Khói bốc lên từ những vụ cháy rừng, phần lớn là tại Indonesia, đã khiến nhiều nơi ở vùng Đông Nam Á bị một lớp mù dầy đặc bao phủ. Thông tín viên Heda Bayron của đài VOA tại Bangkok tường thuật rằng vấn đề khó khăn trong vùng xảy ra theo mùa này sẽ còn tồn tại.
Hôm nay, Cơ quan Khí tượng Singapore cho biết, những đám khói từ trung bình tới dầy đặc bốc lên từ các khu vực rộng lớn bị cháy rừng tại Tây Kalimantan ở Indonesia và Sarawak ở Malaysia. Cơ quan vừa kể cũng phát hiện khói trung bình bốc lên từ nửa phía nam đảo Sumatra của Indonesia, cũng như là các đám cháy rừng lẻ tẻ tại các tỉnh Đông và Trung Kalimantan.
Trong tuần này, khói từ các đám cháy rừng đã bao phủ nhiều nơi ở Indonesia, Malaysia, Brunei và Singapore gây gián đoạn cho hoạt động của các phi trường cũng như khiến các cư dân phải phàn nàn. Tầm nhìn giảm xuống thấp ngày hôm nay ở đảo Riau của Indonesia khiến các chuyến bay bị trễ hoặc chuyển hướng vì lý do an toàn.
Ông Aswin Usup giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Công Tác Ngăn Ngừa Cháy Rừng và Phục Hồi tại Trường đại học Palangkaraya ở tỉnh Trung Kalimantan nói rằng, việc đốt rừng để dọn đất canh tác là một phương pháp cổ truyền tại Borneo, hải đảo lớn hàng thứ ba trên thế giới.
Ông Aswin nói: Thật không may, trong mùa khô từ tháng 7, tháng 8 tới tháng 9 chiều gió chủ yếu thổi theo hướng Nam-Bắc. Vì thế Singapore và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng của khói.
Phẩm chất không khí tại Malaysia đã bị xấu đi trong tuần này. Sáng hôm nay, Bộ Môi Trường cho biết, mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã được ghi nhận tại nhiều nơi ở Sarawak trên phần đảo Borneo của Malaysia.
Bộ trưởng môi trường các nước Malaysia và Indonesia sẽ hội họp với nhau vào thứ bảy này để giaỉ quyết vấn đề.Trong những năm gần đây, khói mù đã là nguyên nhân gây xung đột giữa Indonesia và các lân quốc của họ.
Theo Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á thì những quốc gia này đã thoả thuận hợp tác để giảm bớt các đám cháy rừng nhưng khói mù vẫn tiếp tục là một sự kiện xảy ra trong mùa khô.
Ông Aswin cho biết, tại Trung Kalimantan đoàn công tác của ông đã huấn luyện nông dân kiểm soát các đám cháy rừng, thí dụ như không đốt toàn bộ khu vực đất đai một lượt để giảm bớt tình trạng khói tích lũy. Nhưng ông cho biết việc tài trợ cho cuộc vận động này là một vấn đề khó khăn.
Những đám cháy rừng thải khí carbon dioxide vào khí quyển. Một số khoa học gia nói rằng tình trạng gia tăng mức carbon dioxide góp phần làm cho khí hậu thay đổi.
Thêm nữa, các nhà môi trường cho biết, các đám cháy rừng phá hủy địa bàn sinh sống của một số chủng loại động vật hiếm nhất trên thế giới, như loài Orangutan và loài tê giác Đông Sumatra.
Đọc nhiều nhất
1