Trong mục Điểm Sách do Ðào Trung Ðạo phụ trách kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu quyển tiểu sử nhà văn Clarice Lispector Why This World/Sao Lại Là Trần Gian Này của Benjamin Moser.
Với những ai quen thuộc với văn chương xứ Brazil thì Clarice Lispector là một tên tuổi lừng lẫy hàng đầu, là “công chúa của ngôn ngữ Bồ Đào Nha,” chân dung bà được in trên tem bưu chính, tên bà được đặt cho những lâu đài hoành tráng, tiểu thuyết của bà được biên soạn thành kịch bản. Thế nhưng ở những xứ dùng Anh ngữ tuy tác phẩm của bà đã được dịch khá nhiều nhưng Clarice Lispector hầu như chưa được đánh giá đúng mức.
Ở Pháp bà được biết tới nhiều qua những bài phê bình và luận văn của Hélène Cixous xuất hiện từ những năm 80s. Với thế giá của nhà văn nữ Hélène Cixous trong giới văn học Pháp đương đại, Clarice Lispector được nhìn nhận xứng tầm trong lịch sử văn học thế kỷ 20. Thế nhưng kể cả đối với những người đã đọc và yêu mến nhà văn nữ này, Clarice Lispector không những vẫn là một khuôn mặt, một thiên tài văn chương bí ẩn cả trong tác phẩm lẫn ngoài đời sống.
Ngay cái tên Clarice Lispector của bà cũng là một cái tên bất thường, lạ tai, nghe có vẻ là tên của đàn ông chứ không phải tên một phụ nữ. Cũng có nhiều người tưởng đó là một cái tên giả hay tên của một điệp viên. Về nhan sắc, Clarice Lispector là một phụ nữ có sắc đẹp liêu trai, cặp mắt xanh lá mạ, gò má cao khiến người đời ví bà như một con sói cái hay một con báo. Gregory Rabassa – dịch giả uy tín đầu tiên chuyển ngữ tác phẩm của Clarice Lispector sang Anh văn đã mô tả bà “trông giống như nữ tài tử Marlene Dietrich và viết văn tương tự như Virginia Woolf.”
Clarice Lispector sinh năm 1920 ở Chechelnik, thuộc Ukraine với tên trên khai sinh là Chaya Lispector. Cha bà là một giáo sư Toán học nổi danh, gia đình gốc gác Do Thái. Vào những năm thuộc thập niên 20s và 30s dưới thời Nga hoàng xảy ra những cuộc tàn sát người Do Thái và đói kém ở Đông Âu nên gia đình bà phải tìm đường trốn chạy sang Brazil khi Chaya Lispector mới 6 tuổi.
Khi mẹ bà tuy đã có hai con nhưng trong một cuộc truy lùng người Do Thái bà đã bị lính Nga cưỡng hiếp và bị lây bệnh giang mai. Thời đó người đời tin rằng phụ nữ bị cưỡng hiếp và bị lây bệnh giang mai muốn hồi phục phải sinh con mới thóa căn bệnh hiểm nghèo này nên việc Chaya Lispector chào đời được coi như để hồi sinh người mẹ khốn khổ. Cha mẹ đặt tên đứa con gái út Chaya có nghĩa là “đời sống” hàm ý đứa con đem lại đời sống cho người mẹ.
Khi sang tới Brazil cả nhà đã đổi tên: cha bà trước tên là Pinkhas nay đổi là Pedro, mẹ bà trước tên là Mania nay đổi thành Marieta, và cô bé Chaya nay đổi là Clarice. Cuộc sống của ngườ di cư tỵ nạn thời bấy giờ vô cùng nghèo khổ nên cha bà một giáo sư Toán phải đi bán quần áo rong ngoài phố kiếm sống nuôi gia đình. Năm 1930 mẹ bà từ trần vì không qua khỏi chứng bệnh hiểm nghèo. Cái chết của mẹ khắc sâu trong tâm tưởng suốt đời Clarice Lispector. Bà viết: “Ngay từ khi chào đời tôi đã cảm thấy tội lỗi…” Thời thơ ấu Clatrice Lispector thường mơ mộng có những biến cố kỳ diệu cứu mạng mẹ.
Khi là một nhà văn Clarice Lispector trong hầu hết các tác phẩm bà nhiều lần viết về chủ đề những biến cố diệu kỳ cứu mạng. Ba biến cố quan trọng liên tục xảy đến trong đời: từ việc đang có tên là Chaya nay đổi sang là Clarice, đang có mẹ nay trở thành mồ côi, đang là người Ukraine nay trở thành có quốc tịch Brazil, những biến cố này tạo nên niềm khắc khoải khôn nguôi dằn vặt tâm tư Clarice Lispector đến mức bà phải than thở: “Trong nhiều năm trước đây tôi đã đánh mất tôi đến nỗi tôi ngần ngại khi thử tìm lại bản thân lần nữa, những biến cố đó đã cho tôi một cái tên và làm tôi đánh mất bản thân mình.”
Gia đình chuyển về sống ở Rio de Janeiro khi Clarice Lispector vào độ tuổi thiếu nữ. Khi còn học ở đại học Luật Clarice Lispector đã có truyện Kề Bên Trái Tim Hoang Dại xuất bản năm 1943. Tác phẩm này được coi là tiền phong trên văn đàn xứ Brazil, với lối viết mới mẻ kiểu độc thoai nội tâm và có ngôn ngữ khác hẳn với những tác giả người Brazil cùng thời nên được đón nhận nồng nhiệt. Clarice Lispector giải thích lối viết cách tân này như sau: “Điều gì không thể diễn tả được chỉ đến với tôi qua sự sụp đổ của ngôn ngữ.” Nhưng độc giả cũng như giới văn nghệ cho rằng tác giả là một kẻ ẩn danh, một giai nhân và nghe đâu cũng là một nhân vật trong giới ngoại giao sống ở Âu Châu vì Clarice Lispector không chịu xuất hiện trước quần chúng.
Trong văn chương của Clarice Lispector một chủ đề nổi bật là “sự thuộc về” như bà viết: ”Tôi chắc chắn rằng từ khi còn ở trong nôi niềm ao ước của tôi là được thuộc về… Bởi những lý do chẳng quan trọng gì ở đây, tuy thế tôi vẫn cứ phải cảm thấy tôi chẳng thuộc về cái gì hay thuộc về ai cả.” Tuy nhận mình là người Brazil nhưng cái gốc gác Do Thái, cái bản ngã bị vụn nát vì từ thơ ấu bị săn đuổi trốn chạy cũng như cuộc sống lưu đầy nhưng đó chỉ là một sự chẳng đặng đừng. Hầu như suốt đời Clarice Lispector đã sống như một kẻ ngoại cuộc, không thuộc về một nơi chốn nào.
Năm 1944 Clarice Lispector lập gia đình với Maury Gurgel Valente, một nhà ngoại giao Brazil trẻ tuổi và cùng với gia đình qua sống ở Âu Châu và Mỹ cho mãi tới năm 1959 mới cùng với 2 người con trai trở lại sống ở Rio de Janeiro sau khi ly dị. Phải sống xa Brazil với bà là một cực hình, trong những bức thư Clarice Lispector không ngừng than thở về những xứ lạ như Thụy Sĩ, Mỹ… mà bà bị buộc phải sống ở đó.
Giai đoạn từ 1959 đến năm 1977 là năm bà từ trần là giai đoạn Clarice Lispector viết những tác phẩm quan trọng nhất như các quyển Liên Hệ Gia Đình và Niềm Đam Mê Theo G.H. Có một lối sống nghịch thường từ trang phục tới hành xử, Clarice Lispector được coi như một “hiện tượng” trong văn giới. Năm 1966 bà bị phỏng nặng vì là người hút thuốc lá liên tục và bất cẩn gây nên hỏa hoạn trong phòng bà khiến cánh tay phải gần như bị tê liệt. Bà thường trực sống trong đau đớn mười năm cuối đời trước khi từ trần quá trẻ vào năm 1977.
Từ sau khi từ trần mặc dù tác phẩm của Clarice Lispector được coi là khó đọc nhưng danh tiếng của bà càng ngày càng tăng. Đã có khá nhiều sách viết về văn chương Clarice Lispector cũng như những cuốn tiểu sử bà bằng tiếng Bồ Đào Nha nhưng có lẽ quyển tiểu sử bằng tiếng Anh Sao Lại Là Trần Gian Này của Benjamin Moser được coi là một công trình nghiên cứu khá đầy đủ đặc sắc nhất từ trước đến nay về nhà văn nữ thiên tài này.
Về mặt học thuật Benjamin Moser sử dụng khá nhiều những tư liệu còn lưu giữ được có nguồn gốc đáng tin cậy vừa từ thân nhân và những nhà văn nhà báo đã từng quen biết Clarice Lispector vừa từ những văn khố ở Brazil, ở Âu Châu, và ở Mỹ cũng như đã tham khảo khá tường tận các sách viết về bà. Song song với những tư liệu tác giả đã qui chiếu với những tác phẩm của Clarice Lispector để khai giải những vấn đề văn chương tác phẩm bà đặt ra.
Nhưng chủ yếu Benjamin Moser muốn chứng minh “tính chất Do Thái” trong cả cuộc đời lẫn trong văn chương Clarice Lispector là nét chính, phủ lấp “tính chất Brazil.” Ngay khi còn sinh thời Clarice Lispector thường bị các nhà phê bình cho rằng ngôn ngữ văn chương của bà gần với những tác giả Anh Mỹ hơn những nhà văn Brazil.
Thi sĩ Lêdo Ivo đã từng đưa ra nhận xét :”Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có được một giải thích gần với sự thật và được mọi người chấp nhận về ngôn ngữ và phong cách của Clarice Lispector… Cái thứ tản văn nằm trên bờ ngăn cách vùng miền của những di dân và dân du cư chẳng có liên hệ gì với những nhà văn nổi danh trước đây… Bạn có thể nói rằng bà ấy, một kẻ được nhận quốc tịch Brazil, bà ta đã cho ngôn ngữ một quốc tịch.”
Ngoài ra người viết tiểu sử Clarice Lispector cũng còn phải chấp nhận một thử thách lớn lao khác: đó là chính bản thân Clarice Lispector thường trực đi lại giữa hai vùng nhiều khi phủ đầy bóng tối nhưng cũng không ít dịp chói chang ánh sáng: vùng riêng tư bí ẩn và vùng công khai lóng lánh. Nhưng người đọc quyển Sao Lại Trần Gian Này của Benjamin Moser có thể chấp nhận kết luận của tác giả rằng quyển tiểu thuyết Nỗi Đam Mê theo G.H. của Clarice Lispector là “một trong những quyển tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ 20.”
Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1