Đường dẫn truy cập

Chính phủ lưu vong Miến Điện hoan nghênh kế hoạch của Mỹ


Chính phủ lưu vong Miến Điện đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của Washington muốn nói chuyện trực tiếp với giới lãnh đạo quân sự cai trị Miến Điện. Tuy nhiên theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf từ Bangkok, người Miến Điện sống lưu vong và giới hoạt động cho rằng một cuộc đối thoại chỉ có hiệu quả với điều kiện Washington duy trì lập trường mạnh mẽ và tiếp tục đòi hỏi phải có cải cách dân chủ.

Chính phủ lưu vong Miến Điện, tên chính thức là Chính quyền Liên Minh Quốc Gia của Liên Hiệp Miến Điện, tuyên bố hoan nghênh các kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm thảo luận trực tiếp với chính quyền Miến Điện.

Ông Zin Linn, người phát ngôn của nhóm này, hôm thứ Năm nói rằng nhóm của ông luôn luôn khuyến khích đối thoại với giới lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Tuy nhiên ông nói thêm rằng dù là Washington, Liên Hiệp Châu Âu hay các Quốc Gia Đông Nam Á, các nước khác nên mời gọi cùng lúc sự tham gia của các đảng đối lập với chính quyền Miến Điện.

Ông Linn nói: "Chúng tôi hoan nghênh bất cứ ai từ cộng đồng quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, và ngay cả ASEAN - Chúng tôi hoan nghênh việc các nhóm này đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi giữa phe đối lập với tập đoàn quân sự cầm quyền. Làm như thế, theo chúng tôi, có thể mang lại nhiều kết quả hơn.”

Hôm thứ Tư, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói tại Liên Hiệp Quốc rằng Washington có thể chấm dứt chính sách giao tiếp hạn chế với Miến Điện.

Bà Hillary Clinton nói các giới chức Mỹ sẽ khởi sự mở các cuộc họp trực tiếp với giới lãnh đạo quân sự Miến Điện để đẩy mạnh dân chủ, bởi vì các biện pháp trừng phạt không mà thôi, đã tỏ ra không có hiệu quả.

Bà Debbie Stothard làm việc cho nhóm bênh vực nhân quyền tại Thái Lan có tên là Mạng Lưới Thay Thế ASEAN về vấn đề Miến Điện. Bà nói việc Hoa Kỳ tiếp xúc với chính quyền quân sự Miến Điện, vẫn tự xưng là Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển, có thể là một diễn biến tích cực, nhưng chỉ với điều kiện Washington phải tiếp tục giữ lập trường cứng rắn để đòi Miến Điện phải thay đổi.

Bà Stothard nói: "Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ không đi theo con đường mà ASEAN đã đi trước đây. ASEAN đã chọn con đường mời gọi sự tham gia của Miến Điện mà không đặt ra điều kiện nào. Chính sách này cuối cùng đã làm mất uy tín của ASEAN, và trên thực tế đã dẫn đến chỗ tình hình Miến Điện càng xấu đi hơn. Phải làm thế nào khẳng định một cách liên tục và rõ rệt thông điệp rằng mời gọi sự tham gia không có nghĩa là mặc nhiên hậu thuẫn cho các tội ác đối với nhân loại mà Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển Miến Điện đã thực hiện, hoặc hành động của họ tiếp tục vi phạm nhân quyền."

Quân đội Miến Điện đã cai trị nước này từ thập niên 1960, và có thái độ không nhân nhượng đối với những người bất đồng chính kiến.

Chính quyền quân sự đã cho phép tổ chức các cuộc bầu cử năm 1990, nhưng khi kết quả giao phần thắng về tay Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân Chủ Miến Điện, thì giới lãnh đạo quân sự Miến Điện đã làm ngơ kết quả này. Phần lớn thời gian từ lúc đó cho tới nay, họ đã giam giữ hoặc quản chế thủ lãnh của Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân Chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đang áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế để trừng phạt Miến Điện về vụ đàn áp dân chủ và giam giữ bà Aung San Suu Kyi cùng với hơn 2000 tù nhân chính trị khác.

Ngoại Trưởng Clinton nói rằng trong khi Hoa Kỳ sẽ nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Miến Điện, các biện pháp cấm vận sẽ được duy trì cho tới khi Miến Điện cho thấy là có tiến bộ cụ thể hướng tới cải cách.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG