Đường dẫn truy cập

Người sống sót vì mìn chưa được trợ giúp đúng nhu cầu


Một báo cáo mới cho thấy những người sống sót do mìn và các loại chất nổ khác còn sót lại trong thời kỳ chiến tranh tiếp tục bị kỳ thị và nói chung bị các chính phủ lơ là mặc dù những chính phủ đó đã hứa giúp đỡ họ. Bản báo cáo có tên là “Tiếng gọi từ Hiện trường” được tổ chức Khuyết tật quốc tế và Chiến dịch hủy bỏ việc sử dụng mìn công bố từ Geneva. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình thêm chi tiết cho Đài VOA.

Em Firoz Alizada là người Afghanistan. Em dẫm phải mìn lúc em 12 tuổi khi đi đường tắt để đến trường. Em mất cả hai chân và tay trái bị thương tật. Tai nạn này đã thay đổi cuộc đời và lấy đi mọi hy vọng của em.

Em Alizada nói: “Em không được bất cứ sự hỗ trợ tâm lý nào cả. Không có ai ở đó ở đó đồng cảnh ngộ để giúp em với tư cách là bạn bè. Em thực sự nghĩ là chỉ có mỗi mình em và chẳng ai chăm sóc cho em và em chỉ là một gánh nặng mà thôi.”

Tuy nhiên, Alizada đã tạo dựng được cuộc đời. Năm nay Alizada là một thanh niên 27 tuổi, có vợ và làm việc cho Chiến dịch Quốc tế Cấm mìn bẫy. Alizada kể cho Đài VOA về những sự kỳ thị rất nặng nề mà anh phải chịu trước khi đạt đến cuộc sống hiện nay. Anh cho biết là anh không học xong đại học và không thể tìm được việc làm vì tình trạng thương tật của anh.

Câu chuyện của Alizada phản ảnh tình cảnh của hơn 1600 người sống sót từ hơn 25 quốc gia được phỏng vấn trong bản báo cáo này.

Ông Marc Joolen, Tổng giám đốc của tổ chức Người khuyết tật quốc tế tại Bỉ, cho biết là những người này đại diện cho hơn 500.000 nạn nhân của mìn bẫy trên toàn thế giới. Những người này tiếp tục chịu thống khổ vì tình trạng tàn phế và những tủi nhục vì tàn phế. Ông nói thêm là 70% những người được phỏng vấn không nghĩ là tình trạng của họ đã thay đổi trong 10 năm qua.

Ông Joolen nói: “Hiệp ước cấm sử dụng mìn bẫy đã thành công đối với việc tháo gỡ, tàng trữ chất nổ, và sử dụng mìn cùng những vật gây nổ khác. Tuy nhiên hiệp ước này thiếu chú trọng đến những nạn nhân của mìn bẫy, thiếu việc giúp cho các nạn nhân tham gia vào những quyết định để làm sao thay đổi được tình trạng cảu họ. Những vấn đề này còn bị bỏ lại đằng sau rất nhiều.”

Bản báo cáo nhận thấy rằng những việc chăm sóc về thuốc men và phục hồi cơ thể đã được cải thiện. Chỉ có 21% trả lời là những dịch vụ hỗ trợ về tâm lý được tăng tiến mà thôi. Đối với vấn đề việc làm, những nạn nhân này cho là họ đứng ở hạng chót.

Ông Stan Brabant của tổ chức Khuyết tật quốc tế ghi nhận là tỉ lệ thất nghiệp của những người sống sót vì mìn tại Afghanistan vào khoảng hơn 70% và lên đến 90% tại Eritrea.

Ông Brabant nói: "Chúng tôi thấy tình cảnh của nhiều người thật là thê thảm và họ cần được sự hỗ trợ lâu dài. Hầu hết những điều chúng tôi chứng kiến và được báo cáo trong bản phúc trình này là hầu hết những hỗ trợ đều đến từ chính họ hoặc từ gia đình và cộng đồng nhưng không thấy sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước không làm gì cả để hỗ trợ họ. Đây thật là một điều tệ hại".

Kể từ khi hiệp ước cấm sử dụng mìn bẫy có hiệu lực, số thiệt hại nhân mạng đã giảm xuống, tuy nhiên những người ủng hộ việc hỗ trợ cho các nạn nhân sống sót nói là con số này vẫn còn cao ở mức không thể chấp nhận được. Mỗi năm có khoảng 15.000 người bị thiệt mạng hoặc thương tật tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG