Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tiếp tục đàn áp cộng đồng người Uighur


Nhà lãnh đạo Uighur sống lưu vong, bà Rebiya Kadeer nói rằng nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp cộng đồng Uighur trong nước. Bà Kadeer đang đi thăm Nhật Bản lần thứ nhì kể từ khi những căng thẳng giữa người Uighur và nhóm người Hán tộc chiếm đa số dẫn tới vụ bạo động tại Tân Cương cách đây vài tháng. Từ Tokyo, Thông tín viên đài VOA Akiko Fujita gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Bà Rebiya Kadeer đến thăm Nhật Bản theo lời mời của các nhà nghiên cứu để thuyết trình về vấn đề nhân quyền và đối với các sắc dân thiểu số.

Hôm nay, bà Kadeer tuyên bố bà không phải là một kẻ thù của Trung Quốc và Trung Quốc cũng không phải là kẻ thù của bà. Theo bà thì chính phủ Trung Quốc cũng chẳng phải là kẻ thù của bà và bà kêu gọi họ hãy để cho người Uighur được sống trong một xã hội yên bình.

Chính phủ Trung Quốc coi bà Kadeer là một phần tử ly khai và một tội phạm, và qui trách nhiệm cho bà về những vụ bạo động giữa người Uighur và người Hán hồi tháng 7 năm nay. Nhà cầm quyền Trung Quốc cho biết khoảng 200 người đã bị thiệt mạng và hằng ngàn người khác bị thương trong các vụ bạo loạn tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương.

Tuy nhiên bà Kadeer nói rằng nhiều ngàn người Uighur đã mất tích ở Tân Cương trong các vụ đàn áp người biểu tình của Trung Quốc.

Bà Kadeer nói rằng chính phủ Trung Quốc đang tìm cách tiếp tục hành động đàn áp bằng cách cho giới truyền thông thấy hình ảnh mọi nhóm sắc tộc tại Trung Quốc đều sống vui vẻ hơn và rằng chính phủ ủng hộ sắc dân Uighur trong nước.

Bà Kadeer nhấn mạnh rằng trong thực tế thì mọi chuyện lại khác.

Bà Kadeer nói rằng 1,500 trang web của người Uighur đã bị cấm từ hồi tháng 7 và những người điều hành các trang web vừa kể đều bị câu lưu.

Bà cũng cho biết nhiều ngàn thanh nữ người Uighur đang làm việc tại các hãng, xưởng của Trung Quốc đang bị bóc lột hằng ngày.

Bà Kadeer cho biết bà dự trù gia tăng các quan hệ với cộng đồng người Uighur sinh sống tại Nhật. Bà hy vọng các chuyến đi thăm Nhật Bản của bà sẽ giúp đạt được thêm sự ủng hộ cho sự nghiệp của bà.

Có thể bà Kadeer sẽ không nhận được bao nhiêu hậu thuẫn từ chính phủ Nhật Bản. Thủ tướng Yukio Hatoyama đã nói nhiều đến chuyện củng cố quan hệ với chính quyền Trung Quốc và theo dự trù thì chẳng có thành viên nào trong nội các của ông sẽ gặp bà Kadeer. Trung Quốc cũng đã phản đối chính phủ Tokyo về chuyến thăm nước Nhật của bà Kadeer.

Uighur là cộng đồng nói tiếng Turkic sinh sống tại Tân Cương ở biên giới miền viễn tây Trung Quốc, đa số theo đạo Hồi. Họ than phiền là bị người Hán, chiếm đa số tại đó, phân biệt đối xử và chính phủ hạn chế các hoạt động tôn giáo của họ.

Nhưng Bắc Kinh nói rằng không có chuyện kỳ thị và cho biết người Uighur và các nhóm sắc tộc khác được hưởng nhiều lợi ích mà người Hán không có và nói rằng Nghị hội Uighur Quốc tế, tổ chức nhân quyền do bà Kadeer đứng đầu là một tổ chức chủ trương đòi ly khai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG