Đường dẫn truy cập

Tình cảm dân tộc dâng cao ở Thái Lan


Vụ tranh chấp giữa Thái Lan và Kampuchea về việc cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra của Thái đến Phnom Penh đã đưa người dân Thái xuống đường. Cuộc biểu tình chống ông Thaksin đã diễn ra tại thủ đô Bangkok, và dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc biểu tình khác, theo như tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ thủ đô Thái Lan.

Một đám đông chừng 15,000 người đã lắng nghe những bài ca yêu nước và các bài phát biểu công kích cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Đám đông này tụ tập tại một công viên ở Bangkok hôm qua để phản đối việc ông Thaksin đến Kampuchea hồi tuần trước, và việc Phnom Penh bác bỏ yêu cầu của Bangkok dẫn độ ông ta.

Ông Thaksin đã bỏ trốn khỏi Thái Lan hồi năm ngoái để khỏi phải thụ án tù 2 năm vì các cáo trạng tham nhũng. Thủ tướng Kampuchea Hun Sen, người đã bổ nhiệm ông Thaksin làm cố vấn kinh tế, gọi các cáo trạng đó là có động cơ chính trị.

Vấn đề này gây trầm trọng thêm cho vụ tranh chấp về một ngôi đền cổ ở ngay sát biên giới phía Kampuchea, và làm dâng cao tình cảm dân tộc ở Bangkok.

Ông Sondhi Limthongkul, người đứng đầu Liên minh Nhân dân đấu tranh cho Dân chủ chống Thaksin, nói rằng cuộc biểu tình hôm chủ nhật vừa qua hậu thuẫn cho các nỗ lực ngoại giao của chính phủ Thái nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng.

Ông Sondhi nói: “Đó là điều mà tất cả người dân Thái yêu mến nhà vua của chúng tôi muốn đứng ra bầy tỏ sự ủng hộ dành cho chính phủ để đáp lại sự hợp tác của ông Thaksin với ông Hunsen nhằm phá hoại Thái Lan. Tất cả chúng tôi đều đứng ra để thực sự ủng hộ và bầy tỏ hậu thuẫn tinh thần một cách ôn hòa.”

Ông Nat Yontarak, một nhạc sĩ kiêm nhà giáo, nói rằng tinh thần yêu nước đã đưa dân chúng đến dự cuộc biểu tình, đầy những lá cờ bằng giấy.

Ông Nat nói: “Mọi người cảm thấy cần phải biểu dương sức mạnh rằng chúng tôi thực lòng yêu nước và bầy tỏ phẩm cách và lòng tự hào đối với đất nước vì điều mà ông Thaksin đã làm thực sự là không thể chấp nhận được. Lần này đối với Kampuchea, với ông Hun Sen, thì thực là quá đáng, thực là lố bịch.”

Người phụ nữ xưng tên là Suchada, gọi việc ông Thaksin đến Kampuchea là một hành động bất trung.

Bà Suchada nói rằng bà nghĩ ông ta không phải là người Thái, và vấn đề là ông tìm cách phá hoại Thái Lan, ông ta không phải là người Thái và không yêu nước.

Vụ tranh chấp đã nêu ra những mối quan ngại ở Đông Nam châu Á, và nhiều người lo sợ rằng nó có thể đưa đến một vụ xung đột quân sự. Hai bên đã nhiều lần nổ súng qua lại gần ngôi đền bị tranh chấp hồi năm ngoái.

Các giới chức thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, mà Kampuchea và Thái Lan đều là thành viên, đã kêu gọi hai nước này mau chóng giải quyết vụ tranh chấp. Và Indonesia đã đề nghị đứng ta hòa giải.

Các cuộc thăm dò chính trị mới đây cho thấy một sự tăng vọt trong số người ủng hộ chính phủ của thủ tướng Abhisit Veijjaviva vì chuyến đi Kampuchea của ông Thaksin.

Nhưng ông Chris Baker, một tác giả và nhà bình luận chính sự Thái, nói rằng hậu quả lâu dài của chuyến đi này không được rõ ràng như thế. Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ trong giới nghèo và lao động ở đô thị và vùng nông thôn. Chỉ có tầng lớp trung lưu ở thành thị là lên án ông về tội tham nhũng và chuyên quyền.

Ông Baker phân tích: “Bề ngoài thì có vẻ như ông Thaksin đã bị thất thế nhiều khi ông liên kết với một nước láng giềng không được lòng dân mấy. Đó là điều không tốt. Do đó tôi nghĩ mọi sự đã trở nên khó khăn hơn đối với ông. Nhưng tôi không thực sự chắc rằng liệu điều đó có làm lay chuyển nhiều người trong số các ủng hộ viên cốt cán của ông hay không. Có lẽ bằng cách tự phơi bầy nhiều trên báo chí truyền thông nhiều ngày cùng một lúc, thực sự đã khôi phục vị thế của ông được đôi chút.”

Ông Baker cho rằng vấn đề bây giờ là liệu đảng Dân chủ của ông Abhisit có sẽ tìm cách thúc đẩy thuận lợi chính trị bằng cách thôi thúc tình cảm yêu nước hay không.

Ông Baker nói: “Vấn đề bây giờ là làm cách nào ông Abhisit duy trì lợi thế đó, hoặc ông có muốn duy trì lợi thế đó hay không? Liệu điều đó có nghĩa là chính phủ nay phải sử dụng chiêu bài dân tộc tính một cách ráo riết và liên tục hay không, và đương nhiên như thế sẽ rất nguy hiểm.”

Nhưng ông Baker nói rằng ông trông đợi cuộc tranh chấp xuyên biên giới sẽ mau chóng giảm nhẹ và Đảng Dân chủ sẽ trở lại tìm cách hợp tác với nước láng giềng để giải quyết vụ tranh chấp về ngôi đền.

Tuy nhiên tại Thái Lan, các chuyên gia phân tích chính trị cảnh báo rằng những chia rẽ trong nước có thể trở nên tệ hại hơn trong những tuần lễ sắp tới khi phe ủng hộ ông Thaksin tổ chức biểu tình.

Trong vòng 2 năm vừa qua, thỉnh thoảng các cuộc biểu tình của phe ủng hộ và chống đối ông Thakson đã làm tê liệt sinh hoạt tại Bangkok. Hồi tháng 4 năm ngoái, các cuộc biểu tình ủng hộ Thaksin đã biến thành bạo động và cách đây 1 năm, lực lượng chống Thaksin đã làm các phi trường quốc tế chính trong nước phải đóng cửa cả tuần lễ, khiến hàng chục ngàn du khách bị kẹt vào lúc cao điểm mùa du lịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG