Sinh ở Huế. Trước 1975, viết văn, viết báo, đi lính, dạy học. Cộng tác với các tạp chí văn học Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện.Sau tháng 4/1975, ở tù cho đến năm 1981. Năm 1993, định cư tại Hoa Kỳ. Hiện cùng gia đình sinh sống tại Worcester, bang Massachusetts, làm việc cho Sở Giáo Dục Thành Phố. Bắt đầu viết lại và cộng tác với nhiều tạp chí văn học và website hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Talawas, Da Màu. Các tác phẩm đã xuất bản: Vết xước đầu đời (tập truyện ngắn); Căn phòng thao thức (tập truyện ngắn); Viết và Đọc (tiểu luận văn học); Loanh quanh những nẻo đường (ký và tùy bút); Dặm trường (truyện dài); Tác giả tác phẩm và sự kiện (tiểu luận văn học); Từ ảo đến thực (tạp bút).
(đọc là một lặng lẽ tỏa đầy hơi)
Kỳ hai
5.
Sự lập lại chữ, nhiều lần cùng một chữ ( “những”, “thấy”) của Du Tử Lê, gợi cho tôi văn phong của một nhà văn khác, Mai Thảo:
Tôi muốn bảo Luân, tôi muốn bảo Luân: Anh xót thương em những đêm dài trong núi, dưới mái nhà sàn cơ quan, trên những con đường hầm hố vết thương, những xóm làng hủy phá, trên những thềm nhà cỏ hoang phủ kín, trên những vì tường đổ gục, trên những thân cây chặt đứt, qua những chân cầu đổ nghiêng, trong hầm trú ẩn máy bay. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em đêm giã từ Hà-nội ra đi nhìn về Hà-hội cái rừng lửa cháy, buổi chiều đứng trên con đê Hồng Hà, buổi trưa về thăm lại Hưng Yên, buổi ra đi bãi ấy còn xanh biếc ngô non, buổi về chỉ thấy mênh mông phù sa kín nhòa bãi cũ. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em trên những đầu ngón chân anh đi, cái hình ảnh xót thương lăn theo sỏi đá dọc đường, nằm trên từng cột cây số từng nền lũy tre xanh, chảy theo mặt nước lúc xuống đò qua sông, khuân theo lòng đường lúc xuống đò lên bộ, từng buổi sớm xuống suối rửa mặt, cái hình ảnh xót thương trong veo trên nền sỏi trắng, từng buổi chiều không biết đi đâu, cái hình ảnh xót thương bát ngát đầy chiều.
Tôi muốn bảo Luân, anh nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc bỏ núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm. (Mai Thảo, Luân)
Chữ níu chữ, câu kéo câu, xô đẩy, chồng chất, đuổi rượt nhau. Xen giữa là “những”, “cái”, “khi”, “lúc”, “từng”…
Văn phong của Du Tử Lê và Mai Thảo có nét chung là cầu kỳ, trau chuốt. Cái khác nhau là trong lúc Du Tử Lê tiết chế, chọn lọc thì Mai Thảo phóng túng. Những con chữ óng chuốt, mượt mà được Mai Thảo thả rong trên trang giấy. Chúng uốn, lượn, vươn lên, quành xuống như một vũ điệu. Vũ điệu chữ. Đọc Mai Thảo, tôi tưởng như chữ đẩy mình trôi, trôi mãi trôi hoài, không biết sẽ đến đâu. Có lúc tưởng như từng hơi từng hơi phả vào mặt, choáng váng, ngây ngất!
6.
Những cây phượng cao hơn tầm tay trụi hết lá, cành cong đầy mắt, trông những cái đuôi khô nhô đốt xương. Bụi tre xác xơ vàng óng cuối dãy trường vật vờ phần ngọn loáng thoáng ánh nắng.Thằng học trò trưởng lớp vẫn co ro trước cửa văn phòng hiệu trưởng đợi Ngưỡng. Đầu nó chùm hụp một cái mũ nhà binh đã cũ. Ngưỡng không hiểu nó thiếu khôn ngoan hơn mình hay bạo dạn hơn. Ngưỡng không bao giờ vứt một cái vỏ quân tiếp vụ ở trường như trước kia vẫn vứt những vỏ ruby. Chắc thằng bé lại muốn xin thôi học. Buổi nào Ngưỡng cũng vỗ về chúng như một thông lệ cầu nguyện “các em cứ gắng đi học, cuối năm thầy cho đậu hết” nhưng sổ điểm danh ngày nào cũng chạy dọc một cột dấu chữ thập. Có đứa vừa ra khỏi lớp học vừa mếu máo, lẩn quẩn bên cửa sổ nhìn vào cả buổi, có đứa Ngưỡng nghe tin bị bắt lên núi cả tháng trời mới thấy người nhà đến xin lại hồ sơ, có đứa nghỉ hôm trước, hôm sau gửi cho thầy một lá thư đầy lỗi chính tả hẹn ngày “giải phóng" cho thầy. (Y Uyên/Những ngày cuối năm trên miền núi)
Văn của Y Uyên đơn giản, yên tĩnh, chậm rãi, từ tốn. Nó như một cái máy quay phim của một người đi tìm tài liệu. Không có chi tiết nào hơn chi tiết nào. Nó ghi nhận mọi thứ, không cuống cuồng vội vã, không ép uổng, chọn lọc. Cứ thế. Truyện của Y Uyên viết về những vùng đất sôi bỏng chiến tranh. Bản thân anh là một người cầm súng ngoài chiến trường (trước 1975). Nhưng ta ít khi thấy bóng dáng của chiến tranh. Chỉ thấy những nét phác thảo đơn giản, hiện thực về cuộc sống của những con người bình thường, rất đỗi bình thường đang bám lấy đất mà sống, mà tồn tại. Hơi văn anh không rạo rực, bức xúc, không nôn nao, uất nghẹn. Điềm tĩnh như chính những sự vật nằm đó. Không lý giải.
Y Uyên là một nghịch đảo của Mai Thảo. Đọc Mai Thảo ta cảm thấy các trạng thái tình cảm dồn dập, nối tiếp nhau. Đọc Y Uyên, nghe hơi văn có chút gì nhàn nhạt, đơn điệu, tạo nên hiệu ứng về một thế giới hiu hắt, trống vắng. Mai Thảo nhô người ra phía trước, thay sự vật nói, nói hết, nói đến cạn lời. Y Uyên thì đứng khuất đằng sau, để cho chữ bày tỏ sự vật và sự vật tự bày tỏ chính chúng.
7.
Nhiều lúc tôi hơi nhớ con - người. Họ ở trong cái xóm nhỏ kia, chỉ cách chỗ chúng tôi dựng trại vài ba công đất. Họ lúc nhúc trên thị trấn kia, nơi chúng tôi vẫn thường ghé lại mua gạo, cám, mắm muối… dự trữ cho những chuyến chạy đồng xa. Và họ ở gần ngay đây, họ vừa gặt lúa vừa nói chuyện tục tĩu rồi cười vang bên bầy vịt đang rúc rích tìm thức ăn, nhưng tôi vẫn nhớ...
Có lẽ vì cuộc sống của họ ngày càng xa lạ, với chúng tôi. Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa chòm xóm đông đúc, chúng tôi thì không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao.
(…) Tôi đã chờ nó đến khi mùa mưa đổ xuống cánh đồng Chia Cắt (tôi tạm gọi vậy) một trời sao. Chờ chơi vậy, chứ tôi biết Điền chẳng quay về. Tôi nhớ nó (và nhớ chị) không thôi. Những lần dọn cơm tôi hay lấy chén đũa cho cả bốn người. Cha tôi rất khó chịu, ông ngán ngẩm đứng dậy. Tôi ngồi một mình, chan nước vào chén cơm như chan nỗi trống trải khủng khiếp. Đi qua những xóm kinh chộn rộn ánh đèn, tôi thường ngóng lên bờ mong có thể gặp được thằng Điền và chị. Không biết em tôi có đuổi kịp chị, hay vẫn tiếp tục kiếm tìm. Không biết nó đã đánh thức được bản năng, đã tìm thấy nhục cảm, đã biết thèm muốn chưa. Không biết tối nay thằng Điền có được mệt nhoài úp lên chị, hay vạ vật ở đâu đó, bên vách buồng (hay một tấm ghi-đô bằng vải), đau vật đau vã nghe hoan lạc chảy thành những dòng rên xiết, kêu thét. Không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi. (Nguyễn Ngọc Tư/Cánh đồng bất tận)
Cánh đồng bất tận, một bất ngờ của văn học Việt Nam thời gian gần đây, viết về cuộc sống long đong bất tận của những người không đất đứng. Nhân vật nào cũng bị đẩy đến tận cùng của sự chịu đựng. Mà vẫn tiếp tục chịu đựng. Vẫn bám chặt vào bất hạnh, đôi khi như một cái phao, để tồn tại. Những con chữ của Nguyễn Ngọc Tư đơn giản, bình dị, chơn chất, đầy tính cách sông nước miền Nam. Câu, chữ viết ra tưởng như không cần một cố gắng nào. Những diễn tả về cái nghèo, cái thiếu, cái khổ, cái thèm, cái buồn, kể cả các quan hệ thân xác kiểu này kiểu nọ (rải rác trong truyện)…đều có tính cách tự nhiên như nhiên, không bí hiểm, không lên gân, không chải chuốt, không bi thảm hóa. Bằng một nhịp văn chậm rãi, từ tốn, những con chữ Nguyễn Ngọc Tư bóc dần từng lớp, từng lớp mỏng hiện thực, để đi đến tận cùng mỗi số phận, mỗi cá tính, mỗi đớn đau, mỗi khao khát. Đọc đoạn nào cũng nghe hơi chữ xao xác, ngậm ngùi.
8.
Một bên tôi là Đức Giáo Chủ và bên kia là bóng ma của Mary. Chúng tôi ba người mà chỉ có hai chiếc bóng. Bóng hai chúng tôi đôi lúc nhập vào nhau lúc giữa trưa, khó tách biệt như lời thề và bội phản. Nhưng sự phản bội không đến đột ngột như tôi sợ. Nó đến từ từ, mỗi ngày nó tiến lại gần hơn. Sự phản bội biết cách ngụy trang, nó đến như một chiếc hôn bí nhiệm yêu dấu nhất.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên tảng đá phẳng nằm khuất dưới những vòm cây góc vườn. Nơi đây Giêsu đã khóc và cầu nguyện trong cơn thống khổ. Chúng tôi gọi nó là tảng đá hấp hối. Ánh nắng trưa Gethsemane nhuộm màu xanh lợt của lá ô-liu, màu đen dịu của chùm trái chín, hòa thành một màu vàng ngọt óng của mật ong. Ánh sáng thiên thần đổ xuống mái tóc bạch kim của Giáo Chủ lấp lánh như tơ, rủ xuống vầng trán khắc khoải của Ngài. Bằng một giọng cực kỳ trìu mến, ngài âu yếm gọi tên tôi rồi khẽ bảo:
“Lại đây nào.”
Hơi thở ngài gấp rút.
Tôi đến gần, quỳ xuống, úp mặt vào vạt áo ngài. Một hồi lâu, úp mặt xuống nhưng tôi vẫn thấy màu nắng sáng lóa đàng sau, ánh nắng ràn rụa khắp thế gian và chảy khắp người tôi nóng ran. Tôi biết đây là lần cuối. Một cơn gió mát thoảng qua, rất nhẹ mà làm lay chuyển những cây cổ thụ ngàn năm. Những thân cây đã từng chứng kiến cảnh tượng rợn người, bây giờ chúng lên cơn giận dữ, nhấc khỏi mặt đất, đòi tự trốc gốc rễ mình. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa lớp áo chùng. Tôi chăm chỉ hơn và tận tình hơn bao giờ, tôi hiểu ý ngài, và phục vụ ngài với tất cả nỗi tận tụy của một tên nô lệ. Ngài cũng đang yếu đuối. Bàn tay ngài uể oải lùa nhẹ vào tóc tôi, mơn man da đầu tôi. Giây phút này chúng tôi sẽ nhớ mãi, dù không ghi vào sách, cũng không ghi vào đời. Nó chỉ tồn tại giữa hai chúng tôi. Nó là gạch nối. Nó như lời thề.
Những cơn co giật của Giáo Chủ cũng dữ dội như những cây cổ thụ ngoài sân. Người tôi cũng nóng hực run rẩy. Tôi nhớ Mary, nhớ những lần chúng tôi vụng trộm, tôi khao khát nàng với nỗi khát ngang hàng sự chết. Giáo chủ lần tay vào áo tôi, ngài rà soát thân thể tôi, nhưng điều ngài tìm kiếm không còn thuộc về tôi nữa. Nó đã bị âm hộ Mary giam giữ. Bàn tay Giáo chủ đè nặng, uy quyền ngài bấu nghiến bả vai tôi. Tôi cứng người, cảm nhận lưỡi kiếm mỏng tang, hơi lạnh sắc mỏng tang, sự vô hình mỏng tang đang lướt dọc theo gáy. Ngài chỉ cần buông tay... (Đặng Thơ Thơ/ Đi tìm bản thánh kinh cuối)
Đi tìm bản Thánh Kinh cuối được viết bằng một kỹ thuật khá mới mẻ, vừa về cấu trúc, lẫn ý nghĩa và cách sử dụng con chữ. Tôi gọi là một “tân truyện”. Chất liệu không dựa trên một hiện thực nào. Tất cả khung cảnh nhuốm mùi hồng hoang, thần thoại. Vận dụng tính đa dạng của con chữ, Đặng Thơ Thơ đã tạo dựng nên một thế giới lai: khái niệm tan vào thơ, ám ảnh trộn cùng suy tưởng. Đặng Thơ Thơ ẩn dụ hóa mọi thứ: tôn giáo, hiện thực, lịch sử, người, vật, dục tính. Cái tưởng là thực, không thực đã đành; cái tưởng là hư, cũng chẳng là hư. “Bóng hai chúng tôi nhập vào nhau… như lời thề và bội phản”, “Những thân cây …nhấc khỏi mặt đất, đòi tự trốc gốc rễ mình”; “hơi lạnh sắc mỏng tang, sự vô hình mỏng tang”. Đọc mà như lênh đênh bơi trên bờ ảo. Ảo của vật, ảo của ý. Ảo của ảo. Hơi chữ loáng thoáng, mơ hồ, chợt có chợt không. Gợi nên cái mỏng tang của không gian, của thời gian, và của cả…chân lý! (Còn tiếp một kỳ)
Ghi chú: Có thể vào xem các truyện trên ở các đường nối sau:
Du Tử Lê, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102369&z=193
- Du Tử Lê, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103336&z=97
- Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_CanhDongBatTan.htm
- Đặng Thơ Thơ, Đi tìm bản Thánh Kinh cuối, http://damau.org/archives/1948