Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24 tháng 7 vừa qua đã gây ra nhiều tranh luận trong công chúng. Đây là quyết định về việc ban hành danh mục các lĩnh vực mà cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Quyết định này chỉ gồm có 2 trang (không kể phụ lục).
Theo VietnamNet đưa tin, nhiều người cho rằng các lĩnh vực được phép đăng ký còn quá hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các tổ chức KHCN do cá nhân thành lập.
Ðiểm bị nhiều người chỉ trích nhất là quy định trong Điều 2 về trách nhiệm của cá nhân. Khoản 2 của Điều 2 quy định “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ"
Hai tờ báo này không thấy nói đến một nội dung khác quan trọng của Điều 2. Đó là quy định cá nhân thành lập tổ chức KHCN phải “chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của tổ chức do mình thành lập”. Nếu như tôi hiểu đúng văn tự này thì quyết định 97/2009/QĐ-TTg yêu cầu người đứng ra thành lập tổ chức nghiên cứu phải chịu trách nhiệm cá nhân và toàn diện về mọi mặt hoạt động của tổ chức. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để nhà nước truy cứu trách nhiệm đối với những người thành lập các think tanks tư nhân (Luật KHCN năm 2000 không có quy định nào về các trách nhiệm này). Điểm này chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng rủi ro pháp lý cho những người có ý tưởng thành lập think tanks ở Việt Nam.
Lý do có những ràng buộc mới đối với cá nhân thành lập tổ chức KHCN được tờ VietnamNet dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Quân giải thích là vì “trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng.”
Không rõ TS. Quân có giải thích đúng ý định của Thủ tướng khi ký quyết định này hay không. Nếu giải thích của TS. Quân là hợp với ý của Thủ tướng, thì có thể thấy về ngắn hạn nó có lợi cho nhà nước ở chỗ làm giảm bớt các tiếng nói phản biện trong dư luận, và vì thế giúp tăng cường tính đồng thuận trong xã hội trong giai đoạn “khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách” này.
Tuy nhiên quy định này không cấm các cá nhân phản biện chính sách dưới danh nghĩa cá nhân. Nó cũng không nói gì tới các think tanks của nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam như Chương trình Châu Á ĐH Harvard – vốn là nơi thường xuyên công bố các báo cáo phản biện chính sách có uy tín ở Việt Nam.
Hơn nữa đồng thuận trong ngữ cảnh mà TS Quân nêu ra chỉ có thể hiểu theo nghĩa hẹp là sự vắng bóng các ý kiến phản biện công khai từ các tổ chức KHCN. Cách hiểu này về đồng thuận có hơi gượng ép. Nó không thực sự mang ý nghĩa công chúng thấu hiểu các chính sách của nhà nước và đồng tình với các chính sách này.
Cuối cùng, về dài hạn thì việc duy trì và phát huy các tiếng nói phản biện công khai là việc làm có ích. Quy định về chịu trách nhiệm cá nhân có thể sẽ làm thui chột động cơ đứng ra thành lập các think tanks độc lập. Trong khi đó, việc cấm các think tanks này công cố công khai các nghiên cứu phản biện chính sách sẽ làm thui chột khả năng trao đổi, cọ sát và phê bình trong giới làm KHCN. Vì thế, cho dù là có lợi trong ngắn hạn, thì các ràng buộc mới trong quyết định này cũng nên được dỡ bỏ trong dài hạn. Nói như TS. Vũ Hoàng Linh (Blogger Linh) thì việc “tiếp tục phát huy tinh thần cởi mở của Luật [KHCN] thay vì kìm hãm sự tham gia tích cực của các nhà khoa học vào sự nghiệp khoa học công nghệ mới thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước.”
Đọc nhiều nhất
1