán liên bang của tòa sơ thẩm ở khu vực trung bang California.

Nhận định về sự kiện một nữ thẩm phán gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán liên bang tòa sơ thẩm Hoa Kỳ, giáo sư luật Dương Như Nguyện cho biết sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với riêng cá nhân bà với tư cách là một luật sư gốc Việt mà còn rất có ý nghĩa đối với cộng đồng ngườiViệt ở Hoa Kỳ.

Theo Giáo sư Nguyện hơn 30 năm từ khi cuộc chiến tranh kết thúc và kể từ khi cộng đồng người Việt bắt đầu sang sinh sống tại Hoa Kỳ thì đây không phải là một thời gian quá lâu nếu xét rằng việc bổ nhiệm này là dấu hiệu của sự trưởng thành của thế hệ người Việt thứ hai ở Hoa Kỳ, nhưng xét về tiến trình nghề nghiệp của một số ít người Việt đã thành công trong dòng chính của ngành luật thì đây là một khoảng thời gian khá lâu.

“Năm 1991 có sự bổ nhiệm của tôi là thẩm phán của thành phố Houston, tiểu bang Texas, đây là sự bổ nhiệm rất khiêm nhường của thị trưởng. Trong con mắt của tôi thì việc bổ nhiệm một phụ nữ gốc Việt vào một vị trí thẩm phán thành phố chính ra là sự bổ nhiệm không cân xứng vì quá trình của tôi là một luật sư tố tụng liên bang mà lại được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán thành phố. Mãi tới gần 2 thập niên sau, tức là năm 2009 mới có một sự bổ nhiệm mà tôi thấy là rất cân xứng đó là bà Jacqueline Nguyễn.”

Giáo sư Nguyện nói khi mới ra trường vào năm 1984 bà đã từng làm phụ tá cho một thẩm phán liên bang ở tòa sơ thẩm là một người Mỹ da trắng đã lớn tuổi, và bà đã từng tự hỏi liệu có bao giờ một người phụ nữ gốc Việt được đứng trên vị trí đỉnh cao của tòa sơ thẩm hay không? Và hiện tại khi điều này đã trở thành hiện thực thì đây là một điều rất đáng tự hào và hãnh diện đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ. Bà cũng mong muốn cộng đồng hãy ủng hộ và bảo vệ thanh danh cho những phụ nữ suất sắc và những người đi tiên phong như bà Jacqueline Nguyễn.

Khi được hỏi liệu sự thành công của thẩm phán Jacqueline Nguyễn ngày hôm nay có đem lại hy vọng cho cộng đồng người Việt rằng một ngày không xa sẽ có một thẩm phán gốc Việt được bổ nhiệm vào vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ mà bà Sonia Sotomayor, một phụ nữ gốc Mỹ Latin, đang nắm giữ hay không? Giáo sư Nguyện cho rằng điều này còn rất xa vời trừ khi chính thẩm phán Jacqueline Nguyễn ngay giờ phút này muốn được bổ nhiệm vào tòa thượng thẩm.

“Khi bổ nhiệm vào tối cao pháp viện thường thường các tổng thống và thượng viện thường nhìn vào tòa thượng thẩm nhiều hơn tòa sơ thẩm, và hiện giờ chưa có một luật sư gốc Việt nào ngồi ở tòa thượng thẩm liên bang, đó là một mức gần sát với tối cao pháp viện. Ngay cả luật sư thiểu số ngồi ở tòa thượng thẩm liên bang cũng quá ít, nhất là phụ nữ Á Đông. Và luật sư đoàn Á Châu vẫn tiếp tục tranh đấu để có thêm khuôn mặt đại diện cho cộng đồng gốc Á Châu ở tòa thượng thẩm.”

Giáo sư Nguyện cũng nhận định rằng có những điểm giống nhau giữa bà Sotomayor và bà Jacqueline làm cho rất nhiều người trong dòng chính hãnh diện đó là vì họ đều là con gái của những gia đình di dân, và đã đều trải qua rất nhiều những khó khăn, vất vả để tạo dựng một cuộc sống ở nước Mỹ và nuôi dậy con cái thành đạt. Tuy nhiên điểm khác nhau giữa hai bà lại là điều làm giáo sư Nguyện hãnh diện:

“Vì bà Jacqueline Nguyễn tốt nghiệp luật từ trường đại học UCLA là trường đại học công nổi tiếng và có tính cách địa phương của bang California. Và sau khi tốt nghiệp bà hành nghề cho chính phủ liên bang ngay tại tiểu bang California và bây giờ bà là thẩm phán liên bang vùng trung tâm của Los Ageles, cho nên nó có một tích cách địa phương trong lịch sử của bà và bà là tác phẩm của trường công. Còn ngược lại bà Sotomayor cũng như Tổng thống Obama, Tổng thống Clinton, bà Clinton thì đều là tác phẩm của hệ thống đại học nổi tiếng nhất của nước Mỹ gọi là the Ivy League như trường Havard, trường Yale. Đó là một điểm khác biệt mà theo tôi thì là điều hãnh diện cho cộng đồng chúng ta.”

Vậy vị trí thẩm phán liên bang tòa sơ thẩm có tầm quan trọng gì trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ? Giáo sư Nguyện cho biết không giống như vị trí thẩm phán tiểu bang hay thẩm phán thành phố, vị trí thẩm phán liên bang là một vị trí rất quan trọng được tạo ra bởi hiến pháp Hoa Kỳ:

"Vì thẩm phán liên bang là từ hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra, nên tòa sơ thẩm liên bang là tòa đầu tiên có nhiệm vụ xử án về các vấn đề hiến pháp và ngoài ra tòa sơ thẩm liên bang có đặc quyền về vấn đề hiến pháp, hoặc các vấn đề tranh tụng, về hình cũng như về hộ. Về luật hình thì đó là những hình luật có liên quan đến hệ thống liên bang, và vì đây là một chức thẩm phán dựa trên căn bản hiến pháp, cho nên thẩm phán liên bang sẽ ngồi mãn đời từ khi nhậm chức đến khi mãn nhiệm hay cho đến khi qua đời. Các thẩm phán liên bang từ tòa sơ thẩm lên đến tối cao pháp viện đều như thế cả."

Cuối cùng với tư cách là một giáo sư ngành luật và một luật sư dày dạn kinh nghiệm, giáo sư Nguyện cũng đưa ra một số lời khuyên cho những luật sư trẻ. Theo bà để có thể đạt được những thành công như thẩm phán Jacqueline Nguyễn thì điều đầu tiên họ cần là phải đặt mục tiêu và trọng tâm sớm cho bản thân mình:

“Và nếu quí vị nhìn vào lý lịch của bà Jacqueline Nguyễn thì quí vị thấy rằng để làm thẩm phán liên bang nhất là ở hệ thống tòa sơ thẩm nơi có các vụ xử án thì thẩm phán Jacqueline Nguyễn đã chọn làm nghề tố tụng và bà đã làm công tố viện cho chính phủ liên bang, theo tôi đó là một sự khởi đầu rất tốt đẹp cho một luật sư tố tụng liên bang để có thể đi đến một sự bổ nhiệm như vậy.”

Ngòai ra các hoạt động với các hội luật sư đoàn cũng rất quan trọng và thẩm phán Nguyễn cũng đã làm việc với nhiều đoàn luật sư của các cộng đồng sắc dân khác nhau:

"Bà có sự hỗ trợ chính trị và cộng đồng của tất cả các đồng nghiệp cùng là người thiểu số Á Châu nhưng ở một tầm vóc xa hơn, vượt ra ngoài cộng đồng người Việt. Theo như tôi biết hội luật sư đoàn Á châu đã hết lòng hỗ trợ cho bà trong khi bà đưa tên vào vấn đề bổ nhiệm cho toà sơ thẩm liên bang, và nhờ những sự hỗ trợ và danh tiếng mà bà đã đạt được bà được sự kính trọng của đồng nghiệp trong dòng chính. Đó là điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý đến nếu muốn đi vào con đường thành công, được bổ nhiệm trong chiều hướng đó thì chúng ta phải tích cực hoạt động thì mới có thể nắm được phần nào sự thành công trong tay."

Bà cũng khuyên thế hệ trẻ nên trau dồi đạo đức và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp theo đúng tiêu chuẩn của dòng chính.

Giáo sư Dương Như Nguyện đã hành nghề luật sư hơn 20 năm sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Harvard. Bà chuyên về luật quốc tế và thương mại và hiện đang giảng dạy tại trường đại học Denver ở bang Colorado.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG