Đường dẫn truy cập

Tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên, Miến Điện đáng báo động


Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Bắc Triều Tiên, ông Vitit Muntarbhorn hôm nay cảnh báo rằng tình hình nhân quyền tại nước này vẫn còn “vô cùng tệ hại” vì sự đàn áp của chính phủ Bình Nhưỡng. Ông Multarbhorn nói trong bản phúc trình mới nhất của ông rằng người dân Bắc Triều Tiên bị ngược đãi, trong đó có việc bị ngược đãi, bị trừng phạt tập thể, tra tấn và hành quyết một cách bừa bãi. Từ trụ sở LHQ ở New York, Thông tín viên đài VOA Margaret Besheer gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Báo cáo viên đặc biệt Vitit Muntarbhorn ước tính gần 1/3 trong số 24 triệu dân Bắc Triều Tiên đã bị tước đoạt quyền cơ bản nhất trong các quyền con người là quyền được có lương thực.

Ông Muntarbhorn nói: "Bắc Triều Tiên không phải là một nước nghèo khó. Khối lượng xuất khẩu và mậu dịch của nước này mỗi năm trị giá nhiều tỉ đôla. Vậy thì số tiền đó đã đi đâu? Bắc Triều Tiên không nghèo nhưng tiền bạc của nước này không được dùng cho dân chúng."

Sau khi tường trình trước ủy ban đặc trách nhân quyền tại Đại hội đồng LHQ, ông Muntarbhorn nói với các phóng viên báo chí rằng viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên là vấn đề quan trọng, nhưng lương thực cần được đưa đến nước này với điều kiện là quốc tế phải được tự do tiếp xúc với dân chúng.

Ông Muntabhorn thúc giục chính phủ Bình Nhương thay đổi chính sách “ưu tiên cho quân đội” thành “ưu tiên cho người dân”.

Ông Muntarbhorn là một nhà điều tra độc lập được Hội đồng nhân quyền LHQ tại Geneve giao cho sứ mạng này. Ông đã đảm nhiệm chức Báo cáo viên Đặc biệt về Bắc Triều Tiên từ năm 2004, nhưng chưa bao giờ được phép đến quốc gia này và cũng chưa hề nhận được sự hợp tác của nhà cầm quyền tại đó.

Ông Muntarbhorn tỏ ra rất lo ngại đối với sự đàn áp tại Bắc Triều Tiên và nỗi sợ hãi triền miên của người dân nước này.

Ông Muntarbhorn nói tiếp: "Thật đáng tiếc là dân chúng Bắc Triều Tiên không thoát ra khỏi tình trạng lo sợ vì chúng ta đang phải đối phó với một chế độ phi dân chủ. Vì vậy nên mới có vô số những sự vi phạm được nêu ra, không phải chỉ riêng trong bản báo cáo của tôi mà trong nhiều bản phúc trình khác về những sự bách hại, đàn áp, trừng phạt tập thể, tra tấn, hành hình tùy tiện, xử tử công khai... bất chấp những bảo đảm chính thức trong hiến pháp và bộ luật hình sự."

Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Miến Điện là ông Tomas Ojea Quintana cũng ra thuyết trình trước Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa và của Đại hội đồng LHQ.

Sau đó ông Quintana nói với các nhà báo rằng tình trạng nhân quyền ở Miến Điện vẫn còn nghiêm trọng và đáng báo động, và trong một số lãnh vực tình trạng nhân quyền đã trở nên xấu hơn.

Ông Quintana nói: "Có một mô thức của sự vi phạm có hệ thống và lan tràn mọi nơi, những sự vi phạm đã có thể tiếp diễn vì tình trạng vi phạm mà không bị trừng trị. Tôi thúc giục chính phủ Miến Điện nhanh chóng có những biện pháp để buộc những thủ phạm của những sự vi phạm tràn lan và có hệ thống phải chịu trách nhiệm về hành động của mình."

Ông Quintana cho biết tuy lượng gạo xuất khẩu của Miến Điện gia tăng, tình trạng khan hiếm lương thực là vấn đề nghiêm trọng tại một vài khu vực và gần 5 triệu người đang cần được trợ cấp lương thực.

Báo cáo viên Đặc biệt về Miến Điện kêu gọi chính quyền Miến Điện tổ chức cuộc bầu cử vào năm tới một cách công bằng và minh bạch, và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị trước cuộc bầu cử. Ông cũng kêu gọi chính phủ nước này duyệt lại và cải tổ ngành tư pháp để bảo đảm tính độc lập và vô tư, và tiến hành việc cải cách quân đội để các binh sĩ tôn trọng luật lệ nhân đạo quốc tế ở những vùng có xung đột và tôn trọng các quyền của thường dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG