Đường dẫn truy cập

Nhà vệ sinh và nhà cầm quyền


Nhân đoạn cuối bài “Từ Singapore, nghĩ đến Việt Nam” nhắc đến chuyện ỉa đồng, xin nói thêm một chút về vấn đề nhà vệ sinh ở Việt Nam.

Với những sinh viên cho ỉa đồng là một trong những kinh nghiệm thú vị và đáng nhớ nhất, tôi hỏi họ nghĩ gì về vấn đề vệ sinh ở Việt Nam nói chung. Kết quả? Ai cũng le lưỡi lắc đầu.

Có lẽ đó cũng là ấn tượng kinh hoàng nhất đối với mọi du khách nước ngoài và ngay cả Việt kiều về nước.

Tôi nghe kể có một nhà thơ nữ hiện sống ở Bắc Mỹ, cách đây mười mấy năm, trước khi về thăm gia đình ở Việt Nam, đã gửi tiền về cho thân nhân yêu cầu xây cái cầu tiêu mới! Nghe, dễ nghĩ là “chảnh”. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng phải thôi: Sống ở nước ngoài khá lâu, quen với sự sạch sẽ, thật là một kinh nghiệm hãi hùng khi phải ngồi lại trên những cầu tõm hay những xí xổm tối tăm, dơ bẩn, hôi hám và lúc nào cũng ướt nhẹp.

Chuyện thiếu vệ sinh trong các nhà cầu hay nhà xí ở Việt Nam đã có nhiều báo tường thuật. Tôi không muốn nhắc lại làm gì. Chỉ xin ghi lại số liệu từ một cuộc điều tra gần đây:

“Chỉ có 18% số hộ gia đình, 12% số trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, gần 37% số trạm y tế xã có và đang sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.”

Và một nhận xét từ một nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam nổi tiếng tại Úc, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:

“Vấn đề nhà xí ở nước ta không còn là vấn đề nhỏ nữa mà có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước. Người phương Tây khi đi du lịch ở nước ta thì nỗi ám ảnh lớn nhất là... nhà xí. Tôi đã đọc (với tâm trạng vừa giận vừa thông cảm) không biết bao nhiêu bài bút ký, nhật ký, phóng sự, khuyến cáo... mà họ viết ra với văn phong giễu cợt, mỉa mai. Tôi nghĩ nếu không cải thiện được vệ sinh công cộng và nhà xí thì nước ta vẫn chứng kiến cảnh 75% du khách “một đi không trở lại”. Vấn đề nhà vệ sinh và vệ sinh công cộng đã trở thành sĩ diện quốc gia, thành vấn đề văn hóa chứ không đơn giản là vấn đề cá nhân hay nội bộ nữa.”

Tôi chỉ xin lưu ý một khía cạnh: Hiếm có chính quyền nào quan tâm đến chuyện ỉa đái của dân chúng như là chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xin thưa ngay để quý bạn đọc đỡ khó chịu: Chữ “ỉa đái” này là chữ tôi bắt chước nhà sử học kiêm Dân biểu Quốc Hội nổi tiếng ở Hà Nội, ông Dương Trung Quốc.

Trong bài “Bàn chuyện ỉa đái” đăng trên báo Lao Động số 42 vào ngày 28.10.2007, Dương Trung Quốc cho biết, sau khi suy đi tính lại các chữ thanh tao như “nhà vệ sinh”, “nhà tiêu” hay “WC”, “toilet”, “toilette”, “restroom”, ông quyết định: “tôi cứ nghĩ đến cách của ông bà ta từng nói thẳng coi đó là một trong "tứ khoái" nên cứ dùng đúng tên gọi dễ hiểu nhất của nó mà bàn.”

Cũng trong bài viết ấy, Dương Trung Quốc cho biết, theo đề nghị của nhiều người và nhiều cơ quan ngôn luận, ông đã nêu vấn đề nhà vệ sinh ra trước Quốc Hội và yêu cầu đưa vấn đề ấy vào chương trình nghị sự của Quốc Hội.

Được Quốc Hội đưa ra bàn luận? Rõ ràng chuyện nhà vệ sinh là một vấn đề vô cùng quan trọng. Một vấn đề thuộc loại “quốc sự”.

Nghe nói, thuở sinh thời, đi đến đâu, ông Hồ Chí Minh cũng ghé vào nhà bếp và nhà vệ sinh, hai địa điểm ông cho là quan trọng nhất trong cuộc sống của con người. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, một nơi tiêu biểu cho “đầu vào”, và một nơi cho “đầu ra”.

Gần đây, ông phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cũng bắt chước Hồ Chí Minh lăng xăng thăm viếng các nhà vệ sinh ở các trường học.

Có lẽ vì lãnh tụ hay thăm các nhà vệ sinh nên chính quyền các địa phương cũng ra sức dạy dỗ dân chúng ý thức giữ vệ sinh.

Trong nhật ký của mình (sau in lại thành cuốn Ghi, nxb td Mémoire, 2001, tr. 100), Trần Dần chép:

Quy định về đi ỉa:

Bản quy định khổ 40cm x 70cm, giấy hồng:

1) Tất cả các nam nữ đi ỉa đái phải tới chỗ quy định.
2) Phải ỉa đúng lỗ.
3) Nếu là chuồng xí máy, ỉa xong phải tháo nước, bỏ giấy vào thùng đã quy định. Nếu không phải là chuồng xí máy thì thôi. (?)
4) Ỉa xong phải rửa tay sạch sẽ.

Bản quy định ấy đã xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1955.

Hơn nửa thế kỷ sau, vệ sinh vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, làm mọi người nhức nhối.

Ở đây, có hai sự kiện cần được ghi nhận. Một, các nhà lãnh đạo Việt Nam không thiếu nhiệt tình. Hai, nhiệt tình ấy rõ ràng là không có hiệu quả.

Tại sao?

Ghi chú:

Viết bài này vừa xong, tôi đã tìm được một câu trả lời từ Việt Nam. Trên Beo blog, nhà báo Hồ Thu Hồng nhân bàn về chuyện kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, viết:

“Nếu tớ là trưởng ban tổ chức cái nghìn năm Thăng Long, tớ sẽ làm ngay 2 bộ film, một người Pháp đã đô thị hóa Hà Nội ra sao, một kia là dân Nghệ đã nhà quê hóa Hà Nội thế nào. […] Này nhé, người Pháp đã bưng thói quen ỉa đồng của dân annam vào toilet trong nhà, Nghệ mình làm cái nhà mán giữa nơi đẹp nhất xứ ngọa hổ phục long và đưa toilet trở ra ao cá.”

Không cần tinh ý lắm, chắc bạn đọc cũng thừa biết “Nghệ mình” là ai.

Dù sao, đó cũng chỉ là ý kiến của một người.

Còn ý bạn thì sao?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG