Đường dẫn truy cập

Original of Laura (Nguyên Bản Laura) - Vladimir Nabokov


Nguyên Bản Laura là một bản thảo quyển tiểu thuyết chưa hoàn thành của văn hào Vladimir Nabokov. Sau hơn 30 năm nằm trong hộp lưu trữ của ngân hàng vì tác giả muốn vợ ông thiêu hủy nếu ông không kịp hoàn thành, mới đây Dimittri Nabokov con trai tác giả đã cho ra mắt tác phẩm này và lập tức sự kiện này tạo nên những nguồn dư luận trái chiều khá sôi nổi ở Mỹ.

Trong tháng 11 vừa qua có thể nói việc xuất bản quyển tiểu thuyết chưa hoàn tất Original of Laura/Nguyên Bản Laura của nhà văn Vladimir Nabokov là sự kiện văn chương nổi bật nhất. Như chúng ta biết, Vladimir Nabokov tác giả của tiểu thuyết Lolita là một trong không nhiều những nhà văn có tầm vóc lớn nhất của văn chương thế giới thế kỷ 20. Tầm vóc này không những được xác định bởi ảnh hưởng của ông đối với những nhà văn thế hệ sau mà còn bởi thành tựu đẩy xa tiểu thuyết, vượt bỏ tiểu thuyết đương đại, đi tiên phong trong sự phát triển của tiểu thuyết bước vào thời hậu hiện đại.

Là một nhà văn di dân Nga, đã từng trải qua kinh nghiệm khó khăn nhọc nhằn trong việc tạo được tiếng tăm, thành công lớn, và vì vậy sống được bằng tác phẩm – chỉ một thiểu số rất nhỏ những nhà văn di dân đến Mỹ làm được – và nhất là kinh nghiệm đớn đau phải từ bỏ tiếng Nga mẹ đẻ để sáng tác bằng Anh văn. Vladimir Nabokov từ trần năm 1977, để lại bản thảo một tiểu thuyết viết dở dang là quyển Laura.

Vào mùa thu năm 1976, khoảng một năm trước khi từ trần, tờ The New York Times Book Review làm một cuộc thăm dò ý kiến một số nhà văn nổi tiếng – trong đó có Vladimir Nabokov – hiện họ đang đọc sách gì, thì Nabokov cho biết khi nằm trong một bệnh viện ở Lausanne mùa hè vừa qua, ông đã đọc quyển “Địa Ngục” của Dante, quyển sách nghiên cứu về “Bướm ở Bắc Mỹ” của William H. Howe, và quyển “Original of Laura” là một tập bản thảo chưa hoàn tất của quyển tiểu thuyết ông đã khởi viết từ trước khi ngã bệnh.

Tuy chưa viết xong nhưng ông cho biết đã hoàn tất tác phẩm này trong đầu, và “tiếp tục đọc lớn cho một đám thính giả trong mộng tại một khu vườn có tường vây kín. Thính già của tôi gồm có những con công, bồ câu, cha mẹ tôi đã khuất núi từ lâu, hai cây sồi, một vài nữ y tá ngấp nghé đây đó, và một vị bác sĩ gia đình già đến nỗi hầu như vô hình dạng.

Có lẽ cũng bởi vì tôi cứ chúi xuống và ho xù xụ cho nên câu chuyện về cô Laura đáng thương của tôi không mấy thành công đối với những thính giả đó của tôi bằng sự thành công của quyển sách sau này khi được xuất bản một cách đàng hoàng, tôi hy vọng như thế, đối với những người viết điểm sách thông minh.”

Vladimir Nabokov cũng có đặt cho quyển Laura một tựa đề phụ Chết Cũng Thú (Dying Is Fun)

Khi còn sống Nabokov có dặn dò Vera vợ ông là chỉ được cho xuất bản quyển Laura sau khi ông đã hoàn thành, bằng không hãy đem đốt hết bản thảo quyển sách. Nhiều năm trước đó, với quyển Lolita, Nabokov cũng đã hai lần định hỏa thiêu bản thảo nếu như người đời không hiểu tác phẩm này. Và Vera đã thành công ngăn cản chồng trước khi quyển Lolita được người đọc hâm mộ, đem lại thành công lớn cho Nabokov.

Sau khi chồng chết bà Vera lưu trữ bản thảo quyển Laura trong một ngân hàng Thụy Sĩ, chần trờ không chịu đem đốt như lời dặn dò của chồng. Sự chần trờ của Vera theo người đời xét đoán có thể vì tình yêu lớn lao của bà dành cho chồng, phần khác là vì tuổi già, bệnh hoạn, nên không thể cương quyết nữa.

Hơn một năm trước đây người con trai duy nhất Dimitri Nabokov đem việc xuất bản quyển Laura ra tham khảo ý kiến một số người, phần đông là các học giả và những chuyên gia nghiên cứu Vladimir Nabokov, thì người bảo nên xuất bản, người bảo không và khuyên Dimitri Nabokov nên thực hiện ý kiến của cha anh. Cuối cùng Dimitri đã làm ngược ý kiến của Vladimir Nabokov, giao cho nhà xuất bản Alfred A. Knopt xuất bản tác phẩm này.

Quyển sách được nhà xuất bản chăm lo khá tốt, nhưng khi ra mắt bị phần đông giới học giả, nhà văn, phê bình, điểm sách không hoan nghênh.

Quyển Laura khi được xuất bản dày 278 trang, sau bài tựa của Dimitri Nabokov là hình in 138 tấm thẻ phía dưới đôi khi có những giòng chữ viết tay của tác giả. Như chúng ta đã biết Vladimir Nabokov có thói quen trước khi viết bản thảo một tác phẩm, ông dùng những tấm thẻ để ghi chú những chi tiết khá đầy đủ về nhân vật, cảnh thổ, biến sự, cốt truyện v.v…

Ta có thể coi những tấm thẻ này như những bản nháp cuốn truyện. Thường những tấm thẻ này tuy đã được Nabokov đánh dấu thứ tự kỹ lưỡng, nhưng khi tác phẩm đã “hoàn tất trong đầu ông” thì Nabokov sẽ sắp lại trật tự những tấm thẻ đó. Một đặc điểm của Nabokov là ông sửa lại bản thảo rất kỹ, chọn chữ dùng sao cho đúng ý, câu văn chính xác đến độ kết tinh. Thế nhưng, trong quyển Laura những đặc điểm này không có, chính vì quyển sách mới ở dạng bản thảo chưa hoàn tất.

Đọc văn của Vladimir Nabokov chúng ta thấy bên dưới những giòng tản văn lóng lánh nhẹ nhàng vẫn có nỗi u hoài của kẻ vô xứ, sự khắc khoải về cái chết, về tuổi già cho dù khi ông viết về tình dục. Nabokov là nhà văn cho nhân vật chết đi một cách dễ dàng, bằng nhiều cách, chẳng hạn chết cháy, bị đầu độc, tự sát, tai nạn xe cộ, siết cổ, bị bắn, hoặc bị bệnh hoạn, hay xử bắn. Nhưng trong quyển Laura ông đã cho nhân vật Philip Wild tự làm mình chết dần từng phần thân thể vì theo anh ta “Diễn tiến chết bằng cách tự tan rã cho con người sự xuất thần lớn lao nhất.”

Tuy quyển Laura được xuất bản dưới dạng những mảng văn đứt rời, không thứ tự, khi đọc chúng ta cũng thấy được Nabokov định kể lại câu chuyện của hai nhân vật: nhân vật Flora 24 tuổi có sắc đẹp nóng bỏng và người chồng lớn tuổi mập ú lùn tịt nhưng lại là một bác sĩ thần kinh nổi tiếng Philip Wild của cô.

Flora được tác giả cho bắt đầu xuất hiện trong cảnh cô vừa qua một đêm ngoại tình ở nhà tình nhân. Tính cách của Flora là ưa chung chạ, không có tình yêu, sau khi ngủ với một tình nhân này là có cái thú tìm liên hệ với một người tình mới, cắt đứt liên hệ với tình nhân một cách tàn bạo không nương tay.

Nabokov tả cảnh buổi sáng từ nhà tình nhân trở về nhà mình Flora dửng dưng khi thấy chồng cô đang ục ịch “có cặp bàn chân nhỏ một cách tức cười” đi dạo, tay dắt con mèo xọc vằn bằng sợi dây buộc cổ dài thoòng. Khi Flora mở cửa vào nhà, Philip bế con mèo lên và theo chân vợ vào nhà. Còn con mèo thì lại say mê nhìn con rắn đang trườn bò trên mắt đất. Kiểu tả cảnh này rõ là lối tả cảnh của riêng Nabokov.

Flora có một quá khứ thảm khốc: cha cô là một tay thợ chụp hình mắc chứng đồng tính đã tự sát sau khi khám phá ra đứa con trai ông yêu đã bóp cổ chết một đứa con trai ông ta không thể gần gũi được. Còn mẹ của Flora là một vũ công ba-lê đã đem những tấm hình chân dung tự chụp khi tự sát lấy bán cho một tờ báo lá cải, rồi ngay sau đó dan díu với một tình nhân già người Anh hình như tên là Hubert H. Hubert (cái tên này nhắc người đọc liên tưởng đến nhân vật Humbert Humbert trong quyển Lolita). Khi Flora mới lớn Hubert Hubert đã có lần gạ gẫm cô bé nhưng bị cô tặng cho một cú đá vào chỗ hiểm.

Tuy bị vợ phản bội, thân thể càng ngày càng già nua, mắc chứng đau bụng kinh niên, có hình dạng kỳ khôi, nhưng Philip lại đang mải miết làm những cuộc thí nghiệm cực kỳ quái đản anh ta đặt tên là “tự tiêu tan,” một diễn tiến xuất hồn khi anh ta tự đặt mình trong trạng thái bị thôi miên ngây dại, đùa rỡn với tử thần bằng cách làm cho những phần thân thể mình biến mất trong suy nghĩ.

Philip kể: “Cho tới nay tôi đã chết đến lỗ rốn được năm mươi lần trong khoảng không đến ba năm.” Philip đã ghi chép lại tất cả những cuộc thí nghiệm thành một bản thảo.

Ngoài truyện về Philip, quyển Laura cũng còn chứa một tiểu thuyết bán chạy như tôm tươi tựa đề Laura Của Tôi do một tình nhân cũ của Flora viết về cuộc đời tình ái của nàng. Như thế Flora chính là nguyên bản của Laura. Philip Wild ca ngợi quyển Laura Của Tôi là một “kiệt tác điên khùng.”

Nabokov cũng cho ta thấy cảnh Flora mua một quyển Laura Của Tôi nhưng cầm trên tay ngồi thừ ra chưa bắt đầu đọc quyển truyện. Trong tấm thẻ cuối cùng Nabokov úp mở tiết lộ bản thảo quyển Laura Của Tôi bi đánh cắp một cách bí mật. Và bản thảo của Philip về những thí nghiệm tự hủy cũng không được xuất bản vì anh đã từ trần vì chứng đau tim.

Đó là sơ lược cốt truyện Nabokov để lại trong những tấm thẻ và những đoạn văn đứt quãng. Người đọc tất nhiên không thể thỏa mãn khi đọc một quyển truyện chưa hoàn tất, nhất là đó lại là tác phẩm của một văn hào là Vladimir Nabokov. Cho nên câu hỏi đặt ra là: Có nên xuất bản tác phẩm dở dang này cho công chúng đọc không?

Những người phản đối Dimitri Nabokov con trai tác giả cho rằng Dimitri đã làm hại thanh danh của cha khi quyết định đem in quyển sách. Có thực những tấm thẻ, theo lời Dimitri có “biểu trưng cho sự tinh lọc nhất” sự sáng tạo của cha anh không? Có thực tập bản thảo đứt khúc này dựng nên cái khung để thể hiện “một quyển sách sáng chói, độc đáo, và có khả năng là một quyển sách cơ bản không? Hay tập bản thảo dở dang này chỉ gây ra cảm nghĩ bối rối cho người đọc?

Ngoài những lời chỉ trích Dimitri Nabokov qua những câu hỏi kể trên, nhà văn nữ người Anh Jeanette Winterson còn chê khả năng viết Anh văn của Dimitri Nabokov trong bài tựa cho quyển Nguyên Bản Laura. Còn phía đồng ý nên cho xuất bản quyển Nguyên Bản Laura thì cho rằng đây là một tác phẩm có giá ttrị đặc biệt giúp chúng ta tìm hiểu nghệ thuật viết tiểu thuyết của bậc thầy Vladimir Nabokov.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG