Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên sẽ tham gia Sáng kiến Chống phổ biến hạt nhân


Nam Triều Tiên cho biết họ sắp sửa loan báo việc tham gia đầy đủ vào một chương trình hợp tác do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm ngăn chận việc vận chuyển các loại vũ khí giết người hàng loạt. Hành động này có thể làm gia tăng sự căng thẳng với Bắc Triều Tiên trong lúc nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bị thất bại. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Theo dự liệu, trong vòng vài ngày tới đây Nam Triều Tiên sẽ công bố kế hoạch tham gia đầy đủ vào Sáng kiến An ninh Ngăn chận nạn phổ biến hạt nhân, gọi tắt theo tiếng Anh là PSI.

Sáng kiến hợp tác quốc tế này được Tổng thống Mỹ lúc đó là ông George W Bush triển khai không bao lâu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Mục đích của chương trình là phối hợp các biện pháp tự nguyện của hơn 90 quốc gia nhằm theo dõi và chận bắt những chiếc tàu bị nghi là chuyên chở vũ khí giết người hàng loạt.

Những biện pháp này bao gồm một thủ tục đặc biệt để một nước cho phép nước khác được lên tàu khả nghi của nước mình để kiểm tra, ngay cả trong trường hợp chiếc tàu đó đang ở trong hải phận quốc tế.

Phát ngôn viên Moon Tae Young của Bộ ngoại giao Nam Triều Tiên cho biết chính phủ nước ông sẽ loan báo về việc tham gia vào chương trình PSI trong nay mai. Nhưng ông nói thêm rằng vì Bắc Triều Tiên không tham gia chương trình này cho nên không thể chận bắt các chiếc tàu khả nghi của Bắc Triều Tiên trong hải phận quốc tế.

Cho đến nay, Nam Triều Tiên chỉ tham gia PSI với tư cách quan sát viên vì tính chất tế nhị của mối quan hệ giữa Hán Thành với Bình Nhưỡng. Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một thỏa thuận ngưng bắn chứ không có hòa ước.

Bắc Triều Tiên từng cảnh cáo rằng họ xem việc Nam Triều Tiên tham gia PSI như một hành động tuyên chiến. Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng đó là một sự phản ứng quá đáng. Họ nói rằng quyết định tham gia PSI phản ánh mối quan tâm của Nam Triều Tiên về nạn phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới chứ không đặc biệt nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Mặc dù vậy, những hành động hồi gần đây của Bắc Triều Tiên có thể đã góp phần làm cho Nam Triều Tiên quyết định tham gia PSI. Hồi đầu tháng này Bình Nhưỡng đã phóng một hỏa tiễn bay ngang miền bắc Nhật Bản.

Một số chuyên gia cho rằng vụ phóng này không phải chỉ là một vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên mà còn là một sự phô trương khả năng của Bắc Triều Tiên cho những nước có thể muốn mua vũ khí của họ.

Thêm vào đó, Bắc Triều Tiên cũng đã trục xuất các thanh sát viên hạt nhân quốc tế, rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, và tuyên bố sẽ thực hiện lại việc sản xuất chất plutonium có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tất cả những việc này đã xảy ra chỉ trong vài ngày vừa qua để đáp lại sự lên án của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với vụ phóng hỏa tiễn.

Ngoài ra, hai người Nam Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên cũng bị nhà chức trách Bình Nhưỡng câu lưu trong gần 3 tuần nay.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Kim Ho Nyoun hôm nay kêu gọi Bắc Triều Tiên đừng dùng hai người đó làm lá bài để mặc cả với Nam Triều Tiên về vấn đề PSI.

Theo lời ông Kim, việc giải quyết vấn đề liên quan tới hai công dân Nam Triều Tiên là một vấn đề nhân đạo và Bắc Triều Tiên không nên nối kết vấn đề này với vấn đề PSI, vốn là một vấn đề chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG