Đường dẫn truy cập

Le rapport de Brodeck (Báo Cáo của Brodeck) - Phillipe Claudel


Tuy nhà văn và đạo diễn điện ảnh Pháp Phillipe Claudel đã nổi tiếng ở xứ ông từ những năm đầu thế kỷ 21 nhưng ở những xứ dùng Anh ngữ Phillipe Claudel chỉ mới được biết đến và hâm mộ từ sau khi cuốn phim Il y a longtemps que je t’aime/I’ve Loved You So Long do chính ông viết phim truyện và đạo diễn với hai nữ tài tử Elsa Zylberstein trong vai Léa và Kristin Scott Thomas trong vai Julliete được trình chiếu vào năm 2008.

Phillipe Claudel sinh ngày 2 tháng 2 năm 1962 ở Dombasle-sur-Meurthe, Pháp, tác giả của ba cuốn tiểu thuyết được đọc nhiều nhất là quyển Les âmes grises/Những Tâm Hồn Xám xuất bản năm 2003 và được trao giải Renaudot cùng năm, La petite fille de Monsieur Linh/Đứa cháu gái nhỏ của ông Linh xuất bản năm 2005, và quyển tiểu thuyết mới nhất Le rapport de Brodeck/Báo cáo của Brodeck xuất bản năm 2007 và được trao giải Goncourt.

Philippe Claudel cũng ra mắt một số truyện ngắn và truyện vừa như các quyển J’abandonne, Meuse l’oubli, Queles-uns des cent regrets, và Le café de l’Excelsior. Sách của ông có số bán gần 300.000 bản là con số khá cao ở Pháp và được dịch ra trên 30 ngoại ngữ. Độc giả những xứ dùng tiếng Anh mới chỉ được đọc 2 quyển tiểu thuyết Những Tâm Hồn Xám có 2 ấn bản mang tựa đề Gray Souls xuất bản ở Anh năm 2005 và By the Slow River xuất bản ở Mỹ năm 2006.

Quyển Báo cáo của Brodeck được dịch sang Anh văn với tựa đề Brodeck’s Report mới được xuất bản vào tháng 4 năm 2009 chúng tôi xin giới thiệu trong chương trình hôm nay.

Truyện của Phillippe Claudel được người đọc khắp thế giới hâm mộ chính yếu vì ông có một lối viết tiểu thuyết cô đọng nhưng trong sáng, diễn tả những cảnh huống buộc con người phải đối mặt với lằn ranh mỏng manh giữa thiện và ác. Văn chương Phillipe Claudel không tố cáo tội ác nhưng nêu ra vấn nạn “Tại sao con người lại cứ hành hạ nhau hoài hủy như thế?”

Trong trang đề tặng của quyển truyện Phillippe Claudel viết: “Tặng tất cả những ai vẫn nghĩ rằng mình chẳng là gì hết. Tặng vợ và con gái tôi vì nếu không có hai người này tôi sẽ chẳng được như thế này.” Ngay từ phần vào truyện với nhân vật tự sự Brodeck tác giả đã cho nhân vật chính này minh định: “Tôi chẳng có dính dáng gì tới vụ việc này.” Người đọc sau đó mới hiểu “vụ việc” ở đây chính là vụ sát hại một người được tác giả đặt tên là De Anderer (tiếng Đức có nghĩa là Kẻ Khác.)

Brodeck được các vị chức sắc trong một ngôi làng nằm trên biên giới Pháp-Đức thuê viết bản báo cáo về vụ sát hại dã man De Anderer để nộp cho chính quyền ở thủ đô. Ngay từ đầu khi nghe Brodeck tuyên bố rõ rằng “Tôi là Brodeck và chẳng có chút dính dáng gì tới vụ này. Tôi xin nhấn mạnh như vậy. Tôi muốn mọi người hiểu rõ như vậy” ta hiểu được rằng kết luận tiết lộ sự thật về cái chết của De Anderer sẽ có hậu quả nguy hại cho người viết báo cáo nhưng câu mở đầu truyện này cũng tạo nên sự hồi hôp, người đọc vì vậy càng tò mò muốn đọc tiếp những trang kế tiếp của quyển truyện để biết những chi tiết vụ thảm sát.

Thế nhưng, trong quyển Báo Cáo của Brodeck tác giả đã đưa ra hai câu chuyện: vụ sát hại De Anderer được kể rất sơ lược và truyện về cuộc đời Brodeck hóa ra lại là truyện chính. Về thời gian truyện, tuy tác giả không nói rõ nhưng người đọc hiểu được đó là vào khoảng những năm sau khi Thế giới Chiến tranh 2 chấm dứt. Về không gian, cảnh thổ tuy tác giả cũng mập mờ nhưng rõ ràng đó là vùng Alsace-Lorrain ở Pháp. Tất cả những nhân vật trong truyện đều không được nêu tên ngoại trừ Brodeck.

Tên nạn nhân De Anderer là một danh từ chung Đức. Rất nhiều người đọc cũng như người điểm sách đã hiểu lầm ý định của Phillipe Claudel khi viết quyển Báo Cáo của Brodeck, cho rằng ông muốn viết về thảm họa tiêu diệt người Do Thái Holocaust do Đức Quốc xã gây ra, tức là một quyển tiểu thuyết về Holocaust. Thật ra chủ ý của tác giả khi viết quyển này là để nói về sự chấn thương tâm thần của con người nói chung từ sau thảm họa này cho đến ngày nay cũng chưa chấm dứt vì Phillippe Claudel nhận thấy nhìn chung con người vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt việc hành hạ, làm khổ nhau.

Cùng lúc với việc viết bản báo cáo về vụ thảm sát De Anderer Brodeck cũng viết một tập hồi ký về đời mình nhưng dấu kín tập hồi ký này. Về vụ thảm sát De Anderer chúng ta được biết rất vắn tắt như sau: không lâu sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt, trong lúc hầu như toàn thể dân của một ngôi làng nọ nằm trên biên giới Pháp-Đức còn chưa ra khỏi sự kinh hoàng gây ra bởi sự mâu thuẫn giữa người dân trong làng với nhau, trong thời gian làng bị quân Đức Quốc xã chiếm đóng phần đông có thái độ ngã theo hay ủng hộ đội quân chiếm đóng và cậy thế kẻ thù hãm hại lẫn nhau.

Nay hòa bình đã trở lại và họ muốn quên đi, xóa bỏ những tội ác khá đông bọn họ đã phạm phải. Bỗng nhiên có một người khách lạ đến làng trú ngụ. Tác giả gọi tên người này là De Anderer. Anh ta là một kẻ phải nói là khá kỳ quặc, bí ẩn, khác thường từ cách ăn mặc tới ngôn ngữ. Ngày đầu De Anderer vào làng dắt theo một con lừa, một con ngựa lùn thấp lông màu nâu đỏ bờm đen, những chiếc giương chứa đồ to đùng và anh ta lại choàng một tấm áo thêu màu sặc sỡ.

Thế nhưng tuy De Anderer có thân hình cao lớn dềnh dang nhưng lại rất dễ mến, và có nụ cười kỳ cục. Dân làng không được anh tiết lộ gì nhiều về nhân thân, gốc gác. Họ chỉ biết anh ta là một họa sĩ. Trong thời gian ở làng anh đã vẽ chân dung một số dân làng. Nhưng điều bí ẩn của những bức chân dung De Anderer vẽ là: khi người được vẽ chân dung đứng trước bức chân dung mình thì chân tướng hắn lộ rõ trong bức tranh! Chính vì điều này mà những kẻ đã phạm tội ác trong làng thời quân Đức chiếm đóng đã bí mật âm mưu sát hại De Anderer.

Tác giả không cho người đọc biết trong bản báo cáo Brodeck có tìm ra thủ phạm không, và Phillipe Claudel mập mờ cho rằng nói cho cùng tất cả đều là thủ phạm và cũng không có ai là thủ phạm cả.

Trong khi viết bản báo cáo về vụ thảm sát De Anderer Brodeck cũng bí mật tường thuật cuộc đời bi thảm của mình. Mồ côi từ khi mới lên bốn ngay lúc cuốc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Brodeck được lão bà Fedoline nhặt được trên đường chạy loạn và sau nhiều tuần lễ lang thang trên đường hai bà cháu tới được khu làng biên giới lánh nạn và sau đó ở luôn trong làng này. Vì là một kẻ xa lạ, không được dân làng nhìn nhận và tin tưởng, lớn lên Brodeck chỉ được giao cho công việc sưu tầm ghi chép các loài thảo mộc quanh vùng.

Khi chiến tranh thứ nhì xảy ra dân làng tố cáo gốc gác mờ ám của Brodeck nên anh bị quân đội Đức quốc xã đem nhốt vào trai tập trung trong hơn 2 năm. Brodeck kể lại những ngày lao tù khủng khiếp, thấy mình như sống trong một cái hố sâu tối thẳm và cũng tận mắt sáng sáng chứng kiến cảnh tù nhân bị treo cổ và vùi xác thật dã man. Tên trưởng trại thi hành một hình thức giết người kỳ quặc: tù nhân bị lần lượt treo cổ, kẻ kế tiếp đã được chọn trước, quanh cổ phải đeo tấm bảng “Ich bin nichts” (có nghĩa: tôi không là gì cả) và buộc phải trèo lên đem xác tù nhân bị treo cổ trước xuống và đào hố chôn, sau đó lại phải tự mình leo lên cột treo cổ mình.

Brodeck tồn tại được trong thời gian ở tù vì anh luôn nuôi hy vọng trở về phụng dưỡng bà Fedoline và giúp đỡ Emilia vợ anh trong lúc chờ đến lượt mình bị treo cổ. Khi may mắn được ra khỏi trại tập trung vì phe quốc xã bị đánh bại, Brodeck trở về làng tiếp tục cuộc sống của một kẻ xa lạ. Anh kết hôn với Emilia vì trước đây khi học ở đại học bên Đức anh đã quen cô, nhưng trên hết cũng vì thương cảm tình cảnh vô cùng đau thương của nàng: Emilia bị lính Đức và bọn du đãng trong làng hãm hiếp nên có thai và sinh hạ một bé gái đặt tên là Poupchette. Brodeck hết sức thương yêu Poupchette tuy nó không phải con anh.

Khi chiến tranh chấm dứt phần lớn dân làng không mong Brodeck trở về nhất là hai tên Gobber và Orschwir là những kẻ trước đây làm đầy tớ lính Đức, thuộc nhóm “Huynh Đệ Giác Ngộ” đặt trụ sở ở căn phòng phía sau nhà trọ Schloss là nơi De Anderer trú ngụ trước đây.

Nhìn chung, Phillipe Claudel viết quyển Báo Cáo của Brodeck như một truyện ngụ ngôn với lối văn chịu ảnh hưởng của Franz Kafka và tư tưởng ảnh hưởng của triết gia Blaise Pascal để gửi tới mọi người nỗi khắc khoải: con người ngày nay tuy đã bị chấn thương về tâm thần do những biến động lịch sử gây ra như thế nhưng tại sao vẫn cứ muốn hành hạ làm khổ nhau?

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG