Hơn 1/3 đất đai ở 6 tỉnh miền trung Việt Nam tiếp tục bị ô nhiễm vì bom mìn, vật nổ còn sót lại sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Theo tin của hãng thông tấn AP, kết quả một cuộc điều tra công bố hôm thứ 6 cho thấy rằng gần 35 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, thường dân Việt Nam vẫn thường xuyên bị thiệt mạng và bị thương vì bom mìn còn sót lại.
Theo ước tính của phía Việt Nam, từ năm 1975 tới nay hơn 42,000 người đã thiệt mạng vì những tai nạn bom mìn.
Cuộc điều tra vừa kể được thực hiện theo dự án “Điều tra, Khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam”, với sự phối hợp của Quĩ Cựu Chiến Binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Bộ Quốc phòng Việt Nam thông qua Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN).
Hôm thứ sáu, VVAF và BOMICEN đã tổ chức một cuộc họp báo tại Hà Nội để công bố kết quả điều tra tại 6 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, và Quảng Ngãi.
Dự án này đã xác định 3,124 khu vực có bom mìn với tổng diện tích chiếm hơn 1/3 diện tích đất đai của 6 tỉnh, trong đó Quảng Trị là tỉnh có diện tích và tỉ lệ bom mìn cao nhất.
Trưởng đại diện VVAF tại Việt Nam, bà Nguyễn Thu Thảo, cho biết công tác dọn sạch bom mìn và vật nổ vẫn còn mất rất nhiều thời gian nữa mới hoàn tất.
Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak cho biết kết quả cuộc điều tra này có ích cho việc ấn định thứ tự ưu tiên cho công tác dọn mìn trong tương lai.
Ông Michalak nói rằng việc dọn sạch bom mìn còn sót lại từ những cuộc chiến tranh trong quá khứ là một vấn đề quan trọng đối với người dân Việt Nam cũng như đối với nước Mỹ. Ông cho biết từ năm 1989 đến nay Hoa kỳ đã cung cấp 46 triệu đô la để trợ giúp cho công tác dọn dẹp mìn bẫy ở Việt Nam.
Trong khi đó, bản tin hôm thứ Sáu của hãng thông tấn Reuters trích lời Đại tá Phan Đức Tuấn của Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam nói rằng với tiến độ như hiện nay, phải mất 300 năm và tiêu tốn hơn 10 tỉ đô la công tác này mới có thể hoàn tất.