Đường dẫn truy cập

Kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính của chính quyền Obama


Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính Mỹ từ hồi giữa tháng 6 năm nay. Kế hoạch này sẽ phải được thông qua sự chẩn thuận của Quốc hội và nhiều người dự kiến rằng khó lòng hi vọng có được sự đồng ý từ phía các nghị sĩ nếu không có các sửa đổi mang tính thỏa hiệp. Dự kiến việc thông qua Quốc hội Mỹ sẽ được tiến hành vào cuối năm nay (2009).

Việc chính quyền Obama đưa ra kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính không phải là một việc ngoài dự kiến của dư luận. Trên thực tế, ngay vừa khi khủng hoảng xảy ra thì dư luận trong nước Mỹ và thế giới đã bắt đầu gây sức ép đòi chính phủ Mỹ phải cải tổ hệ thống tài chính.

Rất nhiều các quốc gia khác, kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ, đã lên tiếng đổ lỗi cho Mỹ là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này. Tây Âu đã liên tục yêu cầu Mỹ nhanh chóng có kể hoạch cấu trúc lại hệ thống tài chính của Mỹ và coi đây là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi khủng hoảng và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự.

Khen và chê

Kế hoạch này của chính quyền Obama đã nhận được nhiều sự khen chê lẫn lộn. Dư luận phần đông hoan nghênh kế hoạch này và coi đây là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, họ còn đang mong chờ các chi tiết cụ thể hơn để có thể có được thái độ rõ ràng.

Một số người nhiệt thành ủng hộ cải cách thì cho rằng kế hoạch này còn yếu, chưa thực sự là một kế hoạch cải tổ mà chỉ là củng cố lại các định chế có sẵn. Thí dụ Krugman chỉ trích kế hoạch này ở mấy điểm sau:

Thứ nhất là một số tiêu chuẩn quản lý đặt ra còn quá thấp.

Thí dụ kế hoạch này yêu cầu các công ty tài chính khi bán lại các khoản cho vay của mình thì không được bán hết mà phải giữ lại tối thiểu 5%. Ông cho rằng mức 5% này là quá thấp.

Thứ hai là kế hoạch này không có giải pháp gì đối với các khoản lương bổng khổng lồ của lãnh đạo các tập đoàn tài chính Mỹ.

Thứ ba là nó không đả động gì tới các công ty có vai trò đánh giá rủi ro tín dụng.

Một số người khác còn đề cập tới việc tổ chức lại các cơ quan giám sát hiện nay theo hướng gộp SEC và CFTC (Commodity Futures Trading Commission) vào làm một cùng một số các giải pháp cấp tiến khác.

Một số người thì phản đối dựa trên lập trường của đảng Cộng hòa.

Lập luận chính của họ là trong khi các cơ quan giám sát hiện nay đang thất bại, thì việc tạo ra các cơ quan giám sát mới không phải là cách để giải quyết vấn đề. Đây là lập trường thống nhất của phe Cộng hòa – giảm vai trò của nhà nước chứ không phải tăng vai trò của nhà nước. Tuy nhiên, phe chống đối này cũng chưa đưa ra được một giải pháp thay thế nào.

Ảnh hưởng thế nào?

Việc củng cố lại hệ thống tài chính thế giới là việc phải làm. Mỹ đang đi tiên phong trong nỗ lực này và đây là một việc đáng hoan nghênh. Về lâu dài nó sẽ bảo đảm cho một thị trường tài chính bớt rủi ro hơn và tránh được các cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống như cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua.

Riêng đối với VN thì có lẽ nó không có một ảnh hưởng riêng biệt rõ ràng nào. Nếu có thì chỉ nằm ở chỗ việc thiết chặt quản lý hoạt động tài chính sẽ làm các công ty tài chính cẩn thận hơn trong các hoạt động đầu tư của họ, và vì thế, ít nhiều ảnh hưởng tới quy mô của luồng vốn đầu tư vào Việt Nam – vốn là một thị trường mới nổi và có rủi ro cao.

Hệ thống tài chính ở Việt Nam cũng đang ở trong tình trạng yếu kém và việc quản lý nhà nước cũng còn nhiều điều cần phải học hỏi. Tôi cho rằng VN nên theo sát các bước đi này của Mỹ và thế giới để học hỏi thêm và hoàn thiện dần hệ thống cơ chế quản lý và giám sát thị trường tài chính của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG