Đường dẫn truy cập

Thái Lan hy vọng giảm giá đồng Baht sẽ hỗ trợ xuất khẩu


Ngân hàng Trung ương Thái Lan hy vọng có thể trợ lực cho các nhà xuất khẩu của nước này đang găp đầy rẫy khó khăn bằng cách cho phép mở rộng đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ của chiến lược làm giảm giá đồng baht Thái. Thế nhưng như thông tín viên Ron Corben của Đài VOA tường trình từ Bangkok, thì các nhà phân tích thị trường không tin là kế hoạch này sẽ giúp được gì nhiều trong tình hình kinh tế toàn cầu trì trệ như hiện nay.

Kinh tế Thái Lan đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thập niên nay. Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết tính đến tháng 6 vừa qua sản lượng công nghiệp sút giảm sang đến tháng thứ tám liên tiếp.

Tình trạng giảm sút này phản ảnh mức cầu trên thị trường thế giới về ô-tô và thực phẩm chế biến giảm sút. Đây là hai ngành xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan.

Xuất khẩu chiếm khoảng 60% trong nền kinh tế Thái Lan, đã sút giảm hơn 25% trong tháng 6 vừa qua. Nhập khẩu cũng giảm 25%, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nội địa vẫn trong tình trạng yếu kém.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan cảnh báo rằng nền kinh tế nước này có thể giảm hơn 4% trong năm nay.

Các nhà sản xuất công nghiệp Thái Lan muốn Ngân hàng Trung ương giúp giảm giá đồng baht để hàng xuất khẩu của Thái có giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế.

Hồi đầu tuần, ngân hàng trung ương loan báo quyết định cho phép nhiều công ty hơn được đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu nước ngoài như là một cách làm giảm giá đồng baht. Về lý thuyết, nếu các doanh nghiệp bán đồng baht ra để đầu tư ở nước ngoài, thì giá trị của đồng baht sẽ giảm xuống.

Nhưng theo ông Supavud Saicheua, một kinh tế gia của công ty môi giới Chứng khoán Phatra, thì cách này có thể không mang lại hiệu quả.

Ông Supavud nói: "Điều cốt lõi là chúng ta đang có mức thặng dư mậu dịch khá cao. Thặng dư mậu dịch phát sinh từ việc nhập khẩu không gia tăng và xuất khẩu cũng không gia tăng, vì mức cầu nội địa tương đối yếu trong thời gian qua. Và trong trường hợp có thặng dư mậu dịch như vậy thì rất khó để làm giảm giá đồng baht."

Ngành ô-tô của Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng suy thoái kinh tế. Sản lượng ngành ô-tô trong tháng 6 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và giá trị xuất khẩu các loại xe ô-tô, xe gắn máy giảm hơn 40% so với năm ngoái.

Ông Vallop Tiasri, Chủ tịch Viện Nghiên cứu ô-tô Thái Lan, tỏ ra bi quan về kế hoạch của ngân hàng trung ương.

Ông Vallop nói: "Tôi cho rằng trong tình hình kinh tế như hiện nay, trong tình trạng khủng hoảng kinh tế này, đầu tư ra nước ngoài không dễ. Kế hoạch này càng làm tôi ngạc nhiên hơn là làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan mang tiền đầu vào các nước khác, vào các nền kinh tế đang trong tình trạng yếu kém hoặc thậm chí yếu hơn cả nền kinh tế nội địa."

Tuy nhiên chính phủ và các kinh tế gia nói rằng có những yếu tố cho phép họ lạc quan. Chính phủ dự đoán nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục trong vài tháng tới.

Ông Vikas Kawatra, một nhà phân tích cấp cao của công ty Chứng khoán Kim Eng, nói rằng có những dấu hiệu cho thấy các nhà xuất khẩu Thái Lan đang chuyển ra khỏi những thị trường như Mỹ, do họ đã tìm được lợi nhuận từ những thị trường khác trong khu vực.

Ông Vikas nói: "Kinh tế Thái Lan dựa rất nhiều vào xuất khẩu. Thế nhưng về sau này các nhà xuất khẩu đã chuyển hướng từ thị trường Mỹ sang các thị trường trong khu vực. Miễn là kinh tế châu Á ổn định, Thái Lan sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và lần này châu Á có thể sẽ dẫn đầu thế giới trong quá trình hồi phục kinh tế."

Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây nói rằng hình như các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á đang chuyển sang giai đoạn hồi phục nhờ vào các gói kích thích kinh tế của chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG