Đường dẫn truy cập

Hong Kong hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của TQ


Từ nhiều thập niên nay Hong Kong đã trở thành cửa ngõ của Trung Quốc. Trong những năm gần đây đặc khu này đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Hoa lục, và trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân khoản từ Trung Quốc đã giúp thành phố này vượt ra khỏi cơn bão tài chính. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ Hong Kong thông tín viên đài VOA Heda Bayron có bài tường trình về vai trò của thành phố này đối với Trung Quốc.

Tháng 9 này, ngân hàng HSBC, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, đã loan báo kế hoạch chuyển văn phòng tổng giám đốc của họ về Hong Kong. Tổng giám đốc của HSBC chuyển sang London vào năm 1993, tức là 4 năm trước khi phần đất là cựu thuộc địa Anh này được chuyển giao cho Trung Quốc.

Ông Stephen Green, chủ tịch ngân hàng, nói rằng việc trở lại này nhấn mạnh đến vị trí của Hong Kong trong một môi trường kinh doanh toàn cầu đang ngày càng thay đổi.

Ông Green nói: "Điều đang diễn ra trong nền kinh tế vĩ mô của thế giới là sự chuyển đổi trọng tâm từ Tây sang Đông. Vì vậy, đối với chúng tôi dường như một kết quả tất yếu của điều này là chúng tôi phải có ban quản trị ở trung tâm đó."

Trước đây, một số người trong cộng đồng doanh nghiệp e ngại rằng nền kinh tế của Hoa lục mở cửa sẽ làm lu mờ vai trò là cửa ngõ tới Trung Quốc của Hong Kong. Tuy nhiên các nhà điều hành cho rằng Hong Kong vẫn quan trọng đối với Trung Quốc.

Hong Kong là thị trường chứng khoán được các công ty Trung Quốc ưa chuộng để huy động vốn. Họ niêm yết cổ phiếu của công ty của mình lên sàn giao dịch này như một bước để đạt được sự công nhận rộng rãi hơn của quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài được tự do đầu tư ở các công ty của Trung Quốc ở Hong Kong, nơi thị trường được hỗ trợ bằng một hệ thống pháp lý lành mạnh.

Ông Robert Galpin lãnh đạo cơ quan Đầu tư Hong Kong, một cơ quan xúc tiến đầu tư của chính phủ.

Ông Galpin nói: Nếu ai đó muốn kinh doanh ở Trung Quốc hay với Trung Quốc thì Hong Kong được coi là một nơi ít rủi ro để tiếp cận các cơ hội đó.

Trong và sau cuộc nội chiến ở Trung Quốc vào thập niên 1940, Hong Kong trở thành nơi tị nạn của hàng chục ngàn người Trung Quốc chạy trốn khỏi cuộc xung đột cũng như khi Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949. Nhiều công ty đã khởi sự ngành công nghiệp xuất khẩu ở thành phố này.

Vào thập niên 1980, các nhà máy ở Hong Kong chuyển tới tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, và nguồn vốn từ Hong Kong đã giúp tài trợ cho quá trình phát triển trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu này của Hoa lục. Ngày nay nguồn vốn đầu tư đến từ cả hai phía.

Một số người trong cộng đồng doanh nghiệp ở đây cảnh báo rằng về lâu về dài Thượng Hải có thể sẽ chiếm vị trí của Hong Kong để trở thành trung tâm tài chính của Trung Quốc. Nhiều công ty nước ngoài đang thành lập các văn phòng ở Thượng Hải và chính quyền trung ương đang gia sức thúc đẩy để thành phố này trở thành một trung tâm tài chính mới.

Ông David O’Rear, một kinh tế gia tại Phòng Thương mại Hong Kong, nói rằng hệ thống luật pháp và sự tự do thông tin cuả Hong Kong sẽ tiếp tục là một thế mạnh của thành phố này.

Ông O’Rear nhận định: "Nếu Trung Quốc quyết định ưu tiên cho Thượng Hải họ sẽ cho phép thành phố này có những đặc điểm giống như Hong Kong. Vì vậy chúng ta sẽ phải bắt đầu với tự do thông tin, điều này sẽ trở nên nguy hiểm, nó sẽ trở nên không kiểm soát được, vì vậy quí vị phải có sự tự do thông tin trên toàn Trung Quốc. Rồi sẽ phải có pháp quyền. Nếu có một bộ qui chuẩn luật pháp và thể chế ở một nơi trong khi nơi khác thì lại không có rào cản hay một bộ tiêu chuẩn qui định khác, thì sẽ xảy ra hiện tượng lách luật. Để áp dụng điều này ở Thượng Hải có nghĩa là sẽ phải thay đổi toàn bộ Trung Quốc, và nếu điều đó xảy ra thì Hong Kong sẽ không gặp khó khăn mà chúng tôi sẽ có một thời đại tuyệt vời nếu Trung Quốc trong 30 năm nữa sẽ tiến xa như họ đã phát triển trong 30 năm qua”.

Bất chấp những mối lo lắng về tương lai, Hong Kong vẫn tiếp tục được các nhà điều hành doanh nghiệp quốc tế cho điểm cao nhất. Trong một cuộc khảo sát gần đây do một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ là Quĩ Heritage thực hiện, Hong Kong được xếp hạng là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới – Hong Kong duy trì vị trí này liên tục trong suốt 15 năm qua. Trong khi đó thì Trung Quốc đứng thứ 132.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG