Các giớí chức Trung Quốc sẽ mở loạt thảo luận cấp cao đầu tiên về chiến lược và kinh tế với chính quyền của Tổng thống Obama trong tuần này tại thủ đô Washington, một cuộc thảo luận kéo dài 2 ngày mà các giới chức Hoa kỳ cho rằng nó sẽ đưa tới sự hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế, môi trường và an ninh giữa hai quốc gia. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây qua bài tường trình của thông tín viên đài VOA William Ide.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng cuộc đối thoại hằng năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Obama với Trung Quốc diễn ra vào một thời điểm quan trọng cho cả hai nước trong khi họ hành động để tìm cách hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tìm kiếm cơ hội để cùng nhau làm việc để giải quyết những vấn đề như khí hậu biến đổi, thương mại và khủng bố.
Các cuộc họp vào thứ Hai và thứ Ba sẽ được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đồng chủ tọa. Trung Quốc gửi một phái đoàn hùng hậu gồm 150 giới chức, một phái đoàn đông đảo nhất tới Hoa Kỳ từ trước đến nay.
Phái đoàn chính thức của Trung Quốc sẽ do ông Đới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc vụ viện và phó Thủ tướng Vương Kỳ San lãnh đạo.
Tổng thống Barack Obama sẽ đọc một diễn từ vào lúc khai mạc các cuộc thảo luận vào hôm nay, thứ hai.
Các cuộc thảo luận với hai chủ đề kinh tế và chiến lược là một sự nối tiếp các cuộc thảo luận về kinh tế đã khởi sự từ thời chính quyền tổng thống George W. Bush nhưng với tầm mức rộng rãi hơn.
Vào tháng tư, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đồng ý bắt đầu mở các cuộc họp thường niên trong năm nay và luân chuyển địa điểm họp mỗi năm giữa Washington và Bắc Kinh.
Các giới chức chính quyền Tổng thống Obama nói rằng một trong những thông diệp quan trọng nhất mà họ sẽ đem tới cuộc họp này là trong lúc nền kinh tế Mỹ đang hồi phục, nó sẽ không được thúc đẩy bởi sức tiêu thụ hàng nhập khẩu người dân.
Họ cũng cho biết sẽ khuyến nghị Trung Quốc hãy bớt lệ thuộc vào xuất khẩu mà trông cậy nhiều hơn vào việc mở rộng các thị trường quốc nội để thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Các đại diện doanh nghiệp và các nhà phân tích về công nghiệp cho hay họ hy vọng cuộc họp sẽ đạt được tiến bộ, nhưng không trông chờ những kết quả đột phá.
Theo bà Erin Ennis, phó chủ tịch Hội đồng Doanh Nghiệp Mỹ-Trung tại Washington thì phần lớn thời giờ dành cho nghị trình được dùng để làm quen với cơ cấu của các cuộc họp.
Theo bà Ennis thì cuộc họp này có tiềm năng đạt được nhiều tiến bộ, nhưng phải nhớ rằng nghị trình có rất nhiều đề tài thảo luận, nên chỉ có hai ngày để đề cập tới một số lớn các đề tài như vậy thì đôi bên chỉ có thể bàn thảo sơ qua mà thôi.
Bà Ennis cho hay bà rất hy vọng hai bên sẽ tìm được một số quan điểm chung trong việc đối phó với vấn đề khí hậu biến đổi. Bà cho biết chuyến đi mới đây của Bộ trưởng Năng Lượng Stephen Chu đến Trung Quốc và nhiều cuộc họp giữa trưởng phái đoàn thuơng thuyết về khí hậu của Hoa Kỳ Todd Stern với các giới chức Trung Quốc đã đặt được một nền móng tốt cho cuộc họp.
Ông Louis B.Schwartz, một luật sư về luật thương mại quốc tế kiêm chủ tịch về các Chiến Lược đối với Trung Quốc, cũng đồng ý.
Ông ghi nhận rằng Trung Quốc đang nhanh chóng can dự vào chính sách năng lượng sạch, nhanh hơn là nhiều người nhận thức, và rằng có một tiềm năng lớn cho hai bên hợp tác với nhau.
Ông Schwartz cho biết ít nhất vào vào thời điểm này có một cơ hội vô giới hạn và ông thực sự tin rằng đôi bên cần phải mở rộng cửa thị trường cho việc giao thương.
Mở rộng cửa thị trường, cho dù là trong lãnh vực công nghệ năng lượng sạch hay các dự án liên hệ đến kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc trị giá 586 tỉ đô la là thông điệp chính mà các giới chức Hoa Kỳ cho biết họ sẽ mang tới các cuộc họp trong tuần này.
Trung Quốc cho biết tại cuộc họp các giới chức của họ sẽ hối thúc Washington chấp thuận các chính sách bảo vệ vốn đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, sở hữu một số công trái phiếu của Hoa Kỳ trị giá hơn 800 tỉ đô la.
Đọc nhiều nhất
1