Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên có thể được viện trợ nếu trở lại đàm phán


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Bắc Triều Tiên đã bị cô lập trong cộng đồng quốc tế vì những hành động khiêu khích mới đây. Nhưng vào lúc kết thúc hai ngày hội nghị tại diễn đàn cấp vùng của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ở Thái Lan, bà Clinton nói rằng, chính phủ Bình Nhưỡng có thể nhận được những những khoản viện trợ 'đáng kể' mới của nước ngoài nếu trở lại hội nghị 6 bên về hạt nhân và đề nghị các biện pháp giải trừ võ khí không thể đảo ngược được. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA David Gollust, gởi về từ Phuket, Thái Lan.

Lại một lần nữa, bà Clinton minh định rằng Hoa Kỳ và các nước đối tác của mình trong cuộc đàm phán không có ý định tưởng thưởng cho Bắc Triều Tiên chỉ để họ trở lại hội nghị mà Bình Nhưỡng đã rút khỏi hồi đầu năm nay.

Nhưng, trong một cuộc họp báo nêu bật hai ngày tham khảo ý kiến với bộ trưởng ngoại giao các nước trong khối ASEAN và các nước khác trong vùng Thái Bình Dương, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói rằng, nếu chính phủ Bình Nhưỡng sẵn sàng đề nghị các biện pháp dẹp bỏ chương trình hạt nhân của họ một cách không thể đảo ngược được, thì có thể nhận được những lợi ích to lớn mà các nước khác trong hội nghị do Trung Quốc bảo trợ này dành cho họ.

Bà Clinton nói: "Để đổi lại, sự kiện này sẽ đưa chúng tôi và các nước đối tác đến chỗ đáp ứng một cách toàn diện và có phối hợp. Tất cả mọi điều Bắc Triều Tiên mong muốn như bình thường hóa quan hệ ngoại giao đầy đủ, một chế độ hòa bình vĩnh cửu, cùng những khoản viện trợ kinh tế và năng lượng đáng kể đều có thể nhận được với điều kiện giải trừ võ khí hạt nhân toàn bộ và có thể kiểm chứng được. Còn lúc này thì chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp phòng thủ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi và của các đồng minh. Hành động đe dọa của Bắc Triều Tiên không đem lại tin tưởng mà cũng không cho phép chúng tôi ngồi yên mà nhìn."

Các phụ tá của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói rằng Bắc Triều Tiên là vấn đề nổi bật nhất mà bà Clinton đề cập tới tại diễn đàn ASEAN trong đó có những cuộc họp riêng với bộ trưởng ngoại giao các nước khác tham gia hội nghị về võ khí hạt nhân bao gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Bà Clinton nói điều rõ ràng tại hội nghị của khối ASEAN là Bắc Triều Tiên không còn lại nước bạn nào trong cộng đồng quốc tế. Bà Clinton cho biết, những nhận định của Bắc Triều Tiên tại hội nghị của khối ASEAN cho thấy họ tỏ ra không muốn theo đổi việc phi hạt nhân hóa.

Một thành viên của phái đoàn Bắc Triều Tiên đến dự diễn đàn ASEAN bác bỏ đề nghị của bà Clinton là 'không có nghĩa lý’ gì. Các giới chức Bắc Triều Tiên đã nói với các nhà báo tại đây rằng họ coi như hội nghị sáu bên đã chết và không có triển vọng tái tục trừ phi Hoa Kỳ chấm dứt điều họ gọi là thái độ chống Bắc Triều Tiên.

Các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ không có giao tiếp nào với Bắc Triều Tiên. Nhưng tối hôm qua, các thành viên trong đoàn của bà Clinton có gặp phái đoàn Miến Điện.

Khi được hỏi, bà Clinton hoan nghênh việc Miến Điện bày tỏ ý định tôn trọng nghị quyết mới của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là siết chặt các biện pháp chế tài kinh tế đối với Bắc Triều Tiên.

Bà Clinton trả lời: "Tôi nghĩ rằng có một chiều hướng tích cực mà chúng tôi thấy nơi Miến Điện, cả ở sự hợp tác hiện hữu mà họ đã chứng tỏ trong vấn đề chiếc tàu của Bắc Triều Tiên, trong những tuyên bố của họ gởi cho chúng tôi và các nước khác là họ có ý định thực hiện phần vụ của mình để thi hành nghị quyết 1874 của Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, rõ ràng là chúng ta phải xem sự việc đó diễn biến như thế nào. Nhưng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra trước đây và chúng tôi rất phấn khởi về việc đó."

Bà Aung San Suu Kyi, vốn đã bị giam giữ hầu hết thời gian từ năm 1990 tới nay, hiện đang bị đưa ra xét xử về tội vi phạm điều lệ giam giữ tại nhà, một vụ xét xử có thể dẫn tới một án tù mới.

Các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ nói rằng: kết quả vụ xét xử bà Aung San Suu Kyi sẽ ảnh hưởng tới thiện chí của Hoa Kỳ và khả năng thực hiện các biện pháp tích cực trong quan hệ giữa hai nước, kể cả trường hợp có thể tái tục công cuộc đầu tư của Hoa Kỳ tại Miến Điện.

Lệnh cấm đầu tư này do chính phủ của Tổng Thống Bill Clinton áp dụng lần đầu và mới đây đã được Tổng Thống Obama gia hạn thêm 6 tháng nữa để chờ duyệt xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG