Đường dẫn truy cập

Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington


Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington tuy nằm bên kia bờ sông Potomac trực thuộc tiểu bang Virgina nhưng thật ra từ bên đây bờ sông trực thuộc Thủ Đô Washington bạn chỉ cần bước qua cây cầu cổ kính Memorial Bridge là bạn đã đến chân đồi của khu nghĩa trang to rộng này.

Từng hàng mộ bia cùng khổ, cùng màu được cắm vào lòng đất ngay ngắn kéo dài đến cuối chân đồi. Phủ trùm cả một vùng trời là màu xanh của cây cỏ xen lẫn những bia mộ đá trắng ngút ngàn trải dài từ đồi này sang đồi khác đến hút mắt.

Nếu bạn có dịp đến nơi này chắc chắn bạn cũng sẽ có cảm giác giống như tôi. Tĩnh lặng. Trầm lắng. Để hồi tưởng lại một thời của quá khứ của một đất nước tuy rất trẻ, rất ngây thơ nhưng cũng rất năng động, rất nhiệt thành và vì thế cũng đã phải trải qua bao chinh chiến, biến động mới có được ngày hôm nay.

Nếu như ngày xưa lúc còn ở Úc tôi cho nước Mỹ đơn giản chỉ là một đại cường quốc có nhiều tiền cũng như nhiều tiếng thì cho đến hôm nay những nhận xét ngày nào của tôi đã có ít nhiều thay đổi.

Đúng. Cái chi nước Mỹ làm cũng bị nhiều người bàn ra tán vào. Đặc biệt là các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu và cả Châu Úc! Đấy là chưa kể đến những nhóm Hồi Giáo cực đoan thề không bao giờ đội trời chung với nước Mỹ.

Nhưng tôi nghĩ đối với những người như thế có lẽ họ nên đến thăm Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington ít nhất là một lần trong đời trước khi họ quyết định là có nên thù ghét nước Mỹ đến độ như vậy hay không.

Tại sao họ cần phải làm vậy?

Xin thưa là vì khi đến đó có thể họ sẽ bắt đầu có nhiều cảm thông với tinh thần và văn hóa của người Mỹ. Để từ đó họ sẽ tự nghiệm lấy mình để thấy được đâu mới là văn minh. Thế nào mới là phải đạo.

Tôi cho rằng nghĩa trang là một trong những nơi mà chúng ta có thể đánh giá chính xác nhất về văn hóa và xã hội của dân tộc đã tạo dựng ra nó. Cũng như tiến trình phát triển của chính họ.

Nếu như vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ trước khi các mộ chôn ở Nghĩa Trang Arlington được tự do lập bia cái to cái nhỏ, khi cao khi thấp. Kia là mộ lớn của một ông tướng còn cái bia bé nhỏ nọ là của một anh lính quèn. Thì sau này tất cả đều đã được khắc ghi giống như nhau.

Khi còn sống có thể không ai giống ai. Nhưng một khi đã nằm xuống vì dân tộc, bất kể bạn là ai, thì tất cả đều như nhau. Và vì thế cũng cần nên được đối xử y như nhau.

Những người lính chết vì lý tưởng xây dựng một đất nước Mỹ thống nhất trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đã được chôn cất tại đây.

Nhưng những người lính miền Nam đã bỏ mình vì lý tưởng của chính họ, muốn được tự lập, tự do nhưng không may được thành công và mãi mãi sẽ là người thua cuộc cuối cùng cũng được mang về đây để mai táng.

Tử trận nơi xa xôi. Từ thế chiến thứ nhất, thứ hai cho đến chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam. Ở Afghanistan hay trên chiến trường Iraq. Kể cả phi hành đoàn yểu mệnh Challenger hay những nạn nhân của ngày 11 tháng 9 kinh hoàng của năm nào.

Một mảnh đất nhỏ phủ đầy cỏ xanh. Một mộ bia đá cẩm trắng cùng khổ, một kiểu, một màu. Tất cả nay đã trở thành những người con đã bỏ mình cho dân tộc.

Giản dị nhưng trang nghiêm.

Đơn sơ nhưng đầy cá tính.

Đối với tôi đây mới thật sự là văn hóa của người Mỹ. Và là những gì mà tất cả chúng ta nếu có dịp ai cũng nên bước chân đến một lần để chiêm ngưỡng và thán phục.

Dù nó chỉ là một nghĩa trang đầy thây ma, chuyện cũ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG