Đường dẫn truy cập

Trung Quốc ‘chưa ra điều kiện’ trong vụ bắt ngư dân VN


Việt Nam một lần nữa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phóng thích ngay các ngư dân Quảng Ngãi được cho là bị bắt giữ khi đang tìm cách tránh tránh bão ở khu vực quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/8 cho biết đã ‘gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc’ ở Hà Nội để yêu cầu thả các ngư phủ. Thân nhân của chủ tàu mới bị giữ cho biết đây là lần thứ hai ông bị phía Trung Quốc bắt. Một giới chức tỉnh Quảng Ngãi cũng nói các vụ bắt giữ ngư dân giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ‘đã xảy ra từ lâu’. Phóng viên của Ban Việt ngữ VOA Nguyễn Trung có bài tường thuật sau đây.

Bốn ngày sau khi nhận được một cú điện thoại đầu tiên từ ông Nguyễn Tấn Lự, thông báo rằng tàu của ông cùng với 12 ngươi trên khoang đã bị phía Trung Quốc giữ, thân nhân của gia đình ông ở xã Bình Châu, Huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, vẫn tiếp tục chờ tin.

Người cháu của ông Lự là anh Dương Văn Rin cho biết ngư dân này chỉ mới gọi về nhà một lần duy nhất với các thông tin rời rạc.

Anh Rin cho hay: "Khi có tin bão, anh Lự đang hoạt động đánh bắt ở ngoài quần đảo Hoàng Sa. Khi đang đi tránh gió thì bị tàu Trung Quốc bắt. Chỉ có từng ấy thông tin thôi, và ở nhà vẫn đang tiếp tục chờ tin tức."

Hôm 5/8, anh Rin cho VOA Việt Ngữ biết rằng đây không phải là lần đầu tiên ông Lự bị Trung Quốc bắt. Hồi tháng Hai vừa qua, ngư phủ này đã phải nộp phạt 152 triệu đồng trước khi được phóng thích, nhưng lần này Trung Quốc ‘chưa đưa ra điều kiện’.

Anh nói: "Lần này không hiểu sao người ta chưa đòi hỏi một cái gì cả. Chắc người ta cũng đang điều tra bên đó. Bây giờ gia đình không biết làm gì hết, và chỉ còn cách là trông chờ vào chính quyền thôi. Thực ra, anh Lự đâu có còn tiền để nộp phạt nữa đâu."

Anh Rin cũng cho biết đã ‘gọi điện thông báo tình hình cho biên phòng Quảng Ngãi thì người ta nói cứ đợi ông Lự gọi điện về và chờ Bộ Ngoại giao can thiệp’.

Trả lời VOA qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Hành, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết chính quyền ‘vẫn còn đang làm rõ vụ bắt giữ mới nhất’.

Ông Hành nhận xét: "Ngư dân mình không có sai đâu. Cũng có thể có một vài trường hợp đánh bắt ở vùng biển chồng lấn. Mà đã là vùng chồng lấn thì anh xác định đó là chủ quyền của anh, tôi xác định đó là chủ quyền của tôi. Hiện nay ngồi vào bàn đàm phán thì chưa giải quyết được. Mỗi bên đều có cái lập luận và xử lý ngư dân như thế."

Ông Hành cũng cho rằng chuyện tranh chấp trên biển Đông ở những vùng chồng lấn như vậy ‘là chuyện bình thường giữa các quốc gia’, nhưng theo ông, phía chính quyền Quảng Ngãi cho tới nay vẫn tiếp tục ‘tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm chủ quyền của các nước’.

Ông cho biết: "Chúng tôi xác định được vùng nào thuộc chủ quyền của mình, vùng nào thuộc chủ quyền của nước lân cận. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân không được xâm phạm chủ quyền của các nước. Chúng tôi tuyên truyền liên tục, chứ không phải qua những đợt như thế này thì mới làm."

Được biết, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố có chủ quyền ở một số khu vực hải đảo ở Biển Đông. Trên bản đồ đánh bắt xa bờ VOA Việt Ngữ từng xem, các ngư dân được cảnh báo ‘không vào gần các đảo bị nước ngoài tạm thời chiếm đóng trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’.

Ông Tiêu Viết Là, chủ tàu ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, là một trong những người từng bị Trung Quốc từng bị bắn và bắt tàu ở Phú Lâm, một trong hai đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa hồi năm 2007. Lần đó, ông Là không bị phạt tiền nhưng bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Ông kể lại: "Lúc đó chúng tôi đang lặn bắt hải sản ở đó thì trời bắt đầu gió mạnh nên chúng tôi tính chạy vào gần đảo (Phú Lâm) để núp gió rồi tối tiếp tục làm tiếp. Nhưng lính Trung Quốc trên đảo phát hiện rồi dùng ca nô đuổi theo. Họ bắn bị thương 6 người (trong số 13 người trên tàu). Họ bắt và nhốt cũng cỡ hai tháng rồi sau đó cho về. Chúng tôi không bị phạt tiền nhưng bị tịch thu hết tài sản. Chúng tôi trở về với hai bàn tay trắng."

Hai năm trôi qua, nhưng cho tới giờ, ông Là cho biết vẫn chưa trả hết tiền vay nợ để mua tàu mới. Ông cũng nói là hai năm nay giá cá rẻ nên ‘tàu không chạy và vẫn tiếp tục phải chịu nợ’.

Ông Nguyễn Văn Hành, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết cơ quan ông vẫn đang ‘tiếp tục nghiên cứu các trường hợp bị bắt rồi tham mưu lên chính phủ Việt Nam’.

Ông Hành nói: "Các ngư dân hoạt động đúng nghề nghiệp, đúng vùng biển của họ, thì không có lý do gì để mà phạt cả. Chúng tôi đã đề xuất thông qua đường ngoại giao để phía bên kia (Trung Quốc) thả người, cho nên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng. Phải có cơ sở và chúng tôi báo lên thì người ta mới làm việc đó chứ."

Cho tới nay, vẫn còn 25 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ. Sau một thời gian dài im tiếng, thời gian qua, Việt Nam đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu thả các ngư phủ ‘ngay lập tức và vô điều kiện’ đồng thời từ chối trả các khoản tiền phạt mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Việt Nam nhấn mạnh rằng các ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng nhiều khi ngư dân ‘khó phân biệt lằn ranh chính xác giữa hai bên’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG