Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng chớ đụng vào các quần đảo có tranh chấp ở Biển Nam Trung Quốc (Biển Đông) và nói với Liên hiệp quốc rằng họ có chủ quyền bất khả tranh nghị đối với vùng biển đã trở thành nơi phát sinh những mối căng thẳng khu vực.
Theo tin hôm thứ ba của hãng thông tấn Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc cho biết chính phủ nước ông đã gởi một công hàm cho Tổng thư ký Ban Ki Moon của Liên hiệp quốc trong đó nói rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận các nước khác đòi chủ quyền các đảo này.
Trong bài phát biểu đăng tải ở trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối thứ hai, ơng Mã Triêu Húc tuyên bố rằng 'Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản hạt không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Nam Trung Quốc và vùng biển phụ cận'. Ông cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hải dương dựa trên lập trường và chủ trương nhất quán của mình.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng thương thảo về các đường ranh giới trên biển.
Tuyên bố của ông Mã Triêu Húc không phản ánh thay đổi nào trong lập trường tổng quát của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của những tuyên bố trái ngược nhau của các nước trong vùng về các đảo này, những hành động của Bắc kinh đã nêu bật mối căng thẳng ngày càng tăng ở vùng biển có tầm quan trọng về chiến lược và có nhiều tài nguyên này.
Hiện có 6 nước đòi chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc đang tiếp nhận báo cáo để xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các nước.
Mới đây, Việt Nam và Malaysia đã nộp cho Ủy ban này một báo cáo chung về thềm lục địa kéo dài liên quan tới hai nước. Tháng 3 vừa qua, Philippines cũng đã thông qua một đạo luật khẳng định chủ trương chủ quyền đối với một phần quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã phản đối những hành động vừa kể và các nước liên hệ cũng đáp lại bằng những tuyên bố khẳng định chủ trương của mình.
Phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố rằng nội dung công hàm gởi Liên hiệp quốc của Trung Quốc và bản đồ đính kèm đã 'vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông'.