Đường dẫn truy cập

Hoàng Cầm (2)


Thật cũng khó biết được tại sao trong suốt khoảng thời gian đó tôi đã không bị chận bắt để điều tra xem ai là người đã cho phép tôi làm những việc mà tôi đã làm. Ngược đời hơn với các nước khác, ở Việt Nam luật phải cho phép bạn làm thì bạn mới được làm. Còn nếu như luật chưa nói đến thì coi như không ai có quyền thực hiện điều gì kể cả những điều cơ bản nhất.

Mà nhiều khi luật có nói rõ là cho phép bạn làm thì bạn cũng chẳng được làm. Vì có một bộ luật khác cấm bạn làm điều đó. Hoặc một ông lớn nào đó đơn giản không thích bạn làm vậy. Thế là bạn cũng đành bó tay.

Nói là lúc ấy tôi không bị công an bắt giữ để điều tra không có nghĩa là tôi chưa bao giờ bị công an Việt Nam trù dập. Hoặc tệ hơn là trục xuất ra khỏi nước cấm không bao giờ được quay đầu lại. Nhưng đấy lại là một chuyện khác mà sau này nếu có dịp tôi sẽ kể. Cũng rất thú vị đấy.

Nhưng mà thôi, hôm nay tôi muốn viết về nhà thơ Hoàng Cầm chứ không phải là viết về chuyện riêng tư của tôi. Thật ra lần ấy về Việt Nam tôi cũng không biết là mình sẽ có dịp gặp được ông, người mà tôi đã biết đến tên tuổi từ những lúc còn học trung học ở Úc qua các bài báo nói về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.

Dĩ nhiên đối với tôi ở vào độ tuổi đó cái tên Hoàng Cầm vẫn còn khá xa lạ vì cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa bao giờ có dịp đọc thơ ông như các nhà thơ khác. Hình ảnh của ông mà tôi tự mường tượng ra lúc ấy là hình ảnh của một nhà trí thức phản kháng có nhiều can đảm muốn tranh đấu để được tự do sáng tác hơn là hình ảnh của một nhà thơ tình mới 12, 13 tuổi đầu đã biết đem lòng yêu người chị hàng xóm để sau này nhớ lại và sáng tác ra bài thơ bất hủ với tựa đề ‘Lá Diêu Bông’:

Váy Đình Bảng, buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều, Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ này ta gọi là chồng



Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên tôi nghe được bài hát này của nhạc sĩ Trần Tiến. Đêm ấy trăng sáng lắm. Không mây, không gió nhưng khá lạnh vì Noel đã sắp đến. Ngồi quây quần trên sân xi măng giữa trại cấm Nei Kwu Chau ở Hồng Kông cùng với các anh chị em trong trại, tôi ngồi nghe một em trai lúc ấy chắc chỉ khoảng 16, 17 tuổi tự đàn hát để tặng tôi là người ở bên ngoài vào mà lòng chợt vô cớ buồn rười rượi:

Lời ru buồn nghe mêng mang mêng mang
Sau lũy tre làng khiến lòng tôi xôn xao
Ngày lấy chồng em đi qua con đê
Con đê mòn lối cõ về
Có chú bướm vàng bay theo em



Ngồi trên đồi trống với bốn bên là hàng rào kẽm gai cao vời vợi và bao quanh từ xa là những ngọn sóng lấp lánh ánh bạc của một đêm trăng tròn, tôi nghĩ ai có mặt trong đêm hôm ấy cũng có cảm giác giống tôi. Xa gia đình bạn bè thân thiết lại gặp cảnh ngục tù nơi xa xôi lạnh lẽo, nghe những lời em hát mà tưởng chừng như đó là lời ru cho chính mình:

Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì
Để lời ru thêm buồn



Em hát xong nhưng chẳng thấy ai vỗ tay khen hay. Tất cả đều lặng theo cảm xúc của riêng mình. Tôi có hỏi em biết tác giả của lời bài hát này là ai không em bảo em không biết.

Mãi sau này tôi mới biết bài hát này là của Trần Tiến. Và lời được phổ từ bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. (Còn tiếp)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG