Đường dẫn truy cập

Cuộc triển lãm các công trình nghệ thuật mới nhất của Maya Lin


Một cuộc triển lãm mới của nhà điêu khắc và kiến trúc nổi tiếng của Hoa Kỳ từng thiết kế đài tưởng niệm các binh sỹ Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam đang được tổ chức tại phòng triển lãm nghệ thuật Corcoran ở thủ đô Washington. Công trình nghệ thuật của Maya Lin sẽ được Dana Demange thuật lại trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây.

Điều đáng ghi nhận nhất về Maya Lin là bức tường đá đen, đài tưởng niệm những binh sỹ Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền nam Việt Nam, công trình của nhà kiến trúc và điêu khắc gia này đã được hoàn tất năm 1982 tại thủ đô Washington.

Toàn bộ các tác phẩm và công trình của bà gồm các đài tưởng niệm, các tòa nhà và các tác phẩm điêu khắc đều chịu ảnh hưởng của thiên nhiên. Nghệ thuật của bà cũng biểu lộ sự chú ý đến công cuộc vận động bảo tồn môi trường.

Trong mùa xuân này, Viện bảo tàng nghệ thuật Corcoran tại thủ đô Washington đã khai mạc cuộc triển lãm có tên là 'Cảnh Quan có hệ thống', trình bày một số các công trình nghệ thuật mới nhất của bà.

Thoạt bước vào nơi triển lãm, khách đến thưởng ngoạn thấy ngay một tác phẩm điêu khắc thật lớn, khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Tác phẩm này trông giống như một ngọn đồi hay một ngọn sóng chiếm trọn một căn phòng. Tác phẩm có tên là 'Cảnh quan 2x 4'. Nó được tạo thành với hơn 50,000 miếng gỗ. Điểm cao nhất của ngọn đồi dốc thoai thoải này cao chừng 3 mét, trong khi điểm thấp nhất chỉ dày chừng vài centimet.

Khách đến xem có thể ngắm nhìn công trình này từ 3 phía, và người ta có cảm tưởng rằng nếu được bước đi trên đó thì thật là điều thích thú.

Thoạt đầu dường như có một điều gì bất thường khi thấy một cảnh quan thiên nhiên như một ngọn đồi lại ở ngay bên trong một viện bảo tàng. Nhưng đấy lại chính là chủ đích của nữ điêu khắc gia Maya Lin. Tác phẩm của bà nhìn sâu vào cảm nghĩ của con người đối với cảnh quan trong một thời đại mà ảnh hưởng cuả công nghệ và ý thức về môi trường ngày càng tăng cao.

Một tác phẩm khác có tên là 'Water Line' xin tạm dịch là 'Đường Nét Dưới Nước', cũng chiếm trọn một căn phòng. Đó là một đường làm bằng dây kẽm trông giống như một cái lưới bồng bềnh, lơ lửng giữa trời. Những đường nét thể hiện một khu vực núi non sâu dưới nước trong vùng biển Đại Tây dương.

Bà Maya Lin đã cùng làm việc với các khoa học gia hải dương học để tạo nên hình ảnh 3 chiều của nơi này tại Đại tây Dương. Sau đó bà tái tạo hình ảnh đó bằng mô hình điêu khắc nhỏ hơn. Chóp của lưới này biểu trưng cho phần cảnh quan duy nhất có thể nhìn thấy được trên mặt nước: đó là đảo Bouvet, một trong những hòn đảo cô lập nhất trên thế giới.

Nhưng không phải tất cả những tác phẩm của nữ điêu khác gia Maya Lin đều to lớn. Trong một căn phòng khác, khách đến xem có thể thấy một loạt tác phẩm có tên là 'Atlas Landscapes', tạm dịch là 'Cảnh Quan Họa Đồ'. Trong loạt tác phẩm này, bà Maya Lin đã biến nguyên một tập bản đồ thành các tác phẩm điều khắc.

Trong bộ tác phẩm khác có tên là 'Bodies of Water' tạm dịch là 'Các Vùng Biển', giống như một bài học địa lý mang tính chất nghệ thuật, với những vùng biển được làm bằng các phiến gỗ mỏng, cắt theo hình biển Caspienne, biển Đen và biển Đỏ. Nhiều lớp gỗ mỏng trong mỗi tác phẩm điêu khắc càng lúc càng mỏng hơn ở dưới đáy, tượng trưng cho phần sâu nhất của biển khơi.

Một loạt tác phẩm khác có tên là 'Fractured Landscapes', tạm dịch là 'Cảnh Quan Gãy Đổ', trông giống như những hình vẽ sông và suối, nhưng nó lại được tạo thành bởi giấy ép vào những tấm kính vỡ trên có phết mực.

Một tác phẩm khác có tên là 'Sông Dương Tử bằng Đinh Ghim', dành cho đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, làm bằng 30,000 cái đinh ghim gắn lên tường. Những cây đinh ghim này xếp theo hình một trong những con sông dài nhất thế giới.

Nữ nghệ sỹ Maya Lin chào đời tại Athens, bang Ohio, vào năm 1959. Cha mẹ bà mỗi người đã chạy trốn khỏi Hoa lục vào cuối thập niên 1940. Họ gặp nhau và kết hôn khi sống tại Hoa Kỳ. Sau đó, cả hai cũng dạy tại đại học Ohio. Thân mẫu của nữ nghệ sỹ này, bà Julia Lin, là một giáo sư văn chương, còn thân phụ, ông Henry Lin, là một nghệ nhân chuyên về đồ gốm.

Từ ngày còn nhỏ Maya Lin đã chơi nghịch với đất xét trong xưởng gốm của cha. Và từ nhỏ cảnh trí đồi núi gần nhà cô cũng đã có ảnh ảnh đến cô rất nhiều.

Maya Lin đã học kiến trúc tại đại học Yale tại New Haven, bang Connecticut. Vào lúc 21 tuổi, cô đã thắng giải trong cuộc thi họa kiểu đài tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt nam để xây tại thủ đô Washington.

Đài tưởng niệm do cô họa kiểu khác hẳn với những đài tưởng niệm chiến tranh khác, rất hiện đại, đơn giản và đầy biểu lộ. Kiến trúc này được tạo thành bởi 2 bức tường đá hoa cương màu đen, thật dài và gặp nhau tại một góc, xây thấp hơn mặt đất. Khắc trên phiến đá đen này là tên của hơn 58,000 người Mỹ đã bỏ mình hay mất tích trong cuộc chiến. Maya Lin đã chủ tâm chọn loại đá hoa cương đen bóng, để khi khách đến xem đài tưởng niệm sẽ thấy bóng của họ phản chiếu trên tường.

Theo nữ nghệ sỹ này thì cái chết là một điều rất riêng tư có tính cách cá nhân. Đài tưởng niệm này là một nơi chốn tĩnh lặng để cho mọi người dến để thỏa hiệp với những mất mát do chiến tranh gây nên. Thoạt tiên, nhiều người chỉ trích dự án xây đài tưởng niệm này, cho rằng nó không biểu hiện tính cách anh hùng liệt sỹ. Nhưng một khi đài được xây xong, thân nhân những người đã vắng bóng, những cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam, và công chúng đã chấp nhận vẻ đẹp của đài tưởng niệm và xúc cảm mạnh mà nó mang đến. Từ đó đến nay, đài tưởng niệm trở thành một trong những nơi được du khách đến thủ đô thăm viếng nhiều nhất.

Kiến trúc sư và điêu khắc gia Maya Lin còn họa kiểu cho nhiều đài tưởng niệm, các tòa nhà, và cả viện bảo tàng. Viện bảo tàng mới của người Hoa tại Hoa Kỳ ở thành phố New York sẽ được mở cửa vào mùa hè năm nay cũng do Maya Lin họa kiểu.

Trông bề ngoài, tòa nhà mang vóc dáng rất hiện đại, nhưng ở bên trong, lối kiến trúc sẽ nối kết chặt chẽ với kiến trúc cổ truyền của Trung Hoa.

Maya Lin từng nói rằng bất cứ những gì mà bà sáng tạo đều không thể sánh với vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên. Nhưng những công trình của bà là một đáp ứng trước vẻ đẹp ấy.

Khách đến xem các tác phẩm của bà cùng một lúc sẽ được thưởng ngoạn cái đẹp của nghệ thuật lẫn môi trường thiên nhiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG