Đường dẫn truy cập

IOM phát động chiến dịch mới chống nạn buôn người


Tổ chức di dân quốc tế, gọi tắt là IOM, đang kêu gọi giới tiêu dùng đừng mua sản phẩm do những di dân bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt, sản xuất. IOM đang phát động một cuộc vận động toàn cầu nhằm chấm dứt tệ nạn buôn người. Tệ nạn này bắt đầu từ Châu Âu là nơi có số người rất lớn bị mua bán, nhưng rồi cuối cùng tệ nạn này cũng sẽ bành trướng sang các khu vực khác trên thế giới. Từ trụ sở IOM ở Geneve, Thông tín viên Lisa Schhlein của đài VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Băng video yêu cầu giới tiêu dùng suy nghĩ về thói quen mua sắm của mình và xem thói quen đó đã có thể khuyến khích tình trạng bóc lột di dân như thế nào.

Ông Richard Danziger là Giám đốc chương trình chống tệ nạn buôn người trên thế giới của IOM. Ông nói rằng nạn nghèo khó, tình trạng bất bình đẳng về giới tính và các cuộc xung đột đã góp phần vào tệ nạn buôn người, nhưng chính nhu cầu không hợp lý về lao động và hàng hóa rẻ đã đưa tới tệ nạn buôn người vô lương tâm này.

Ông Danziger nói rằng chiến dịch vận động của IOM nhằm mục đích thay đổi thói quen của người tiêu dùng qua việc sử dụng quyền lực mềm chứ không phải quyền lực cứng.

Ông Danziger nói: “Chúng tôi không yêu cầu mọi người tẩy chay một thương hiệu hay một siêu thị đặc biệt nào, hoặc một hệ thống cửa hàng nào. Chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu giới tiêu dùng tìm hiểu xem những gì nằm đằng sau các sản phẩm mà họ mua. Chúng tôi yêu cầu họ mua sắm với tinh thần trách nhiệm.”

Tổ chức Lao động quốc tế ước tính khoảng 12,3 triệu người bị cưỡng bách lao động hay bị đưa vào tình trạng lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục trên khắp thế giới.

Ông Danziger cho biết những câu chuyện về nạn buôn người thường tập trung vào giới phụ nữ và các bé gái bị bắt làm nghề mãi dâm. Nhưng theo ông thì cả nam giới và nữ giới đều bị đem bán để bị bóc lột sức lao động.

Ông Danziger nói rằng con số buôn đàn ông và các bé trai để làm việc trong các ngành nông, ngư nghiệp và cả công việc trong nhà đã gia tăng mạnh trong 5 năm qua.

Ông Danziger cho biết: “Dựa vào các số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế, chúng tôi ước tính là ở các nước công nghiệp phát triển có trên 100,000 công nhân là nạn nhân của nạn buôn người. Nếu họ được trả lại số tiền lương mà họ có quyền lãnh thì con số đó lên tới khoảng 2, 5 tỉ đôla. Đó là những con số rất lớn. Trên khắp thế giới, theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế, số tiền bị đánh cắp đó lên tới ngót 20 tỉ đôla.”

Ông Danziger nói rằng giới tiêu dùng càng ngày càng đòi hỏi việc mua bán được công bằng. Họ đòi sản phẩm họ mua phải được sản xuất phù hợp các tiêu chuẩn đạo đức.

Theo ông Danziger, cuộc vận động của IOM hy vọng sẽ tận dụng các cảm nghĩ đó bằng nâng cao nhận thức về nhiều sản phẩm và dịch vụ là kết quả của tệ nạn buôn người và bóc lột lao động.

Ông nói rằng giới tiêu dùng có sức mạnh để chấm dứt tình trạng bóc lột sức lao động bằng cách mua sắm với tinh thần trách nhiệm và tạo áp lực đối với các doanh nghiệp và giới bán lẻ đòi họ phải tiến hành các hoạt động một cách có đạo đức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG