Đường dẫn truy cập

Công nhân Bắc Hàn xuất khẩu sang Nga mang đôla về cho Bình Nhưỡng


Với việc cộng đồng quốc tế thắt chặt chế tài kinh tế đối với Bắc Hàn vì coi là họ là nước có những hoạt động liên qua đến vũ khí hạt nhân, hơn bao giờ hết Bình Nhưỡng hăng hái muốn kiếm về thêm tiền mặt cho họ. Một trong những chọn lựa ít ỏi mà chế độ Bắc hàn có được để kiếm đôla là dựa trên lao động xuất khẩu của họ. Thông tín viên của VOA Young Ran-jeon thuộc ban Triều Tiên mới đây đã thăm viếng hải khẩu Vladivostok của Nga và gửi về bài tường trình sau đây. Trong bản tường trình phái viên đã dùng tên giả để bảo vệ an ninh các công nhân được phỏng vấn.

Tại Vladivostok, thành phố cảng lớn nhất bên bờ Thái Bình Dương của Nga, nhiều người đàn ông châu Á nhỏ nhắn đang lăng xăng bên cạnh một tòa nhà đang xây dở dang, họ cố gắng khiêng những thanh kim loại lớn. Đó chính là những công nhân Bắc Hàn được chính quyền phái đi kiếm ngoại tệ mà nước này đang rất cần.

Ông Kim Dong Gil đến từ Hamhung thành phố lớn thứ nhì tại BắcTriều Tiên. Ông khoe rằng công nhân Bắc Bắc Triều Tiên giỏi nhất trong thị trường xây dựng Nga, là nơi còn có nhiều công nhân khác đến từ Trung Á và Việt Nam.

Khoảng 5 ngàn công nhân Bắc Hàn tại Vladivostok gồm rất nhiều thành phần và có cả bác sĩ. Ông Kim Soon Nam phục vụ trong quân đội tại quê nhà. Ông nói: “Trước kia tôi không hề có tay nghề trong ngành xây dựng vì tôi ở trong quân đội. Khi đến đây tôi mới học. Tôi được một người rất trẻ chỉ dẫn, nhưng hắn ta luôn miệngnhắm vào tôi mà chửi thề.”

Mặc dù đời sống căng thẳng do phải làm việc tại nước ngoài, công nhân Bắc Triều Tiên đã bắt đầu ưa chuộng văn hóa tư bản. Han Jong Rok giải thích rằng tại quê nhà ông chẳng thể nào kiếm ra tiền dù có muốn. Nhưng tại đây nếu chịu khó làm việc cực nhọc là ông có thể kiếm được hơn cả chục lần tại nhà.

Ông Choi Jong-kun, phụ giảng khoa chính trị học tại Trường Đại Học Yonsei tại Seoul, nói rằng tiền bạc chỉ là một trong những lý do thúc đẩy các công nhân ra nước ngoài làm việc. Lý do khác là họ muốn cải thiện tư thế trong nhóm được ưu đãi trong xã hội.

Ông nhận định: “Nếu đem thêm tiền về, địa vị của họ trong giai tầng xã hội Bắc Triều Tiên sẽ tăng lên, hiểu theo một nghĩa nào đó.”

Cộng sản Bắc Triều Tiên là một trong những nền kinh tế cô lập và do trung ương kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới. Sau khi nước này chịu một nạn đói làm nhiều người chết vào giữa thập niên 1990, chính phủ đã cho phép các nông gia được buôn bán riêng trong ít năm. Nhưng đến năm 2005 thì họ lại thắt chặt chính sách.

Bình Nhưỡng được tiếng là đổ tiền vào những chương trình vũ khí thay vì vào các dịch vụ công ích. Và họ còn loại trừ nhiều cơ quan phát triển quốc tế, chỉ cho phép viện trợ lương thực hạn chế chủ yếu là từ Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Nhờ đó dân chúng cũng không bị chết đói, nhưng họ vẫn phải vật lộn với nạn suy dinh dưỡng và tình trạng y tế tồi tàn.

Bình Nhưỡng cũng kiếm được ngoại tệ từ các công ty Nam Triều Tiên sử dụng công nhân Bắc Triều Tiên tại Khu công nghiệp Kaesong. Tuy nhiên, mở cửa cho giao thương qua biên giới cũng có nghĩa là cởi mở về chính trị, là điều họ không muốn. Giáo sư Choi cho rằng đối với Bắc Triều Tiên gửi công nhân ra nước ngoài dễ hơn là phải đối phó với ảnh hưởng của việc tự do hóa kinh tế.

Ông Choi nói: “Họ không chỉ phải lo về thịnh vượng kinh tế mà còn phải lo đến điều được gọi là an ninh khu vực, xem những ảnh hưởng đó bao hàm những gì đối với an ninh khu vực.”

Bắc Triều Tiên không tiết lộ những số liệu kinh tế nào đáng kể, nhưng xuất khẩu lao động được coi là nguồn chính để họ kiếm ngoại tệ.

Một phúc trình của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Triều tiên tại Hán thành vào năm 2007 ước tính rằng Bình Nhưỡng kiếm được ít nhất 40 tới 60 triệu đôla mỗi năm nhờ xuất khẩu lao động. Ngoài nước Nga, viện này cũng đã tìm hiểu công nhân Bắc Triều Tiên tại Kuwait , các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất , Qatar, Bangladesh, Trung Quốc và Mông Cổ.

Tại Vladivostok, mỗi công nhân Bắc Triều Tiên đều bị buộc phải đóng cho chính phủ Bình Nhưỡng khoảng 800 đôla mỗi tháng.

Ông Kim Soon Nam nói rằng ông phải làm thêm nhiều giờ để có thể kiếm thêm tiền riêng cho mình: “Nếu muốn để dành chút tiền, chúng tôi phải làm thêm chủ Nhật và ngày lễ nữa . Dù thế nào chúng tôi cũng phải kiếm thêm thật nhiều tiền. Người Bắc Triều Tiên phải làm việc từ 8 giờ sáng tới 10 giờ đêm.”

Công nhân Bắc Triều Tiên tại Vladivostok thường được cấp visa 5 năm, nhưng nhiều người được triển hạn để kiếm thêm tiền. Họ ngủ trong những nhà ngủ công cộng và sống chỉ để lao động, dùng thời gian của họ bên ngoài công trường xây dựng để làm thêm việc phụ trội cho các gia đình người Nga.

Kim Chul Woong là một thợ hàn. Ông nói ông muốn hy sinh thời gian xum họp với gia đình để có thể cho con trai ông những cơ hội mà ít người Bắc Triều Tiên có được, chẳng hạn như một cái máy vi tính.

Ông Wong cho hay: “Những hình ảnh trên máy vi tính có thể giúp phát triển trí tuệ cho trẻ nhỏ, nhưng ở quê nhà tôi làm gì có thứ tiền đó. Sau khi làm việc ở Nga về tôi sẽ có khá nhiều tiền. Tôi có thể mua những món đắt tiền cho con trai tôi. Nếu nó muốn học nhạc tôi có thể mua cho nó một cây vĩ cầm hoặc một cây guitar.”

Ông nói thêm rằng ông phải lợi dụng làm việc trong lúc còn kiếm ra việc. Kim Chul-Woong cho biết công việc xây cất đang ít dần đi tại Nga vì cơn khủng hoảng kinh tế. Ông Woong nói thêm, tình trạng cạnh tranh lớn hơn cũng đang xảy ra với những công nhân mới từ Trung Á đến, những người cũng khát đôla chẳng kém gì ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG