Đường dẫn truy cập

The Informers (Những Kẻ Tố Cáo) - Juan Gabriel Vasquéz


Là nhà văn Colombia trẻ sinh năm 1973 ở Bogotá, tốt nghiệp đại học Colombia và đại học Sorbonne ở Paris ngành Văn chương Châu Mỹ La-tinh, Juan Gabriel Vasquéz nổi tiếng ngay khi quyển tiểu thuyết đầu tay Los Informanentes/ Những Kẻ Tố Cáo xuất bản năm 2004. Juan Gabriel Vasquéz cũng là tác giả của cuốn khảo luận về JosephConrad (in năm 2004), tập truyện ngắn Historia secrets de Costaguana/Lịch sử Bí mật của Contaguana (2007), tiểu thuyết Los amantes de tedos los santos/Những Người Yêu của Thánh (2008) và quyển khảo luận chính trị El arte de las distorcion Nghệ thuật bóp méo sự thật (2009).

Từ sau hiện tượng “nở rộ” của văn chương Châu Mỹ La-tinh vào cuối những năm 60s với những nhà văn lừng lẫy nhất có thể kể: Julio Cortazar của xứ Argentina, Carlos Fuentes của Mexico, Gabriel Garcia-Marquez của Colombia, và Mario Vargas Llosa của Peru.

Sang đầu thế kỷ 21, với những chuyển biến chính trị và xã hội mới, những nhà văn một thời ngự trị văn đàn thế giới kể trên đã dần lui vào bóng tối, và người ta tưởng chừng văn chương Châu Mỹ La-tinh đã chấm dứt. Một trong những lý do được đưa ra để gải thích từ sự “nở rộ” sang đến tàn lụi là vì những quốc gia Châu Mỹ La-tinh đang chuyển biến từ những xứ độc tài toàn trị sang dân chủ cho nên những tác phẩm của những nhà văn lớn kể trên vốn gắn liền với chính trị và lịch sử một thời nay đã trở thành những tác phẩm thuộc về quá khứ.

Thế nhưng, khi chuyển mình từ độc tài sang dân chủ chập chững không những đề tài của tiểu thuyết không cạn mà còn phong phú hơn. Và kỹ thuật viết tiểu thuyết “hiện thực huyễn ảo” với đỉnh cao là văn chương Gabriel Garcia-Marqez giờ đây đã không còn thích đáng để mô tả hiện thực thời đại nữa.

Từ những năm đầu thế kỷ 21, nền văn chương Châu Mỹ La-tinh đã khởi sắc trở lại với những tên tuổi mới như Roberto Bolano với quyển tiểu thuyết đồ sộ 2666, và mới đây nhất là Juan Gabriel Vasquéz với quyển The Informers/Những Kẻ Tố Cáo do Anne McLean dịch sang Anh văn xuất bản năm 2008 ở Anh và năm 2009 ở Mỹ.

Là nhà văn Colombia trẻ sinh năm 1973 ở Bogotá, tốt nghiệp đại học Colombia và đại học Sorbonne ở Paris ngành Văn chương Châu Mỹ La-tinh, Juan Gabriel Vasquéz nổi tiếng ngay khi quyển tiểu thuyết đầu tay Los Informanentes/Những Kẻ Tố Cáo xuất bản năm 2004. Juan Gabriel Vasquéz cũng là tác giả của cuốn khảo luận về JosephConrad (in năm 2004), tập truyện ngắn Historia secrets de Costaguana/Lịch sử Bí mật của Contaguana (2007), tiểu thuyết Los amantes de tedos los santos/Những Người Yêu của Thánh (2008) và quyển khảo luận chính trị El arte de las distorcion Nghệ thuật bóp méo sự thật (2009).

Quyển Những Kẻ Tố Cáo đã được dich ra nhiều sinh ngữ khác nhau và Juan Gabriel Vasquéz hiện được coi là nhà văn trẻ xuất sắc hàng đầu của xứ Colombia.

Về lai lịch quyển tiểu thuyết Những Kẻ Tố Cáo Juan Gabriel Vasquéz kể lại:

“Vào năm 1999, chỉ bốn hay năm ngày trước khi thế kỷ chấm dứt, tôi đã gặp một phụ nữ gốc Đức-Do thái, bà này đã tới Colombia sinh sống vào năm 1938. Bà ta cùng với gia đình đã trốn khỏi tỉnh nhà Emmerich của bà khi mới 13 tuổi; cha bà đã mở một khách sạn ở tỉnh nhỏ Duitama cách thủ đô Bogotá vài giờ lái xe; tiếng tăm của cái khách sạn này, nhất là trong giới chính khách, đảm bảo được cho họ một nơi ở tốt.

Thế rồi chiến tranh bùng nổ, Colombis đoạn giao với Đức, và chính quyền Colombia bắt đầu xử tội những công dân của nước kẻ thù – gồm nào là những nhân viên tình báo Quốc-xã, những kẻ có cảm tình với chế độ Quốc xã, những người tuyên truyền cho chủ nghĩa Quốc xã – và cả những công dân tuy không chính thức được coi là kẻ thù nhưng bị coi là nguy hiểm cho an ninh tại bán cầu này. Thế là Sổ Đen được thi hành, những kẻ đi tố cáo được tuyển dụng, và chẳng bao lâu sau cứ có một cái tên Đức là đủ bị nghi kỵ, vì vậy tình cảm nghi ngờ và hoảng sợ vây bủa cộng đồng người Đức. Ngay sau đó, mọi sự việc vượt ra ngoài kiểm soát.”

Juan Gabriel đã ghi chép kỹ lưỡng cuộc nói chuyện với phụ nữ này trong 3 ngày liền, bị ám ảnh bởi những điều bà ta nói ra nhưng sự hiểu biết về biến cố này thật rất mù mờ. Mãi đến giữa năm 2002 Juan Gabriel Vasquéz mới quyết định bắt tay vào việc viết một cuốn tiểu thuyết vì anh cho rằng để hiểu được sự thực cách tốt nhất là viết tiểu thuyết. Kinh nghiệm này anh học hỏi được từ hai bậc thầy tiểu thuyết là Joseph Conrad qua truyện Under Western Eyes/Dưới Mắt Tây Phương và W.G. Sebald qua quyển The Immigrants/Di Dân.

Tiểu thuyềt Những Kẻ Tố Cáo chỉ dùng câu chuyện người phụ nữ Đức như một sự kiện lịch sử, Juan Gabriel Vasquéz dựa trên sự kiện này để hư cấu ra một cốt truyện khác hẳn. Nhân vật chính trong truyện là cha của nhân vật tự sự Gariel Santoro cho nên ta từ đây ta phân biệt Gabriel Santoro Cha và Gabriel Santoro Con. Gabriel Santoro Cha là một vị giáo sư hùng biện nổi tiếng ở Bogotá, giảng dạy môn Hùng Biện Tranh Tụng ở Tối Cao Pháp Viện Colombia từ trên hai chục năm nay.

Danh vọng tuyệt đỉnh của ông được đánh dấu vào dịp kỷ niệm 450 năm người đã xây dựng nên Bogotá năm 1988 vì ông đã được mời làm diễn giả cho buổi lễ kỷ niệm này. Bài diễn văn của ông có thể được đặt ngang hàng với những bài diễn văn lẫy lừng của Boliviar và Gaitán.

Nhưng khi Gabriel Santoro Con xuất bản tác phẩm quyển Một Cuộc Đời Lưu Đầy viết về cuộc sống của một phụ nữ tên là Sara Guterman gốc Đức-Do thái đã di dân từ Đức sang Colombia vào năm 1938 không bao lâu trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Sara là người khá thân thuộc với gia đình Santoro, rất thân với Gabriel Santoro Cha từ hồi thanh xuân; trái ngược với sự mong đợi, quyển sách của người con bị người cha phê bình nặng nề và điều này khiến người con không khỏi thắc mắc muốn tìm ra cơ sự.

Để trả lời thắc mắc về lời phê bình nghiêm khắc sách của con, ông nói “Ký ức không phải là chuyện công cộng. Đó là điều cả con lẫn Sara đều không hiểu. Con và Sara đã công khai những thứ đa số mọi người muốn quên đi. Cả hai đã công khai những việc đa số bọn ta đã mất nhiều thời gian để làm cho chúng khuất mắt đi. Dân chúng lại đang nói về những bảng danh sách, họ bàn tán về sự hèn hạ của một số kẻ đi tố cáo người khác…”

Vì quyển sách này trong mấy năm cha con không liên hệ với nhau dù cho bà Santoro đã chết khá lâu. Cho mãi tới khi Gabreil Santoro Cha mắc bệnh tim phải đi mổ. Tưởng chừng vong mạng vì cuộc giải phẫu này nhưng may thay người cha thoát chết, tái sinh. Trong khi cha nằm bệnh viện, bỏ sang một bên chuyện cha dè bỉu quyển sách của mình, Gabriel Santoro Con một lòng săn sóc cha. Khi được xuất viện ông già Santoro được một người y tá tên Angelina Franco đến nhà thuốc thang chăm sóc. Chuyện bí mật xảy ra: Gabriel Santoro Cha và Angelina trở thành tình nhân.

Gabriel Santoro Con tiếp tục giải mã những thắc mắc của mình về cha anh nên đã xin Sara kể cặn kẽ những gì bà biết trong giai đoạn lịch sử từ khi chiến tranh bùng nổ đến khi chấm dứt ở Bogotá và các vùng phụ cận. Lời kể của Sara có khá nhiều chi tiết giống với lời kể của người phụ nữ Đức Do thái Juan Gabriel Vasquéz gặp năm 1999. Nhưng trong quyển Những Người Tố Cáo tác giả đã dùng kỹ thuật “truyện trong truyện” để kể về cuộc đời của Gabriel Santoro Cha.

Nguyên thời thanh niên ông có một người bạn khá thân tên là Enrique. Cha của Enrique là Konrad Deresser cũng là một di dân Đức, mở tiệm bán kính làm cửa và được cha của Sara giúp đỡ rất nhiều vì ông là chủ một khách sạn nổi tiếng nên trong thời gian đại chiến xảy ra khách sạn có khá nhiều người gốc Đức đến cư ngụ. Họ thuộc đủ loại, từ những điệp viên Quốc xã, những kẻ có cảm tình với Quốc xã, đến những người dân bàng quang không đứng về phe nào.

Nhưng khi tổng thống Santos của Colombia đoạn giao với Đức, cộng đồng Đức ở Colombia bị đặt vào một tình huống thê thảm. Trong khi Konrad Deresser chỉ là một người yêu nước Đức vô tội còn anh con trai Enrique ngược lại chỉ nói tiếng Tây Ban Nha tuy thông thạo tiếng Đức vì anh muốn xóa hẳn cái gốc tích Đức của mình. Khi chính sách Sổ Đen được chính quyền Colombia và Tòa Đại Sứ Mỹ thi hành, tất cả những người có tên trong sổ đen đều bị tập trung biệt giam ở một khách sạn lớn nằm sâu trong đất liền.

Vì Konrad Deresser bị tố cáo cho nên bị biệt giam và vợ ông sau khi đã làm nhiều đơn minh oan cho chồng nhưng không có kết quả nên đã bỏ xứ ra đi. Sau khi mẹ bỏ đi Enrique cũng đi biệt tích. Ra khỏi nơi biệt giam sau khi chiến tranh chấm dứt, sau một thời gian sống chung chạ với một người đàn bà da đen tên là Joséfina làm nghề mại dâm cuối cùng ông quyết định uống thuốc tự sát.

Phần Gabriel Santoro Cha, khi đã hoàn toàn bình phục, mượn chiếc xe hơi của con trai để đưa Angelina đi nghỉ hè ở tỉnh miền núi Medellín. Bỗng vào một ban đêm ông một mình lái xe ra đi không cho Angelina đi theo và bị tai nạn đâm vào một chiếc xe tải trên đường đèo. Gabriel Santoro cha tử nạn vào ngày 23 tháng Chạp năm 1991.

Không bao lâu sau cái chết của Gabriel Santoro Cha Angelina Franco hứa hẹn sẽ tiết lộ chân tướng của Gabriel Santoro cha, kẻ đã được người đời kính trọng từ bao lâu nay thực ra chính là kẻ đã tố cáo Konrad Deresser khiến tên ông này bị liệt vào sổ đen, gia đình tan nát, bản thân phải đi tìm cái chết. Angelina cho rằng ông ta là một người tình không có niềm tin, một kẻ nói dối. sở đĩ đang đêm tối mà Gabriel Santoro lái xe một mình đến nỗi tử nạn vì ông muốn một mình đến gặp Enrique để xin tạ tội.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Gabriel Santoro Cha lại làm công việc tố cáo, phải chăng thời trẻ ông chưa biết được rằng “lời nói là tối hệ trọng” như khi về già ông mới ngộ ra? Phải chăng Gabriel Santoro Cha chỉ là một người yếu đuối chứ không hẳn là một kẻ xấu xa?

Tóm lược nội dung quyển Những Kẻ Tố Cáo như trên xem ra cũng đơn giản, nhưng Juan Gabriel Vasquéz qua gần 350 trang sách đã dùng một giọng văn thầm thì nói gần nói xa tới điểm chính của cốt truyện một cách tài tình khiến quyển truyện trở thành thật hấp dẫn.

Câu hỏi đối với độc giả người Việt sau khi đặt quyển sach xuống là: Trong cuộc nội chiến ở nước ta trong nửa thế kỷ trước đã có bao nhiêu “kẻ tố cáo” ở cả hai bên chiến tuyến, và việc làm của những người này đã tiêu hủy bao nhiêu cuộc sống của những người vô tội?

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG