Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi giúp nước nghèo chống cúm heo


Các tổ chức cứu trợ nhân đạo hàng đầu của quốc tế và LHQ đã mở chiến dịch ‘Hãy hành động’ nhằm giúp các nước nghèo sẵn sàng bảo vệ người dân trước dịch cúm heo H1N1. Các tổ chức này nói rằng dịch cúm có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân những nước có hệ thống y tế yếu kém. Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA từ Geneva.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước trên thế giới hãy chuẩn bị đối phó với sự lan rộng của dịch cúm H1N1 trong những tháng tới.

Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ nói rằng chống lại dịch bệnh này sẽ khó hơn ở các nước nghèo, nơi có hệ thống y tế yếu kém, hệ thống chăm sóc sức khỏe kém và nguồn lực hạn chế.

Họ nói rằng các nước vốn đã phải chịu gánh nặng quá sức vì các bệnh như HIV/AIDS, lao và sốt rét sẽ gặp phải khó khăn lớn lao khi đối phó với sự gia tăng của các ca đại dịch cúm H1N1.

Phát ngôn viên của WHO, ông Paul Garwood, nói rằng chương trình ‘Hãy hành động’ có mục đích giảm bớt tác hại của H1N1 bằng cách đưa ra một loạt các biện pháp có thể áp dụng đối với tất cả các quốc gia.

Ông Garwood nói: ‘Nhiều biện pháp đơn giản chỉ là các biện pháp vệ sinh căn bản chúng ta nên làm để tránh tiếp xúc với dịch bệnh. Nhưng, như chúng ta biết tại các nước đang phát triển, đặc biệt tại các nước bị khủng hoảng, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thiên tai, hệ thống y tế thường yếu kém và cần được hỗ trợ thêm’.

Ông Garwood nói thêm rằng các biện pháp còn bao gồm việc lập kế hoạch khẩn cấp và chuẩn bị cho các quốc gia đối phó với mọi cuộc khủng hoảng.

Trong lần cập nhật thông tin mới nhất, WHO cho biết đã xác nhận hơn 182 nghìn ca nhiễm cúm heo ở 177 nước với gần 1.800 ca tử vong. Tổ chức Y tế lớn nhất thế giới này nói rằng Ghana, Zambia và Tuvalu là những nước mới nhất thông báo các ca xác nhận đã nhiễm cúm heo.

WHO nói rằng khoảng 20 nước châu Phi đã thông báo gần 1.500 ca nhiễm cúm heo với phần đông các ca bệnh là ở Nam Phi.

Ông Garwood nói rằng tại các nước nơi từng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng khoảng nhân đạo trong quá khứ đã có sẵn các hệ thống đối phó với các cuộc khủng hoảng khác như một trận đại dịch chẳng hạn.

Ông nói: ‘Như tại Zimbabwe chẳng hạn, một trung tâm chỉ huy và kiểm soát dịch tả được thiết lập đã giúp chế ngự được dịch tả. Giờ ở Zimbabwe, hệ thống tương tự cũng được sử dụng để đối phó với các đợt bột phát của đại dịch H1N1 hay các ca bệnh đã được báo cáo ở đó’.

Chiến dịch ‘Hãy hành động’ nhận được sự tham gia của WHO, Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Tổ chức Phối hợp viện trợ nhân đạo và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.

Giới chức cấp cao của Tổ chức Chữ thập đỏ phụ trách về Y tế Công và Các tình huống khẩn cấp, Tammam Aloudat, nhận định rằng nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức này cùng nhiều đối tác khác, sẽ không thể đương đầu với dịch bệnh. Ngoài ra, điều cấp thiết là phải tạo điều kiện cho các cá nhân và cộng đồng bảo vệ chính bản thân họ.

Ông Aloudat nói thêm: ‘Đây là thời điểm mà chúng tôi ở Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế phải nhấn mạnh nhiều lần. Người dân có đủ năng lực để bảo vệ bản thân và ngăn chặn tác động của dịch cúm đối với họ và gia đình của họ. Đó là điều chúng tôi hướng tới’.

Các tổ chức cứu trợ nhân đạo nói rằng có một số bước đi quan trọng nhằm giảm tác động của đại dịch, bao gồm việc xác định nhóm dân có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao, giảm tỷ lệ tử vong bằng cách chữa trị bệnh viêm phổi cấp và giảm sự lây lan của dịch bệnh bằng cách tuyên truyền cho dân chúng biết về các biện pháp phòng thân đơn giản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG