Lối giáo dục ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có sự tin cậy nào đối với học sinh và sinh viên cả. Tất cả đều bị xem là ngu dốt. Do đó, chỉ cần ngoan ngoãn lắng nghe và ghi nhớ những gì thầy cô giáo dạy bảo. Không được nghi ngờ. Không được tra vấn. Thậm chí, không cần tự tìm hiểu gì thêm nữa. Chỉ cần học thuộc lòng: đủ rồi!
Lối giáo dục ấy, thật ra, cũng rất coi thường các thầy cô giáo. Có thể nói hiếm có ở nơi nào các thầy cô giáo bị khinh bỉ như ở Việt Nam. Không phải phụ huynh khinh bỉ. Không phải xã hội khinh bỉ. Mà là chính quyền khinh bỉ. Bộ giáo dục khinh bỉ. Cơ chế giáo dục chính thống trong cả nước khinh bỉ. Tất cả dường như đồng loạt mắng thẳng vào mặt các thầy cô giáo: Bọn mày ngu lắm!
Viết vậy có quá đáng lắm không?
Tôi nghĩ là không.
Nhưng trước hết, xin nói qua một chút về vài nét giáo dục tại Úc (và cũng tại hầu hết các quốc gia Tây phương khác) để bạn đọc dễ so sánh.
Tại Úc, ở mọi cấp dường như không có sách giáo khoa bắt buộc. Tôi xin lấy các môn ngôn ngữ làm ví dụ. Ở mỗi cấp lớp, Bộ giáo dục chỉ nêu lên các yêu cầu chung, một số đề tài chung, và một số tài liệu chung. Hết. Công việc thiết kế chương trình giảng dạy cũng như việc tìm kiếm tài liệu tham khảo cho từng buổi là nhiệm vụ của các thầy cô giáo.
Tại sao ư? Lý do đơn giản: Mọi việc giảng dạy chỉ có hiệu quả khi, thứ nhất, đáp ứng nhu cầu của học sinh, và thứ hai, phù hợp với trình độ chung trong cả lớp. Ở cả hai khía cạnh này, mức biến thiên rất lớn: Chúng khác nhau tuỳ theo yếu tố địa lý (nông thôn / thành thị), yếu tố xã hội ( giàu / nghèo), yếu tố chủng tộc (khu có nhiều hay ít di dân), v.v… Không ai nắm chắc những biến thiên ấy cho bằng người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong từng lớp. Bởi vậy, không có ai có thẩm quyền hơn các thầy cô giáo ấy trong việc quyết định nên chọn bài đọc và bài tập như thế nào để các em có thể đáp ứng được đòi hỏi chung của Bộ giáo dục.
Ở Việt Nam thì khác.
Ở Việt Nam, hầu hết các thầy cô giáo giống như mấy con chim con, cứ há mồm cho chim mẹ đút thức ăn.
Này nhé, chương trình mỗi môn học đều được Bộ giáo dục soạn thảo rất kỹ. Tuần nào dạy đề tài gì và dạy bao lâu đều được ghi rõ. Chưa hết. Trong đề tài ấy, những kiến thức gì cần phải dạy cũng được ghi sẵn. Cũng chưa hết. Người ta còn bày – và thật ra là bắt – giáo viên phải theo đúng từng bước, từng bước trong việc trình bày các kiến thức ấy. Tất cả đều nằm trong cái gọi là “giáo án”.
Cầm giáo án ấy trên tay như một thứ bửu bối, điều bận tâm duy nhất của các thầy cô giáo là làm sao cho khỏi “cháy giáo án”, nghĩa là không dạy quá giờ hay không đúng giờ quy định!
Dạy chán, không ai chê trách. Dạy học sinh không hiểu, cũng không ai chê trách. Nhưng chỉ cần dạy “cháy giáo án” là có vấn đề: Không hoàn thành nhiệm vụ. Học sinh có thể chê trách. Hiệu trưởng có thể chê trách.
Dần dần người ta không cần gì hơn ở thầy cô giáo cái chức năng của một thứ máy đọc: Đọc các giáo án viết sẵn và phát sẵn. Đọc có chút duyên dáng và hài hước càng tốt; không có cũng chẳng sao. Điều học sinh cần là nghe rõ và chép kịp để về nhà học thuộc lòng hay chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra hay thi cử về sau.
Một chính sách giáo dục như vậy không phải khinh bỉ giáo viên thì còn là cái gì nữa?
Khinh bỉ giáo viên, thật ra, là khinh thường chính hệ thống giáo dục của cả nước. Chứ không phải sao? Một hệ thống giáo dục không thể đào tạo được những trí thức có đủ khả năng thực hiện yêu cầu cơ bản của nghề nghiệp, tức tìm tòi và giảng dạy, không phải là một nền giáo dục què quặt sao?
Nếu vậy thì phải sửa chữa lại hệ thống đào tạo giáo viên. Và cả hệ thống giáo dục nói chung.
Nhưng có thực là các thầy cô giáo ở Việt Nam không đủ khả năng lên lớp một cách độc lập? Không đủ khả năng để thiết kế và chuẩn bị bài giảng để đáp ứng các yêu cầu của Bộ giáo dục?
Tôi không tin.
Phải tạo cơ hội cho các giáo viên thực tập thì mới biết được là họ có đủ khả năng hay không. Đúng hơn, phải nói thế này: Phải để cho các giáo viên tự do thực tập thì họ mới có đủ khả năng giảng dạy độc lập được.
Nếu không cho tập đi, người ta sẽ không bao giờ biết đi cả.
Đọc nhiều nhất
1