Nhiều chuyên gia về Iran đã phát biểu tại một cuộc họp bàn tròn do Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện tổ chức hôm qua để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn ở Iran và về các phương sách mà Hoa Kỳ có thể chọn lựa cho chính sách đối ngoại. Các chuyên gia đồng ý rằng bất chấp sự đàn áp của chính phủ Iran đối với các cuộc biểu tình ôn hòa, phong trào đối lập còn lâu mới kết thúc. Thông tín viên Cindy Saine của đài VOA tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ John Kerry của đảng Dân chủ, cho rằng các diễn biến tại Iran kể từ sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hôm 12 tháng này đã gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế trước sự đàn áp của chính phủ Iran và tạo ra thiện cảm đối với những người biểu tình chống đối đòi thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ về số phiếu bầu.
Ông Kerry nói rằng Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một sự đáp ứng chính thức rất chuẩn mực của Hoa Kỳ.
Ông Kerry nói: “Nhưng nếu chúng ta thực sự mong muốn đem lại sức mạnh cho những thành phần ôn hòa thay vì chỉ lấy điểm về lý luận, thì chúng ta phải thừa nhận cách thức những lời phát biểu của chúng ta được lắng nghe ra sao cách nửa vòng thế giới. Nước Mỹ có một quá trình quan hệ lâu dài và đầy khó khăn với Iran.”
Nhiều nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng Hòa và một số của đảng Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống Obama có phản ứng mạnh hơn đối với việc Iran sử dụng bạo lực để trấn át. Tổng thống đã nói rằng ông không muốn đem lại cho Iran một cái cớ để nói rằng Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ Iran, và rằng, trong tư cách tổng thống, các lời lẽ của ông sẽ gây ra những hậu quả.
Chuyên gia phân tích Karim Sadjadpour thuộc tổ chức Quỹ Hòa Bình Quốc Tế Carnegie đồng ý với thượng nghị sĩ Kerry rằng ông Obama có lý khi tỏ ra thận trọng trong lời lẽ, và gọi lập trường của của tổng thống là 'chín chắn và đầy hảo ý'. Ông Sadjadpour nói rằng các nhà lãnh đạo đối lập ở Iran mà ông đã tiếp xúc chưa yêu cầu Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn.
Ông Sadjadpour giải thích: “Và tôi đã nói với mọi người rằng tôi xin nhường quyền phê phán cho chính các nhà lãnh đạo phong trào đối lập của Iran. Và nếu họ tiếp tục yêu cầu Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng và tự chế không nên đóng một vai trò trực tiếp hơn, thì họ biết rõ tình hình hơn chúng ta nhiều.”
Ông Sadjadpour kêu gọi các nước không phải thuộc khối Tây phương, như Nhật Bản và Nam Phi, hãy cực lực lên án các hành động đàn áp của chính phủ Iran và bầy tỏ tình đoàn kết với người biểu tình.
Ông Michael Singh là một chuyên gia thuộc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington và từng là giám đốc đặc trách các vấn đề Trung Đông trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Singh nói ông tin rằng các triển vọng giao tiếp với chính phủ ở Tehran đã mờ nhạt và rằng Hoa Kỳ cần phải dành cho các thành phần chống đối ở Iran toàn bộ hậu thuẫn mà Hoa Kỳ có thể có.
Ông Singh lập luận: “Tôi thực tình cho rằng nếu Iran nhận thấy là họ không mất mát gì trong khi cộng đồng quốc tế bầy tỏ sự phẫn nộ như thế, thì điều đó thực sự khiến chúng ta phải bó tay về vấn đề hạt nhân. Và thực tình là chung cuộc chúng ta phải trở lại tư thế đó, mà không còn chọn lựa nào khác.”
Các chuyên gia đồng ý rằng đối với chính phủ Iran, thì cuộc khủng hoảng mới vừa bắt đầu.
Chuyên gia Karim Sadjadpour nêu nhận định: “Phe đối lập đang bước vào một giai đoạn mới. Thay vì biểu dương lực lượng ngoài đường phố và tìm cách thu hút các đám đông, tôi nghĩ họ thừa nhận rằng bước kế tiếp của họ là tìm cách nhắm mục tiêu vào các nguồn huyết mạch chính của nền kinh tế Iran. Và họ đã kêu gọi đình công trong các tầng lớp thương mại, các cửa hàng, trong số các công nghiệp chủ yếu như công nghiệp dầu hỏa và các tổ chức lao động.”
Ông Sadjadpour và các chuyên gia khác đã khuyến cáo các thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ hãy khoan thông qua các nghị quyết đề xuất các biện pháp chế tài nhắm vào chính phủ Iran, và nói rằng tốt hơn là nên chờ đợi và để các diễn biến tiến hành trên các đường phố của Iran.
Đọc nhiều nhất
1