Đường dẫn truy cập

Ấn Độ cấm nhà báo đến nơi có Lạt Ma đến thăm


Thông tín viên VOA Steve Herman ở New Delhi cho hay: nhà chức trách Ấn Độ không cho các nhà báo nước ngoài đến tường trình chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại một tu viện biên giới.

Chính phủ trung ương Ấn Độ đã thông báo cho các nhà báo nước ngoài họ sẽ không được vào bang Arunachal Pradesh ở miền đông bắc trong lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma có mặt tại đó. Nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng đến bang này trong 5 ngày để thăm một tu viện vùng biên giới.

Câu lạc bộ các nhà báo nước ngoài tại Nam Á ra thông cáo hôm thứ Năm nói lên sự thất vọng trước những hạn chế du hành của chính quyền Ấn Độ.

Bà Heather Timmons, làm cho báo New York Times, Chủ Tịch của câu lạc bộ nói rằng chính quyền trung ương không cấp phép cho các nhà báo đến Arunachal Pradesh trong thời gian có chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng chính quyền trong bang đã cấp phép.

Bà nói tiếp: “Chúng tôi ngạc nhiên và rất thất vọng khi biết những giấy phép đã được chính quyền bang cấp trước đó đã bị chính quyền trung ương hủy bỏ”.

Một số nhà báo phương Tây, kể cả đài VOA đã lên kế hoạch tường thuật chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại khu vực xa xôi này. Lệnh cấm dường như không áp dụng cho các nhà báo Ấn Độ.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ lại nói rằng quyết định cho phép nhà báo nước ngoài nào đến Arunachal Pradesh là quyết định của Bộ Ngoại giao.

Thay mặt cho đoàn nhà báo nước ngoài, bà Timmons đã gặp các quan chức của Bộ Ngoại giao và đã được trả lời bộ này sẽ làm “mọi điều có thể” liên quan đến các yêu cầu cho nhà báo nước ngoài đến tường trình.

Bà gọi câu trả lời này là “bí ẩn”, bởi vì khi thành phố Mumbai bị khủng bố cách đây một năm, Bộ Ngoại giao đã cấp 200 thị thực cho nhà báo nước ngoài trong vòng 48 tiếng.

Bà nói tiếp: “Điều đó không có nghĩa là họ không có đủ nhân lực và trước đây họ cũng chưa cấm cản báo chí nước ngoài bao giờ”.

Ông Thubten Samphel, nhân viên thuộc Ban Thông tin của chính phủ Tây Tạng lưu vong nói với đài VOA rằng ông lấy làm tiếc có sự cấm cản này nhưng ông không đi sâu vào chi tiết.

Trung Quốc tố giác Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi thực hiện chuyến đi thăm tu viện này. Mới đây, khi đến Nhật Bản Nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng nói rằng chuyến đi đó không mang động cơ chính trị mà chỉ dành cho việc giảng dạy đạo pháp. Năm ngoái, Ngài đã hủy một lần chuyến đi đến tu viện này.

Tu viện ở thị trấn Đạt Vượng là một quần thể nằm ở độ cao 3.300 mét và là một trong những địa điểm lớn, quan trọng của Phật giáo. Tu viện này được xây vào cuối thế kỷ 17 khi phần đất vẫn thuộc về Tây Tạng. Ngày nay ở đó có mấy trăm sư sãi tu tập.

Trung Quốc nói thị trấn Đạt Vượng và hầu hết đất đai trong bang Arunachal Pradesh là của họ, mặc dù vào năm 1972 Ấn Độ tuyên bố vùng đất này là bang của họ.

Bang này có chung đường biên giới mở ngỏ dài 1.000 kilomét với Trung Quốc. Biên giới này do người Anh phân định tại hội nghị năm 1914 giữa họ với các chính phủ Trung Quốc và Tây Tạng.

Trung Quốc thôn tính Tây Tạng 8 năm sau khi quân đội Giải phóng Nhân dân tiến vào đất Tây Tạng năm 1951. Đại Vượng là đất mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sử dụng để trốn thoát vào năm 1959.

Báo chí Ấn Độ năm nay nói nhiều đến các vụ xâm nhập của Trung Quốc trên khắp khu vực biên giới có tranh chấp, nhưng chính phủ Ấn Độ chỉ gọi đây là những vụ nhỏ.

Bên lề hội nghị cấp cao ASEAN tháng trước, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Ấn Độ thỏa thuận họ sẽ “dần dần thu ngắn cách biệt về các vấn đề biên giới”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG