Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến các tin tức về bạo động xảy ra sau bầu cử Tổng Thống ở Iran, và về những biểu hiện bất thường trong cuộc bầu cử.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ian Kelly hôm thứ hai nói rằng sự nhiệt tình và sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc bầu cử đã lôi cuốn sự chú ý khắp thế giới.
Quyền cơ bản về bày tỏ ước muốn của người dân cần phải được tôn trọng.
Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Iran. Và lập trường của Hoa Kỳ vẫn muốn giao tiếp thẳng với Iran về những vấn đề quan trọng như chương trình hạt nhân và thái độ ủng hộ khủng bố của Iran.
Tại New York, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi lãnh đạo Iran tôn trọng ý muốn của nhân dân trong lúc điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử.
Tại châu Âu các Ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu đang họp ở Luxembourg ra thông cáo kêu gọi Iran điều tra các khiếu nại do các đối thủ của Tổng Thống Ahmadinejad đưa ra.
Liên hiệp cũng quan tâm sâu sắc trước việc sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình phản đối kết quả thắng lợi của ông Ahmadinejad.
Người Iran đang sống ở nước ngoài hôm thứ hai đã tổ chức những cuộc biểu tình ở Kuala Lumpur, Dubai và London.
Cảnh sát Malaysia đã sử dụng đạn cay để giải tán khoảng 500 người Iran tụ tập ở Kuala Lumpur.
Nhiều thành phố ở Hoa Kỳ hôm thứ Hai cũng có biểu tình của các nhóm Iran lưu vong.
Chính phủ Pháp và Đức đã mời đại sứ Iran đến để trình bày các quan tâm của họ về sự công bằng của cuộc bầu cử và về các vụ bạo động sau bầu cử.
Báo chí nhà nước Bắc Triều Tiên đưa tin: chính phủ Bình Nhưỡng đã gửi điện chúc mừng ông Ahmadinejad đã đánh bại điều mà Bình Nhưỡng gọi là 'sự can thiệp của nước ngoài' vào công việc nội bộ của Iran.