Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ hướng tới nền kinh tế xanh


Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, từ 'Kinh tế Xanh' được báo chí Mỹ nhắc nhở đến rất nhiều. Vậy kinh tế xanh là gì, nó bao gồm những lãnh vực gì trong nền kinh tế và nó có những triển vọng như thế nào? Mời quí vị theo dõi Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay qua những tài liệu trích thuật từ báo chí Mỹ và cuộc phỏng vấn do Lan Phương của ban Việt ngữ VOA thực hiện với chuyên gia tài chính học Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận của nhật báo Người Việt, bang California.

Từ thập niên 1970 đến nay, người dân Mỹ và cả thế giới đã trải qua những vụ giá dầu tăng vọt, nhiều quốc gia phải lệ thuộc vào dầu nhập khẩu đều cảm thấy bất an. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm và thay đổi khí hậu đã lên tới mức báo động trên toàn thế giới đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Những vấn đề này đã được nêu lên từ lâu và nhiều quốc gia đã có những chương trình nghiên cứu để tìm kiếm và áp dụng các loại năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Trước hết là cơ sở hạ tầng. Mạng lưới cung cấp điện lực cũ kỹ từ 50, 80, có nơi từ 100 năm nay sẽ cần phải thay đổi để có thể sử dụng cả những loại nhiên liệu thay thế. Xe hơi phải được thiết kế lại, nhà cửa phải gắn thêm nhiều trang thiết bị để có thể sử dụng loại năng lượng mới.

Công nghệ năng lượng là một vấn đề khác nữa. Biến sức gió thành năng lượng là một công nghệ tương đối đã khá hoàn chỉnh nhưng còn rất nhiều việc phải làm đối với các loại năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, hay năng lượng sinh học v..v..

Chuyên gia tài chính học Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận của báo Người Việt tại California đã dành cho ban Việt ngữ VOA bài nói chuyện về đề tài 'Kinh tế Xanh' mời quí vị theo dõi.

VOA: Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Obama vẫn đang phải vất vả đối phó với tình hình kinh tế xuống dốc, và từ 'kinh tế xanh' được nói đến như một trong những giải pháp có thể góp phần vào việc giải quyết một số khó khăn kinh tế. Xin ông giải thích về từ 'kinh tế xanh' đang được báo chí nhắc nhở đến khá nhiều.

Ngô Nhân Dụng: 'Kinh tế xanh' tiếng Anh gọi là 'green economy' nói đến những hoạt động kinh tế, đặc biệt là sản xuất và năng lượng, trong đó người ta không làm hại cho môi trường và ngược lại có những hoạt động để giảm tác hại cho môi trường sống vì những công nghiệp cũ thải vào trong không khí và nước nhiều chất độc, nhất là các chất khí có carbon. Nói chung, đó là những hoạt động kinh tế nhắm hai mục đích: Một là giảm bớt những độc hại của nền kinh tế cũ, hai là tạo ra những hoạt động mới trong đó không gây hại thêm cho nước và không khí trên trái đất.

VOA: Nghe nói Tổng thống Obama dự tính dành 150 tỉ đô để đầu tư, tạo khoảng 5 triệu công việc làm trong nền kinh tế xanh. Đây là những công việc như thế nào thưa ông?

Ngô Nhân Dụng: Trong kế hoạch gọi là kích thích kinh tế của ông Obama có những số tiền chi tiêu cho kinh tế xanh. Số tiền này không hoàn toàn đạt tới tiêu chuẩn dùng để kích thích kinh tế đâu. Đây là một cơ hội để ông tổng thống mới ở Mỹ dựa vào nhu cầu kích thích kinh tế mà đưa vào trong chương trình của ông những hoạt độmg mà theo chủ trương của ông cũng như của đảng Dân Chủ là phải chuyển hướng nền kinh tế Mỹ để trở nên xanh hơn, tức là bảo vệ môi trường nhiều hơn. Những công việc được dự trù tạo ra, theo định nghĩa, để kích thích số cầu trong nền kinh tếthì không có bao nhiêu, bởi vì khi nền kinh tế xanh được thực hiện thì có những việc làm có thể được gọi là thuần túy kinh tế xanh, thí dụ như việc làm của các kỹ sư thiết lập các nhà máy điện chạy bằng sức gió hay những người đi lắp đặt các máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời. Chúng tôi thấy những việc làm như vậy ở tiểu bang California nhiều nắng đã tăng lên nhiều trong những năm gần đây. Một tu viện của các tu sỹ Phật giáo Việt nam đã đặt nhưng tấm kính thu ánh sáng mặt trời và họ hoàn toàn tự túc về điện, không cần phải mua điện ở đâu hết. Những công việc đó thuộc loại những hoạt động kinh tế không gây hại cho môi trường. Thế nhưng có rất nhiều công việc khác liên quan đến kinh tế xanh có thể giúp cho số người có việc làm tăng lên, thí dụ như nghiên cứu, bởi vì những nguồn tài nguyên của trái đất để tạo ra năng lượng thì mỗi ngày một bớt đi, và chắc chắn những thứ như dầu lửa, than đá, tức là dựa trên carbon, khi được sử dụng thì chúng làm hại môi trường của trái đất.

VOA: Đâu là khó khăn chính trong việc nghiên cứu và chuyển đổi sang sử dụng những năng lượng mới?

Ngô Nhân Dụng: Hiện nay, người ta đang đi tìm những nguồn năng lượng mới, và làm sao để những điều mà người ta đã khám phá ra có thể được thương mại hóa. Khó khăn chính của việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng mới là phí tổn, bởi vì nếu việc tạo ra năng lượng đó mà quá tốn kém, nhất là khi so với dầu lửa và than đá thì cuối cùng cũng không ích lợi gì, cho nên hiện nay người ta phải nghiên cứu để xem là những phương tiện đó có thể sản xuất với cái giá rẻ hơn và đặc biệt, người ta chờ đến lúc giá dầu lửa lên cao quá thì tự nhiên những nguồn năng lượng mới có giá rẻ hơn thì nó dễ được sử dụng.

Công việc thực sự có tính cách kinh tế xanh là những công việc nghiên cứu như vậy.

Thế nhưng trong chương trình kích thích kinh tế của ông Obama thì trên nguyên tắc người ta phải nhắm vào những mục tiêu ngắn hạn, tức là làm sao tăng con số người có việc làm, được trả lương, những người đó sẽ tiêu thụ và kích thích kinh tế. Phần lớn những công việc này chỉ có tính cách tay chân, thí dụ như một công ty ở Mỹ được chính phủ trợ cấp để xây nhà máy điện mới, thì công ty đó có thể sử dụng đến vài ngàn người để làm công việc xây cất, sau khi xây cất xong thì trong vòng một năm chẳng hạn thì những công việc đó cũng biến mất; cuối cùng công ty sẽ sử dụng những người nào làm việc trong nhà máy hay nghiên cứu, thì con số đó sẽ khiêm tốn hơn nhiều. Tuy nhiên, điều mà ông Obama muốn làm trong chương trình kích thích kinh tế này không chỉ thuần để kích thích kinh tế mà ông còn nhắm vào những mục đích lâu dài nữa, trong đó việc thực hiện nền kinh tế xanh là mục đích lâu dài của ông.

Chuyên gia Ngô Nhân Dụng cho biết thêm là việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là điều hết sức khó khăn vì nó đụng chạm đến các thế lực đang được hưởng lợi như các hãng xăng dầu, ngân hàng, hãng xe hơi, các hãng bảo hiểm và giới làm việc trong ngành dầu lửa. Nếu trong một vài năm nữa giá xăng dầu vẫn thấp thì người dân Mỹ có thể sẽ không muốn thay đổi thói quen và lối sống sử dụng nhiều xăng dầu của họ, và hiện người ta chưa thể biết được là chương trình kinh tế xanh của tổng thống Obama sẽ có thành công hay không.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người trông đợi là cuộc vận động của ông Obama sẽ giống như thời thập niên 1980 khi cả thế giới không quan tâm đến cuộc cách mạng tin học nhưng các doanh nhân và các chuyên viên, kỹ sư ở Mỹ đã nghiên cứu, tìm tòi, và trong vòng 10 năm công nghệ tin học của nước Mỹ đã vượt qua cả thế giới và đứng đầu trong một thời gian rất dài.

Do đó, có thể là trong 10 năm nữa, nước Mỹ cũng sẽ dẫn đầu thế giới về tất cả những công nghệ sản xuất trong một nền kinh tế xanh, và lúc đó nước Mỹ có thể lại đóng một vai trò quan trọng để các nước khác phải học hỏi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG