Đường dẫn truy cập

Khoa học gia Ejeta nhận giải thưởng World Food Prize


Vào 8 giờ tối ngày thứ năm 15 tháng 10 năm 2009, tại một nghi lễ ở thành phố Des Moines, bang Iowa giải thưởng Lương thực Thế giới năm nay được trao cho khoa học gia Gebisa Ejeta sinh quán tại Ethiopia, châu Phi, hiện là nhà nghiên cứu tại đại học Purdue. Giải thưởng tư nhân trị giá 250 ngàn đô la, được trao tặng hằng năm cho những ai đã giúp giải quyết nhu cầu lương thực thế giới. Năm nay giải thưởng này vinh danh công trình cả đời ông Ejeta trong việc cải thiện sản lượng lúa miến, một trong những loại mễ cốc quan trọng nhất thế giới. Giải thưởng này cũng để vinh danh những nỗ lực của chuyên gia Ejeta đã đưa những khám phá của ông ra khỏi phạm vi của phòng thí nghiệm để đến với các nông gia cần đến loại lúa này nhất. Thông tín viên Steve Baragona của đài VOA tường trình về nhân vật được trao giải năm nay:

Ông Gebisa Ejeta là nhân vật chính trong câu chuyện về sự thành công cho thấy học vấn và một người mẹ đầy ý chí thúc đẩy có thể tạo được sự khác biệt như thế nào. Lớn lên trong một chòi tranh vỏn vẹn có 1 phòng ở vùng quê nghèo Ethiopia, ông Ejeta cho biết mẹ ông đã có sẵn những ý định khác dành cho ông.

Ông Ejeta nói: “Mẹ tôi không thích lối sống trong cái cộng đồng mà chúng tôi ở trong đó. Và vì một lý do lạ lùng nào đó, mẹ tôi đã có thể nhận thấy rằng qua học vấn, người ta có thể thoát ra khỏi kiếp sống cơ cực và có được một cuộc đời tốt đẹp hơn.”

Vì thế bà đã tìm ra những cơ hội để cho con trai, cậu Gebisa Ejeta được theo đuổi học vấn, ở một thị trấn gần đấy, cách thôn xóm của họ 20 kilomét. Cậu Gebisa Ejeta đã miệt mài đèn sách và học giỏi. Giờ đây thì ông được vinh danh nhờ công trình mà ông đã bỏ cả đời nghiên cứu để giúp những người khác thoát khỏi cảnh nghèo.

Ông Lowell Hardin, giáo sư lão thành tại đại học Purdue, đã quen biết chuyên gia Ejeta từ 25 năm nay.

Ông Hardin nhận định về chuyện gia này: “Vì sinh trưởng trong những hoàn cảnh cực kỳ khiêm tốn, một mẹ nuôi con ở một làng quê xa xôi nghèo khó tại Ethiopia nên ông biết cảnh nghèo như thế nào. Ông biết cái đói ra sao. Và khi ông có đủ may mắn để được ăn học nhờ sự thúc đẩy của thân mẫu, ông đã quyết chí đem tài năng và sở học để đi theo chiều hướng này.”

Ông Ejeta đã sử dụng tài năng để diệt loài cỏ dại Striga, vẫn đe dọa đến loại cây lương thực nuôi sống trên 100 triệu dân khắp vùng nam sa mac Sahara. Ông Ejeta cho biết loại cỏ dại ký sinh này có thể hủy hoại các cánh đồng trồng lúa miến, một loại mễ cốc chính của các khu vực khô và nóng của châu Phi.

Chuyên gia Ejeta giải thích: “Nếu quí vị trồng một loại cây lương thực mà dễ bị nhiễm loại cỏ ký sinh này thì cơ bản, quí vị chẳng có một cơ hội nào để trồng một vụ mùa nào vì đất đai đã bị nhiễm ký sinh rồi. Và hầu hết đất dai ở đấy đang bị nhiễm.”

Trước khi ông Ejeta bắt tay vào việc, các nhà nghiên cứu đã không mấy thành công để ngăn chặn loài cỏ dại này. Hạt giống của loại cỏ này có thể cứ nằm im trong đất cả chục năm. Nhưng giáo sư Ejeta và toán nghiên cứu của ông tại đại học Purdue khám phá được những tín hiệu hóa học của cây lúa miến thúc giục cho hạt giống cỏ ký sinh Striga bừng tỉnh, tức là lại có thêm một nạn nhân nữa.

Sau đó toán nghiên cứu này tìm ra được các chủng loại lúa miến không tiết ra tín hiệu hóa học đánh thức các hạt giống cỏ ký sinh rồi gây giống để trở thành những cây lúa chống lại với cỏ ký sinh Striga hầu có thể mọc tươi tốt ở nhiều nơi khí hậu và đất đai khác nhau tại châu Phi. Những giống lúa mới này cho gấp 4 lần sản lượng hạt so với những giống lúa tại địa phương, ngay cả ở những nơi thường bị khô hạn.

Nhưng chuyên gia Ejeta biết rằng khám phá của công trình nghiên cứu chỉ mới là bước khởi đầu. Một khi các chủng loại mới được phát triển năm 1994, ông đã cộng tác với những đoàn thể bất vụ lợi để phân phát 8 tấn lúa giống cho các nông gia ở 12 quốc gia châu Phi.

Theo đồng nghiệp của ông làm việc tại đại học Purdue, ông Mitch Tuinstra thì đó chính là nét tiêu biểu của chuyên gia Gebisa Ejeta.

Ông Tuinstra nói: “Một trong những điều quan trọng nhất về công trình của ông Gebisa Ejeta là ông luôn luôn tiến đến bước kế tiếp. Đó là câu hỏi: làm sao mà tôi có thể chuyến biến những sản phẩm thu thập được từ công trình nghiên cứu này thành các công nghiệp tiếp sức và giúp cho các nông gia châu Phi vững vàng hơn?

Chuyên gia Ejeta luôn luôn thấu hiểu tầm quan trọng của việc trao công nghệ vào tay các nông gia châu Phi. Ngay sau khi vừa xong thạc sỹ, ông đã gây giống một loại lúa miến sản xuất được nhiều hạt và chống lại được với tình trạng khô hạn. Khi loại lúa mới lai giống này được đem trồng năm 1983, ông Ejeta cho biết các nông gia rất mừng khi thấy sản lượng của nó nhiều hơn gấp đôi sản lượng của những giống lúa có từ trước đến nay.

Ông Ejeta nói: “Họ cho rằng đây là điều tuyệt diệu khi họ thấy loại lúa lai giống cho sản lượng nhiều như vậy. Và đáp ứng đầu tiên của họ là ‘làm sao chúng tôi có được hạt giống của loại lúa này?’

Và đó là vấn đề cấp thiết : Ai sẽ sản xuất và phân phát những hạt giống cho sản lượng cao đến cho các nông gia nào cần đến chúng khi mà không có một ngành công nghiệp hạt giống sinh động tại châu Phi?

Ông Ejeta đã có thể làm việc với các hợp tác xã nông gia để thúc đẩy sản xuất loại lúa miến chống được khô hạn.

Nhưng hầu hết châu Phi vẫn thiếu ngành công nghệ hạt giống để đem các loại hạt giống của những chủng loại được cải tiến đến cho nông gia.

Và nông gia thường lại không tiếp cận được với thị trường để bán những sản phẩm thu hoạch được thêm do mùa màng được cải thiện nhờ giống lúa mới.

Vì vậy hiện nay ông Ejeta đang tìm cách phát triển thị trường tận gốc. Lấy ví dụ, cùng với các đối tác tại địa phương, ông nối kết những công ty cất rượu hay bia, các lò bánh và các nhà máy xay bột với các nông gia trồng loại lúa miến được cải thiện..

Bằng cách cùng làm việc với toàn thể hệ thống, từ hạt giống cho nông gia cho đến tận bàn ăn của người tiêu thụ, công trình của ông đang giúp đưa nông gia thoát khỏi cảnh nghèo khó và cung ứng một loại vũ khí cực mạnh để tham gia trận chiến xóa đói cho nhân loại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG