Đường dẫn truy cập

Viện IDS tự giải thể để phản đối quyết định cấm phản biện


Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), think tank độc lập đầu tiên của Việt Nam do các học giả có uy tín thành lập, đã quyết định tự giải thể như một phản ứng đối với một quyết định mới của chính phủ Việt Nam, hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động của các tổ chức khoa học và kỹ thuật.

Các hãng thông tấn AP, AFP và DPA tường thuật quyết định của Viện Nghiên cứu Phát triển được loan báo hôm thứ Hai trên trang web của họ, sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 97/2009/QD-TTg giới hạn các lĩnh vực nghiên cứu, và cấm các tổ chức khoa học và công nghệ công bố công khai ý kiến phản biện.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay, thứ Ba.

Quyết định 97 của Thủ Tướng Việt Nam giới hạn các cuộc nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong phạm vi các đề tài được chấp thuận ghi trên một danh mục do chính phủ ban hành, đồng thời cấm các tổ chức khoa học công bố kết quả nghiên cứu về các chính sách của Đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nói rằng những hạn chế do chính phủ Việt Nam áp đặt, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động của Viện.

Trên trang web của mình, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nêu lên những điều mà tổ chức này nói là những sai phạm của quyết định 97 như sau: “Một là Điều 2 của Quyết định 97, (giới hạn các lĩnh vực nghiên cứu) Không phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống, Hai là: Việc cấm p hản biện công khai là phản khoa học, phản tiến bố, phản dân chủ,
Ba là:Quyết định 97 có nhiều điểm trái với đường lối của Đảng và vi phạm pháp luật của Nhà nước".

Viện Cứu Phát triển IDS kết luận rằng nếu được thực hiện, Quyết định 97 sẽ làm cho tình trạng thiếu công khai minh bạch càng thêm nặng nề, và như vậy sẽ rất nguy hại cho việc xây dựng và thực thi pháp luật, làm trầm trọng hơn tình trạng tụt hậu hiện nay của đất nước.

Hãng Thông Tấn AP nói rằng các giới chức văn phòng Thủ Tướng không đưa ra bình luận nào hôm thứ Ba.

Các thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS gồm những nhân vật có tên tuổi như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Giáo sư Hoàng Tụy, các vị Giáo sư Chu Hào, Tương Lai, Phan Đình Diệu, nhà văn Nguyên Ngọc, sử gia Phan Huy Lê cùng nhiều nhà khoa học tên tuổi khác.

Nhiều người từng phục vụ trong chính quyền và là thành viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nguồn: AP, DPA, IDS

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG