Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq Christopher Hill nói rằng Hoa Kỳ vẫn đi đúng hướng tiến tới việc triệt thoái toàn bộ lực lượng tác chiến ra khỏi Iraq trước tháng 8 năm tới. Theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Dan Robinson từ trụ sở Quốc Hội Mỹ, nơi các nhà lập pháp trong Ủy ban Đối Ngoại của cả Hạ lẫn Thượng Viện, đã chất vấn ông Hill về thời biểu và tình hình bạo động leo thang tại Iraq.
Ra trước ủy ban Hạ viện, Ðại sứ Hill nói rằng những vụ đánh bom ở Iraq là một nỗ lực nhằm gây tai hại cho nhân dân Iraq vào lúc lực lượng Hoa Kỳ đang từng bước rút ra khỏi Iraq theo một thời biểu do Tổng thống Obama ấn định.
Ông Hill nói: “Tình hình bạo động tiêu biểu cho một nỗ lực phá hoại nhà chức trách Iraq, gây thiệt hại cho họ vào lúc mà ai nấy đều biết là lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu triệt thoái. Tôi cho rằng điều quan trọng là giới hữu trách Iraq và nhân dân Iraq hiểu được rằng họ không thể để cho các phần tử nổi dậy tự tung tự tác.”
Tổng thống Obama đã ra lệnh cho tất cả lực lượng tác chiến của Hoa Kỳ rời khỏi Iraq trước tháng 8 năm tới. Và tất cả lực lượng Hoa Kỳ, kể cả binh sĩ yểm trợ, sẽ phải triệt thoái trước cuối năm 2011 theo một thỏa thuận khác đã đạt được giữa chính phủ Iraq và chính quyền của tổng thống Bush.
Nhưng các nhà lập pháp cũng như các cấp chỉ huy Mỹ lấy làm quan ngại về tình hình bạo động ở Iraq, nhất là về khả năng căng thẳng giữa người Ả Rập và người Kurd có thể bùng ra khiến bạo động lan tràn.
Dân biểu Howard Berman là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ.
Ông Berman nói: “Triển vọng sẽ ra sao nếu xảy ra một vụ bùng nổ nghiêm trọng trong tình trạng thù nghịch giữa người Ả Rập và người Kurd? Căng thẳng giữa người Kurd và người Ả Rập là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của Iraq.”
Đại sứ Hill cho biết tư lệnh Hoa Kỳ ở Iraq, Tướng Ray Odierno đang bàn luận với chính phủ ở Baghdad và chính quyền khu vực của người Kurd về các biện pháp duy trì ổn định ở miền bắc, trong đó có một đề nghị thiết lập một hệ thống tuần tra hỗn hợp có sự tham gia của binh sĩ chính phủ Iraq, lực lượng của người Kurd và binh sĩ Hoa Kỳ.
Ông Hill nói Iran tiếp tục có một 'quan hệ rất xấu xa' với Iraq, kể cả việc can thiệp vào nội bộ chính sự Iraq và cung cấp vũ khí cho các phần tử nổi dậy.
Ông Hill nói tiếp: “Không còn nghi ngờ gì về việc Iran và Iraq nên có một mối bang giao lâu dài, dù sao họ cũng là láng giềng với nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng Iran cần phải có hành động tốt hơn trong việc tôn trọng chủ quyền của Iraq và họ nên bắt đầu bằng cách ngưng cung cấp vũ khí cho các nhóm quá khích khác nhau ở Iraq.”
Đại sứ Hill lập lại lời điều trần của ông trước Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện và nói rằng người Iraq đã kiên định chống lại các nỗ lực của phe nổi dậy muốn đảo ngược tiến bộ.
Chủ tịch Ủy ban này, Thượng nghị sĩ John Kerry của đảng Dân chủ, nói rằng tiến bộ đáng kể đã đạt được kể từ cao điểm bạo động năm 2006 và 2007, với số thương vong về phía Hoa Kỳ ít hơn, sự suy yếu của al-Qaida và một sự giảm thiểu rõ ràng trong căng thẳng phe phái.
Nhưng ông Kerry và một đảng viên Cộng hòa hàng đầu là ông Richard Lugar nêu lên những quan ngại về bạo động và các nỗ lực hướng tới sự hòa giải chính trị.
Ông Kerry cho rằng hãy còn quá sớm để biết được liệu sự gia tăng bạo động kể từ khi lực lượng Hoa Kỳ rút ra khỏi các thành thị của Iraq hồi tháng 6 có phải là một chiều hướng liên tục hay không. Theo ông, cho dù đó chỉ là hiện tượng nhất thời hay chiều hướng kéo dài thì tình hình bạo động hồi gần đây cũng đáng lo ngại.
Ông Lugar thì nói sự điều chỉnh về chính trị mà Hoa Kỳ mưu tìm đã không diễn ra bất kể không gian chính trị do tình hình nổi dậy và các yếu tố khác tạo ra. Chính phủ trung ương vẫn yếu và các chia rẽ phe phái vẫn còn. Dường như ảnh hưởng và sự kiềm chế vẫn đạt được qua các đường lối quen thuộc, cho dù chính phủ cố gắng giải quyết một cách lúng túng các công việc thường ngày.
Đại sứ Hill cũng đáp lại những lời than phiền của một số dân biểu Hạ viện nói rằng họ không nghe thấy những lời lẽ bầy tỏ sự biết ơn của các giới chức và các nhà lãnh đạo Iraq về những hy sinh và quân đội Mỹ đã thực hiện ở Iraq.
Ông Hill nói hàng ngày ông được nghe từ phía người dân cũng như giới lãnh đạo Iraq những lời bầy tỏ sự biết ơn về những hy sinh đó, mà tính đến tuần này đã thể hiện qua 4,300 cái chết và khoảng 30,000 người bị thương.
Đọc nhiều nhất
1