Cuộc khủng hoảng tài chánh tại bang California đã kéo dài gần 2 năm cho tới nay chưa được giải quyết, cộng thêm với sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ và toàn thế giới đã khiến cho chính quyền bang phải đưa ra nhiều giải pháp cứu vãn trong đó có biện pháp cắt giảm các phúc lợi công cộng như an sinh xã hội, trợ cấp cho người già. Nhiều thành phần trong cộng đồng Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc cắt giảm này. Mời quý thính giả theo dõi thêm một số chi tiết với Hà Vũ.
Cuộc khủng hoảng tài chánh của bang California, nơi có số người Việt tị nạn cư ngụ đông nhất trên nước Mỹ, càng ngày càng thêm trầm trọng mà điển hình là con số hơn 40 tỉ đô la thiếu hụt ngân sách trong tài khóa 2009-2010.
Dân biểu Trần Thái Văn của California cho biết là đến cuối tháng 7 này, California sẽ không còn tiền để trả lương nhân viên nếu không giải quyết được cơn khủng hoảng về tài chánh này.
Dân biểu Trần Thái Văn: "Bang California không còn đủ ngân khoản để làm việc cũng như trả lương các viên chức và nhân viên vào cuối tháng 7. Đó là lời báo cáo của bộ trưởng Bộ Kinh tế của tiểu bang.”
Do đó, để gỉam bớt việc thiếu hụt ngân sách, vào giữa tháng 5 vừa qua, Thống Đốc Arnold đã đưa ra một bảng dự thảo ngân sách cho tài khóa 2009-2010 trong đó đề nghị cắt hầu hết những chương trình của chính phủ trong đó có một số chương trình nhằm trợ giúp những người nghèo, những người già, sinh viên cần tiền để đi học.
Dân biểu Trần Thái Văn cho biết về những cắt giảm này.
Dân biểu Trần Thái Văn: “Theo đề nghị của ông Thống đốc Arnold Schwarzenegger thì có rất nhiều chương trình an sinh xã hội cũng như chương trình công cộng, y tế mà ông Thống đốc muốn hũy bỏ luôn chứ không riêng gì chỉ cắt giảm. Có một số chương trình như là các công viên công cộng ông Thống đốc đề nghị đóng cửa luôn vào năm nay, cũng như là các chương trình giúp đỡ các người già hay các cụ cao niên, các chương trình an sinh xã hội hay là các chương trình giúp các sinh viên đi làm hoặc là có một số tiền phụ để các sinh viên có thể đi học thêm.”
Để giảm thiểu những thiệt hại do những đề nghị cắt giảm các chương trình phúc lợi do thống đốc bang California đưa ra, Dân biểu Trần Thái Văn đề nghị.
Dân biểu Trần Thái Văn: “Các đồng hương phải lên tiếng với tư cách là các cư dân và cử tri của tiểu bang với các vị dân biểu và nghị sĩ đại diện của họ trong các địa hạt khác nhau cùng với văn phòng ông Thống đốc để mà cố gắng nếu mà không giữ được một phần thì cố gắng tranh đấu tránh việc cắt giảm các chương trình nhất là từ văn phòng của ông Thống đốc đề nghị ra. Công việc này chúng tôi nghĩ là cũng sẽ thành công trong vấn đề tranh đấu cũng như là vận động tại vì hiện giờ vẫn chưa có một kết qua ûhoặc là một ngân sách được cả hai viện đồng ý cùng với ông Thống đốc. Bởi vậy lúc này là lúc tốt nhất để cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói riêng vẫn tiếp tục lên tiếng và tranh đấu cho nguyện vọng của mình.”
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, một nhà hoạt động cộng đồng cũng đề nghị cộng đồng Việt Nam cần phải lên tiếng để cho các nhà lập pháp lưu ý đến tiếng nói của mình.
Luật sư Nguyễn Quốc Lân: “Vấn đề phân định tài khóa của tiểu bang tùy thuộc rất nhiều vào tiền bạc có vào mỗi chương trình là bao nhiêu. Tuy nhiên nó cũng tùy thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng chính trị của mỗi thành phần được ủng hộ và sự phân định tài khóa của mỗi thành phần này như thế nào. Cho nên đối với cộng đồng thiểu số như cộng đồng Việt Nam chẳng hạn thì quan trọng là cần phải lên tiếng nói để người ta lắng nghe ảnh hưởng của mình, để người ta khi quyết định cắt giảm chương trình nào đó thì họ nhớ đến người này, nhớ đến những người chống đối, biểu tình, lên tiếng phản đối chẳng hạn để cân nhắc kỹ hơn. Tôi lấy ví dụ như là chương trình trợ giúp tài chánh cho những sinh viên đi học đại học chẳng hạn có lợi tức thấp. Đương nhiên thì họ cắt giảm chung hết nhưng họ thấy có những thành phần lên tiếng lớn. Lấy ví dụ như cộng đồng Việt Nam lên tiếng nhiều về vấn đề đại học chẳng hạn thì bất cứ vị dân cử nào trong khu vực có đông người Việt Nam đều cân nhắc những trường hợp đó. Họ nghe từ phản đối, họ nghe từ thỉnh nguyện thư, họ nghe từ người biểu tình về chương trình tài trợ du học thì họ cân nhắc kỹ hơn trước khi họ quyết định. Họ nghĩ rằng họ sẽ phải đối đầu với những thành phần cử tri trong khu vực đó. Lấy ví dụ khác như trường hợp trợ cấp những nghười nghèo, trợ cấp y tế cho những di dân nghèo chẳng hạn, trợ cấp bảo hiểm sức khỏe cho những người có con nhỏ vừa đi học vừa đi làm. Đây là những thành phần nói chung trong xã hội thấp cổ bé miệng có ảnh hưởng chính trị nhiều. Những thành phần này mà không lên tiếng thì người ta cắt đi những chương trình đó vì họ không nghe tiếng nói của những người này. Cho nên điều quan trọng là cộng đồng Việt Nam từ khắp mọi thành phần dù bị ảnh hưởng hay không cũng nên lên tiếng cho những người này.”
Luật sư Lân cũng cho rằng để tiếng nói của cộng đồng người Việt được lưu ý, người Việt định cư tại California cũng như các nơi khác trên nước Mỹ cần phải tích cực tham gia các cuộc bầu cử.
Luật sư Nguyễn Quốc Lân: “Cộng đồng Việt Nam ở đây phải ghi danh bầu cử thật đông hơn, phải tham gia bỏ phiếu thật đông hơn. Không những cùng một lúc lên tiếng bảo vệ những nguồn tài chánh đó mà cùng một lúc vận động những chương trình khác, ghi danh bầu cử, tham gia bầu cử. Nếu những dân biểu nghị sĩ đó thấy tác động của cộng đồng Việt Nam liên quan đến việc cắt giảm tài khóa ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam thì họ rấùt là sợ. Tại vì những người dân cử họ chỉ sợ có 2 điều mà thôi. Thứ nhất là nguồn tài trợ tranh cử của họ. Thứ hai là nguồn phiếu bầu của họ. Đây là 2 vấn đề họ rất là sợï. Thành ra nếu cộng đồng Việt Nam làm lớn chuyện lên thì chẳng sớm thì muộn họ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nguồn phiếu bầu này.”
Theo dân biểu Trần Thái Văn, trong dịp này, cộng đồng Việt Nam cần phối hợp với các cộng đồng các sắc dân thiểu số khác để cuộc vận động được hiệu quả hơn.
Ông Trần Thái Văn: “Trong vấn đề tranh đấu và vận động, từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như cộng đồng bạn khác nhau. Bởi vậy đây là sự liên kết không riêng gì của một cộng đồng thiểu số nhưng có rất nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng trong suy thoái kinh tế này.”
Đề cập đến những lạm dụng xảy ra trong việc hưởng các phúc lợi xã hội, dân biểu Trần Thái Văn cho biết trong những ngày tới bang California sẽ có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Dân biểu Trần Thái Văn: “Phải có những biện pháp kiểm soát giảm sự gian lận cũng như xài tiền của dân đóng thuế một cách phung phí. Bởi vậy nên trong ngân sách tiểu bang nói riêng vào năm nay sẽ có thêm một số các biện pháp từ phía lập pháp đã được giới thiệu ra để bên hành pháp, bên chính phủ của ông Thống đốc Schwarzenegger cần phải thi hành để quan sát cũng như giám sát chi phí được dùng không riêng gì với chi phí của chương trình an sinh xã hội nhưng với tất cả những chương trình khác của tiểu bang California.”
Tuy nhiên, đề nghị của Thống Đốc California cần phải được sự chấp thuận của Hạ viện và Thượng viện của bang và hiện nay Quốc hội của California đang họp để cứu xét về vấn đề này.
Dù kết quả như thế nào đi chăng nữa thì trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay, người Việt tại California cũng phải trải qua nhiều khó khăn hơn trước.
Đọc nhiều nhất
1