Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện siết chặt an ninh cho phiên xử bà Suu Kyi


Tại Miến Điện, an ninh được bảo vệ chặt chẽ bên ngoài nhà tù nơi các giới chức tiến hành các thủ tục pháp lý đối với nhà lãnh đạo dân chủ là bà Aung San Suu Kyi. Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình này đang phải đối diện với án tù 5 năm về các cáo buộc đã bị nhiều người lên án là một cái cớ để tiếp tục quản thúc bà. Và theo tường trình từ Bangkok của thông tín viên đài VOA Daniel Schearf thì không phải chỉ các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện mới bị áp lực ngày càng gia tăng đòi phải trả tự do cho bà Suu Kyi.

Cảnh sát chống bạo động và các hàng rào dây kẽm gai bao quanh nhà tù nơi bà Aung San Suu Kyi bị đưa ra xét xử hôm nay về các cáo buộc vi phạm các điều khoản về tình trạng quản thúc tại gia của bà.

Tin cho hay mấy chục người ủng hộ bà có mặt bên ngoài nhà tù nhưng không rõ là họ có ý định thực hiện một cuộc biểu tình hay không, trong tình hình Miến Ðiện đang bị kiểm soát chặt chẽ như thế.

Nhưng những người chống đối vụ xử bà Aung San Suu Kyi đã dự trù biểu tình tại một số thành phố trên khắp thế giới.

Tại thủ đô Thái Lan sáng nay, những người phản đối vụ xử đã biểu tình bên ngoài đại sứ quán Miến Điện, lớn tiếng đòi giới lãnh đạo quân nhân Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và trên 2,000 tù nhân chính trị khác.

Người biểu tình yêu cầu cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á, tức ASEAN, tạo thêm áp lực đối với Miến Điện.

Ông Julian Pieniakzek thuộc tổ chức Tự do cho Miến Điện của Thái Lan, là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình. Ông nói rằng họ lấy làm kinh tởm trước sự kiện một số nước vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho giới cầm quyền quân đội Miến Điện, những kẻ tự xưng là Hội đồng phát triển và hòa bình quốc gia.

Ông Pieniazak nói: “Quý vị chỉ cần nhìn vào những bản tin trên báo chí trong mấy ngày vừa qua để thấy một sự im lặng làm người ta sững sờ của các nước trong ASEAN, của Trung Quốc, của Nga. Những nước này chẳng lý gì đến những gì đang xảy ra tại Miến Điện ngoài chuyện họ không muốn loại bỏ SPDC ra khỏi quyền hành.”

Liên hiệp quốc và một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Thái Lan và Singapore, đã tỏ ra quan ngại về vụ đưa bà Aung San Suu Kyi ra xét xử, trong khi Philippines đã cùng với nhiều nước Tây phương bày tỏ sự phẫn nộ đối với các cáo buộc nhắm vào nhà lãnh đạo dân chủ của Miến Điện.

Hôm thứ sáu, Hoa Kỳ đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Miến Điện.

Giới lãnh đạo quân đội Miến Điện đã đặt bà Aung San Suu Kyi trong tình trạng quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 19 năm qua, hạn chế không cho bà tiếp xúc với thế giới bên ngoài và chỉ họa hoằn mới cho phép bà tiếp những người đến thăm.

Một chuyến thăm không được phép của ông John Yettaw, một người đàn ông Mỹ trước đây trong tháng này có thể khiến cho bà Aung San Suu Kyi và hai người trợ lý của bà phải lãnh án tù từ 3 tới 5 năm.

Ông Yettaw, người đã bơi qua một cái hồ và ở lại nhà bà Suu Kyi 2 đêm, cũng sẽ bị đưa ra xử về tội vi phạm các luật lệ về an ninh và di trú của Miến Điện.

Người ta trông thấy một chiếc xe của đại sứ quán Hoa Kỳ chạy vào nhà tù, nhưng các vị đại sứ của Anh, Pháp, Đức và Ý cũng muốn đến tham dự phiên xử đã không được phép vào.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền và chính phủ các nước Tây phương nói rằng vụ xử chỉ là một cái cớ để kéo dài thời gian giam giữ bà Suu Kyi sắp sửa hết hạn vào cuối tháng này nhưng theo thông lệ vẫn được gia hạn mỗi năm.

Vụ xử bà Suu Kyi diễn ra trước cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi tại Miến Điện vào năm 2010. Cuộc bầu cử này bị chỉ trích chỉ là một cuộc bầu cử giả hiệu để quân đội Miến Điện nắm chắc thêm quyền lực.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 nhưng quân đội Miến Điện đã làm ngơ kết quả cuộc bầu cử và đặt bà trong tình trạng quản thúc tại gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG