Các tổ chức nhân quyền ủng hộ một cách dè dặt Ủy ban nhân quyền mới của ASEAN. Theo tường trình từ Bangkok của Thông tín viên đài VOA, Ron Corben, thì các tổ chức dân quyền hy vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc tranh luận rộng rãi hơn về nhân quyền trong khu vực.
Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền nói rằng Đông nam Châu Á đã bước vào một kỷ nguyên mới trong việc quảng bá nhân quyền sau khi các vị bộ trưởng ngoại giao trong khối ASEAN thành lập một ủy ban nhân quyền mới.
Ông Rafendi Djamin, điều hợp viên của Liên minh Quốc tế ủng hộ cho nhân quyền của Indonesia phát biểu như sau.
Ông Rafendi nói: “ASEAN đang đứng trước tình thế không còn thay đổi lập trường được nữa vì đã có bản hiến chương nhân quyền rồi. Hiến chương được thông qua, chuẩn nhận với các nguyên tắc sâu xa về nhân quyền. Không một nước thành viên nào trong hiến chương có thể trốn tránh bổn phận này. Các nước thành viên sẽ phải giải quyết vấn đề này và phải cùng nhau thảo luận về vấn đề này vì thế đây là điều cơ bản khiến tôi cảm thấy lạc quan.”
Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong ASEAN đã chấp nhận kế hoạch vừa kể trong ngày hôm qua tại cuộc họp ở Phuket, Thái Lan.
Tuy nhiên, một số các nhân vật hoạt động nhân quyền tỏ ra thất vọng trước nỗ lực của Miến Điện muốn làm suy yếu ủy ban nhân quyền. Ủy ban sẽ không có quyền bảo vệ nhân quyền hay trừng phạt các nước vi phạm nhân quyền. Sứ mạng của Ủy ban hiện thời chỉ là quảng bá khái niệm về nhân quyền.
Ông Sinnapan Samdorai, thuộc Lực lượng đặc nhiệm về Công nhân di trú của ASEAN tại Singapore cho biết Miến Điện chống lại tất cả những yêu cầu về bảo vệ nhân quyền. Nhưng ông nói rằng ủy ban rồi ra sẽ đóng vai trò bảo vệ nhân quyền nhiều hơn.
Ông Sinapan nói: “Theo tôi, như mọi người thường nói, đây là một tiến trình biến hóa, nếu xét về mặt bảo vệ nhân quyền trong giai đoạn này thì ủûy ban sẽ phải mất ít nhất là 5 năm trước khi hoàn tất được bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ có khả năng tiến trình này sẽ chuyển biến và hứa hẹn sẽ có được một tiến trình biến hóa.”
Một số chính phủ trong khối ASEAN công khai chỉ trích tình trạng thiếu tiến bộ của Miến Điện trong lãnh vực nhân quyền và cải cách dân chủ. Chính phủ quân nhân nước này đang giam giữ trên 2,000 tù nhân chính trị, kể cả lãnh tụ phe đối lập là bà Aung San Suu Kyi.
Các tổ chức nhân quyền cũng hoan nghênh việc các tổ chức công dân có được vai trò rộng rãi hơn trong cuộc tranh luận về nhân quyền. Dưới quyền của ủy ban, các công đoàn cũng đóng một vai trò trong việc quảng bá quyền lợi của công nhân và dân di trú.
Ông Yuyun Wahyuningrum, Giám đốc chương trình đông Á của Diễn đàn Á châu, nói rằng xã hội cần phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất các điều khoản trong Ủy ban nhân quyền.
Hôm nay, các bộ trưởng và giới chức thảo luận các điều khoản chung quyết về việc thành lập ủy ban nhân quyền. Thỏa thuận chung cuộc được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo ASEAN vào tháng 10 năm nay.