Trong cuộc nói chuyện với các sinh viên Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 7 tháng 4, thượng nghị sĩ John McCain của Mỹ đã kêu gọi Việt Nam thực thi cải cách chính trị và cải thiện nhân quyền. Chính khách kỳ cựu từng mạnh mẽ ủng hộ cho việc bình thường hóa bang giao với Việt Nam cũng đã kêu gọi Hà Nội tăng cường quan hệ quân sự với Washington để ứng phó với điều mà ông gọi là 'những thách thức mới về an ninh trong khu vực', sau khi xảy ra vụ đối đầu hồi gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở biển Đông. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về diễn tiến đáng chú ý này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.
Thượng nghị sĩ John McCain, cựu ứng cử viên tổng thống và là thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng hối thúc Việt Nam tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ để ứng phó với điều mà ông gọi là 'những thách thức mới về an ninh' ở Biển Đông.
Trong bài nói chuyện hồi đầu tháng này tại Học viện Ngoại giao ở Hà nội, ông McCain đã đề cập tới vụ các tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu khảo cứu hải dương Impeccable của hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Việt Nam và đề nghị Hà Nội mở rộng hợp tác với Washington trong lãnh vực quân sự và quốc phòng.
Trong lúc nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước tiếp tục tỏ ý 'bức xúc' về những hành vi của Trung Quốc mà họ cho là xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và đòi hỏi giới lãnh đạo Hà nội có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam đã không tường thuật nhiều về lời kêu gọi vừa kể của ông McCain, mặc dù họ nói khá nhiều về việc ông McCain tán dương những thành quả mà Việt Nam đạt được trong những năm qua.
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, đã cho biết nhận xét của ông về việc này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ cái đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì các báo Việt Nam, các loại báo in, báo chính thức, đều là báo của nhà nước hoặc của các cơ quan gắn chặt với nhà nước; và bản thân nhà nước Việt Nam cũng muốn giữ một sự cân bằng nào đó với Trung Quốc, không muốn làm cho mối quan hệ với Trung Quốc căng thẳng lên. Đấy là một vấn đề tương đối tế nhị của nhà cầm quyền Việt Nam, luôn luôn phải có sự cân bằng. Tôi nghĩ rằng hợp tác với Hoa Kỳ nếu đẩy mạnh lên về mặt quân sự là tốt, nhưng cái hợp tác đấy mà lại có một hàm ý là để chống Trung Quốc thì không phải là hay. Bởi vì như thế thì có thể làm cho quan hệ với Trung Quốc bị căng thẳng thêm lên. Có lẽ vì lý do đó mà các báo ở Việt Nam nói nhiều đến những điểm khác mà không nhấn mạnh tới vấn đề hợp tác quân sự.
Tiến sĩ Vũ Tường, một chuyên gia về chính trị Á Châu của Đại học Orgeon, cho biết rằng phát biểu của thượng nghị sĩ McCain tại Hà nội là một diễn tiến quan trọng vì nó đánh dấu lần đầu tiên một chính khách nhiều thế lực của Mỹ công khai cổ xướng cho việc siết chặt quan hệ quân sự Việt-Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tiến sĩ Vũ Tường: Mặc dù trước kia trong chỗ riêng tư giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ đã bàn thảo với Việt Nam nhiều lần với về vấn đề này, nhưng đây là lần đầu tiên mà họ nói công khai. Tôi nghĩ rằng những người trong “phe diều hâu” của chính phủ Mỹ đã có vẻ sốt ruột với tiến trình chậm chạp của việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự, một vị cố vấn của Quĩ Nghiên cứu Biển Đông đang làm việc ở Washington, tán đồng nhận xét vừa kể và cho biết thêm như sau.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự: Ông McCain tuy không trúng cử Tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi cuối năm ngoái nhưng vẫn là một nhân vật chính trị có nhiều ảnh hưởng ở Mỹ. Việc ông công khai kêu gọi mở rộng hợp tác quân sự giữa Mỹ với Việt Nam có thể nói là một sự kiện bất ngờ, vì đây là lần đầu tiên một chính khách cao cấp của Mỹ đã công khai kêu gọi sự hợp tác này. Bài phát biểu này tuy ngắn nhưng đề cập đến nhiều điểm quan trọng trong quan hệ chiến lược Việt-Mỹ, mà theo tôi có hai điểm chính cần lưu tâm. Một là vấn đề hợp tác quân sự và hai là vấn đề kêu gọi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái bình dương (Trans-Pacific Partnerships Agreement). Về hợp tác quân sự tôi thấy cần làm rõ rằng ông không kêu gọi hợp tác quân sự Mỹ-Việt nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á nói chung. Kêu gọi của ông chủ yếu nhằm vào việc bảo vệ quyền tự do đi lại cũng như các giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Vì thế, hợp tác quân sự Việt-Mỹ được ông đặt trong ngữ cảnh chung là hợp tác quân sự giữa Mỹ và các nước Asean khác có cùng quyền lợi ở biển Đông như Philippines, Indonesia và Singapore. Về mặt chiến lược thì Việt Nam và Mỹ có một số lợi ích chung ở Biển Đông, tuy không nhiều. Có lẽ những lợi ích chung này xuất phát từ chỗ Việt Nam chúng ta hiện nay đang ở thế yếu trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc về các vùng biển và đảo ở Biển Đông. Vì ở thế yếu, chiến lược hợp lý nhất của Việt Nam trong ngắn hạn có lẽ là tìm cách duy trì nguyên trạng. Và để duy trì nguyên trạng trong điều kiện Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự thì tốt nhất là Việt Nam và các nước Asean khác phải lôi kéo được các bên thứ ba vào cuộc cờ này.
Ông Trần Vinh Dự nói thêm rằng Mỹ, Nhật, Hàn quốc là những điển hình nặng ký nhất mà Việt Nam có thể lôi kéo vào cuộc cờ này. Ông cũng cho biết rằng vì phát biểu của thượng nghị sĩ McCain còn bao gồm lời kêu gọi Việt Nam thực thi cải cách chính trị và cải thiện nhân quyền nên sự hợp tác quân sự Việt-Mỹ nếu có thì cũng bị hạn chế.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự: Đứng từ góc nhìn của Mỹ mà tôi lấy ra từ bài phát biểu của ông McCain, việc thắt chặt hợp tác quân sự có lẽ là một phần của một khối thống nhất các mong muốn thay đổi ở Việt Nam. Các mặt khác bao gồm cả tiến bộ trong không gian chính trị và xã hội. Có lẽ các mặt này phải song hành với nhau. Vì thế, trong chừng mực mà Việt Nam còn chưa muốn đẩy mạnh cải cách về chính trị và xã hội thì tôi không nghĩ quan hệ quân sự giữa hai nước có thể đi xa. Do đó việc thắt chặt hợp tác quân sự Việt-Mỹ nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế. Cho dù vậy Bắc kinh cũng sẽ cảm thấy không hài lòng. Tuy thế, nếu có căng thẳng giữa hai nhà nước về chuyện này thì tôi nghĩ đó cũng là cái giá cần thiết. Theo cá nhân tôi, lợi ích của sự hợp tác này có lẽ sẽ vượt xa cái giá là sự tổn hại ít nhiều trong quan hệ giữa Hà nội và Bắc kinh.
Giáo sư Vũ Tường của Đại học Oregon cũng cho rằng đề nghị tăng cường hợp tác quân sự mà ông McCain đưa ra được nối kết với vấn đề dân chủ hóa ở Việt Nam.
Giáo sư Vũ Tường giải thích thêm: Về chiến lược ngoại giao lâu dài, lãnh đạo Việt Nam có hai chọn lựa. Một là theo cách làm mà họ vẫn đang làm là hòa hoãn với Trung Quốc và chấp nhận ưu thế của Trung Quốc. Chọn lựa này về lâu dài có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận việc chúng ta mất hẳn Hoàng Sa và mất dần Trường Sa vì Trung Quốc sẽ càng ngày càng lấn chiếm và chúng ta sẽ càng ngày càng bị thua thiệt và nhượng bộ. Nhưng theo chọn lựa này thì sẽ có ít rủi ro về chiến tranh -- vì chúng ta không nghĩ tới chuyện đương đầu với Trung Quốc, và có ít rủi ro về mất chế độ và mất sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, và không phải lo lắng về vấn đề dân chủ hóa vì quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ thì thế nào cũng bị gây áp lực về vấn đề dân chủ. Lựa chọn thứ hai là nếu chúng ta đặt mục tiêu là giữ được phần nào Trường Sa và có thể đòi Hoàng Sa trong tương lai thì việc này chúng ta không thể tự mình làm mà, ít nhất là trong vòng 30 năm nữa, cần phải có sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật, Aán độ và các nước khác. Làm theo chọn lựa này, Việt Nam phải tranh thủ ủng hộ của phe diều hâu ở Mỹ và dùng sự uy hiếp của Trung Quốc để mặc cả với Mỹ. Nếu làm điều này, Việt Nam phải chấp nhận khả năng dân chủ hóa và thậm chí có thể dùng dân chủ hóa để mặc cả với Mỹ.
Phần phát biểu vừa rồi của giáo sư Vũ Tường về sự hợp tác quân sự Việt-Mỹ đã chấm dứt tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này. Duy Ái xin kính chào quí vị và xin hẹn gặp lại trong tiết mục tuần sau.
Đọc nhiều nhất
1