Các nhà khoa học Hoa Kỳ đang triển khai một loại thuốc chủng thử nghiệm chống lại virut gây ra bệnh AIDS, sử dụng một kỹ thuật mới mẻ có thể đẩy nhanh hệ thống miễn nhiễm tự nhiên trong cơ thể. Loại thuốc chủng ngừa mới này đã được thí nghiệm thành công với loài khỉ, nhưng cũng còn nhiều năm nữa trước khi con người có thể sử dụng được. Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên đài VOA Jessica Berman, nó thắp lên một tia hy vọng mới là có thể phòng tránh sự lan tràn của một căn bệnh đã giết chết 20 triệu người và gây hiễm bệnh cho 33 triệu người khác trên toàn thế giới.
Bác sĩ Philip Johnson và một toán các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng Philadelphia và Trường Y Khoa thuộc đại học Philadelphia quyết định theo đuổi phương pháp mới của họ, vì như ông Johnson nói, mọi cố gắng trước đây nhằm tìm cách giúp hệ thống miễn nhiễm tự nhiên của con người có thể loại trừ sự lây nhiễm HIV đều thất bại.
Bác sĩ Johnson nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã mất khá nhiều thời gian và người ta cũng thấy rằng những phương pháp truyền thống không đem lại hiệu quả gì nhiều. Và chẳng thấy có điều gì chứng tỏ những phương pháp đó sẽ có hiệu nghiệm trong đoản kỳ.”
Thay vì thế, bác sĩ Johnson và các đồng sự của ông quyết định theo đuổi một hướng nghiên cứu mà họ đã bắt đầu từ 10 năm qua, tập trung vào những chất đạm đặc biệt giống như các kháng thể có thể vô hiệu hóa virut HIV. Tránh né hệ thống miễn nhiễm, các nhà nghiên cứu tạo ra những chất đạm từ một loại virut tương tự như HIV gọi là SIV thường làm loài khỉ nhiễm bệnh. Họ dùng DNA của những chất đạm đó tạo ra một thứ virut lạnh và vô hại rồi chích chất đó vào bắp thịt những con khỉ không bị nhiễm SIV trong phòng thí nghịêm.
Sau khi được chích vào bắp thịt con khỉ, những gien vừa nói bắt đầu sản sinh ra những chất đạm chống SIV, gọi là chất dính miễn nhiễm lưu hành khắp các mạch máu của khỉ, dính kết với SIV và ngăn virut này tiêm nhiễm các tế bào khỏe.
Để có thể tạo ra thuốc chủng cho người, bác sĩ Johnson nói các nhà nghiên cứu cần tạo ra chất dính miễn nhiễm từ những người đã bị nhiễm HIV từ nhiều thập niên, trong một số ca trước khi họ bị chuyển qua bệnh AIDS.
Bác sĩ Johnson cho biết: “Và điều chúng ta có thể làm là lấy ra các tế bào từ những người đó và chọn ra và những gien có trách nhiệm ngăn chặn AIDS. Và rồi chúng ta có thể dùng những gien đó triển khai những phân tử mới trong phòng thí nghiệm rồi chích vào những người chưa bao giờ bị HIV. Và trong trường hợp nghiên cứu về khỉ mà chúng tôi vừa công bố, chúng tôi đã có thể dùng phương thức đó để bảo vệ những con khỉ.”
Công trình nghiên cứu vừa kể được đăng trên tạp chí Nature Medicine, sử dụng 9 con khỉ loại nhỏ mà các khoa học gia chích vào cơ thể của chúng chất dính miễn nhiễm SIV đã được biến đổi.
Bốn tuần sau khi 9 con khỉ bị chích virut SIV sống vào cơ thể, thì 6 con hoàn toàn không bị nhiễm bệnh. Và các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hơn một năm sau đó, tất cả số khỉ vẫn còn những nhóm kháng thể cao trong máu của chúng.
Ngược lại, một nhóm 6 con khỉ khác không được miễn nhiễm đã bị nhiễm SIV, trong số đó 4 con chết trong thời gian thử nghiệm vì những biến chứng của bệnh AIDS. Ba con khỉ đã được miễn nhiễm sau đó bị nhiễm SIV không hề bị chuyển qua bệnh AIDS.
Ông Seth Berkley, Chủ tịch và cũng là người sáng lập ra ra tổ chức Sáng Kiến thuốc Chủng Ngừa Bệnh Aids đã biểu dương việc tìm ra thuốc chủng SIV như là một sự kiện khoa học quan trọng.
Ông Berkley nói: “Chúng tôi chưa dám chắc chung cuộc điều này có tạo ra thuốc chủng hay không. Nhưng nếu chúng ta có thể dùng phương pháp này và biểu hiện được một sự bảo vệ, thì điều đó có thể chứng minh cho một khái niệm, và không gì quan trọng hơn đối với hiện trường là có một minh chứng về khái niệm, và chúng ta cũng có thể ấn định những mức độ kháng thể cần thiết và hiểu được sự bảo vệ chống căn bệnh.”
Trong khi đó, bác sĩ Philip Johnson và các đồng nghiệp của ông dự trù sẽ sớm gặp gỡ các nhà điều hành thuộc tổ chức Quản Lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, nhằm soạn thảo chi tiết về những cuộc thử nghiệm thuốc chủng ngừa HIV dành cho con người, một công trình có thể khởi sự trong vòng 2 năm tới đây.
Đọc nhiều nhất
1