Đường dẫn truy cập

Các nước đồng minh cam kết thêm 7,000 quân cho Afghanistan


Các nước trong khối NATO và những nước khác đóng góp vào Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế ở Afghanistan, tức ISAF, đã cam kết cung cấp thêm khoảng 7 ngàn binh sĩ để bổ sung cho quân số mà Hoa Kỳ vừa cam kết tăng thêm tại Afghanistan. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói với các vị ngoại trưởng của các nước đồng minh ở Brussels rằng việc đổ thêm quân sẽ làm “thay đổi cục diện” ở nhiều nơi tại đất nước đầy biến động này. Từ thủ đô Bỉ, thông tín viên VOA David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Theo dự kiến, từng nước một sẽ chưa công bố lời loan báo cụ thể trước khi diễn ra một hội nghị của NATO về việc xây dựng lực lượng vào tuần tới ở Bỉ.

Nhưng Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen cho biết các cam kết tập thể đưa ra tại một cuộc họp kín của NATO và các ngoại trưởng góp sức trong ISAF cho thấy 44 quốc gia có lực lượng ở Afghanistan vẫn “đoàn kết tuyệt đối” trong sứ mạng ở nước này.

Ông Rasmussen nói: “Ít nhất 24 quốc gia sẽ gửi thêm lực lượng tham gia sứ mạng vào năm 2010. Họ đã đề nghị khoảng 7 binh sĩ mới sẽ đến Aghanistan, và sau đó có thể gửi thêm nữa. Tính cả phần đóng góp của Hoa Kỳ, ISAF sẽ có thêm ít nhất 37 ngàn binh sĩ vào năm 2010 so với năm nay. Đó là tình đoàn kết được chứng minh qua hành động, và điều đó sẽ có một tác động mạnh mẽ trên thực tế.”

Các nước tham gia ISAF đã nghe theo lời hô hào của Ngoại trưởng Clinton ủng hộ sách lược về Afghanistan mà Tổng thống Barack Obama công bố trước đây trong tuần. Sách lược này dựa vào các đóng góp mới quan trọng từ phía các đồng minh Hoa Kỳ nhưng cũng gia tăng việc huấn luyện an ninh và hỗ trợ dân sự cho chính phủ Afghanistan.

Trong lời kêu gọi các vị ngoại trưởng đối tác, mà văn bản được phổ biến bởi các giới chức Hoa Kỳ, bà Clinton nói bà tin rằng việc bổ sung thêm 30 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ sẽ “thay đổi cục diện” ở nhiều nơi tại Afghanistan, và nói rằng có thêm binh sĩ trong ISAF sẽ mở đường cho việc bàn giao sớm hơn các trách nhiệm về an ninh cho Afghanistan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng trong khi nhu cầu bổ sung lực lượng là điều cấp thiết, sự hiện diện của các lực lượng sẽ không phải là vô thời hạn.

Bà tái khẳng định sự cam kết của ông Obama với một thời biểu chuyển tiếp bắt đầu vào tháng 7 năm 2011 nhưng nói rõ rằng sẽ không có sự triệt thoái vội vàng nào và rằng trách nhiệm về ngoại giao, chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực “sẽ tiếp tục”.

Chủ đề tương tự như thế đã được lập lại trong các nhận định trước công chúng của tổng thư ký NATO Rasmussen.

Ông Rasmussen cho biết: “Chuyển tiếp không có nghĩa là rút ra. Không nên hiểu lầm như thế. Chúng ta sẽ không để cho Afghanistan rơi vào tay các phần tử khủng bố và các phần tử cực đoan dung dưỡng bọn chúng. Điều đó sẽ không xảy ra.”

Ông Rasmussen, nguyên là thủ tướng của Đan Mạch, đề ra điều ông mô tả là một lộ đồ mới cho các hoạt động của NATO ở Afghanistan bao gồm một trọng điểm mới nhắm vào việc bảo vệ nhân dân Afghanistan, và một chính sách mới tích cực tán thành việc tái hò nhp các chiến binh Taleban đã buông vũ khí.

Trong một phát biểu riêng, bà Clinton nói rng Hoa Kỳ có những “quan ngại thực sự” về thế lực của các giới chức tham nhũng trong chính phủ Afghanistan và nói rằng cam kết mà Tổng thống Afghanistan đã đưa ra nhằm chống tham nhũng và cải thiện chính quyền, nay phải “đi đôi với hành động”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG