Đường dẫn truy cập

Hội nghị G8 bế mạc với cam kết trợ giúp lương thực cho nước nghèo


Vào lúc kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Ý hôm thứ Sáu, các nhà lãnh đạo các nước G-8 đã cam kết sẽ dành riêng 20 tỉ đôla để tăng an ninh lương thực phẩm cho các nước nghèo, và hứa sẽ có cố gắng cụ thể để giảm bớt hệ quả do hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu gây ra. Từ thành phố L'Aquila, nơi hội nghị vừa diễn ra, Thông tín viên Sonja Pace của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây:

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng đây là một hội nghị để tìm sự đồng thuận hầu có thể đối phó với một loạt vấn đề, kể cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hiện tượng thay đổi khí hậu, vấn đề cấm phổ biến hạt nhân, và giúp các quốc gia nghèo nhất về mặt an ninh lương thực.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi cam kết sẽ dành riêng 20 tỉ đôla cho các chương trình tăng an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp để giúp xóa đói trên thế giới. Đây là những chương trình phụ trội, thêm vào các viện trợ nhân đạo khẩn cấp mà chúng tôi đang cung ứng.

Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc hoan nghênh loan báo đó và gọi đây là một thay đổi chính sách đáng khích lệ để giúp thành phần nghèo đói trên thế giới.

Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế bày tỏ thái độ tích cực nhưng dè dặt. Nhiều người cho rằng còn phải chờ cho tới khi chi tiết của chương trình ấy trở nên rõ rệt hơn.

Bấy lâu nay các tổ chức nhân đạo vẫn kêu gọi các nước G-8 hãy thực hiện đúng những gì đã cam kết về mặt viện trợ lượng thực và phát triển.

Hội nghị ở L'Aquila còn tập trung bàn thảo đề tài khí hậu thay đổi.

Lãnh đạo nhóm G-8 và các đối tác đến từ các nước mới trỗi dậy như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, đều đồng ý rằng nhiệt độ toàn cầu không nên tăng trung bình quá 2 độ bách phân, hơn mức của thời kỳ thế giới chưa được công nghiệp hóa.

Các nước G-8 cũng hứa sẽ cắt giảm 80% các loại khí gây hiệu ứng nhà kiếng trước năm 2050. Về vấn đề này, các nước đang phát triển hứa sẽ tham gia các cuộc đàm phán để cắt giảm khí thải, thế nhưng vẫn chưa đồng ý về những chi tiết của nỗ lực này.

Mặc dù Tổng Thống Obama gọi đây là một sự đồng thuận có tính chất lịch sử, nhưng ông nhìn nhận đó mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong những ngày sắp tới.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, thì cho rằng chỉ tiêu đặt ra cho năm 2050 là quá xa và cộng đồng quốc tế cần cố gắng hơn nữa để đạt được chỉ tiêu ấy trong thời hạn sớm hơn.

Một số tổ chức viện trợ và bảo vệ môi trường cũng cho rằng những tiến bộ đã đạt được là quá ít ỏi và quá chậm chạp.

Bên lề hội nghị, có nhiều lời bàn tán đặt nghi vấn về tính hợp thời của khối G-8, một tổ chức thoạt tiên gồm 6 nước thành viên khi mới thành lập vào năm 1975, gồm 6 nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Một số nhà lãnh đạo hội họp tại L'Aquila, trong đó có Tổng Thống Obama, đồng ý rằng cần phải thực hiện một số cải cách và mời gọi sự tham gia của một số quốc gia khác.

Một số người cho rằng mặc dù khối G-8 vẫn quy tụ một số quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, thế nhưng nhóm G-8 cũng không thể tự mình giải quyết các vấn đề mà toàn thế giới đang đối mặt, nếu không có sự tiếp tay của nhiều quốc gia khác.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG